Tin tức– Sự kiện
15/08/2016 15:55 15/08/2016 15:55 1375
Hành trình tri ân
Phần 1: Thực hiện di nguyện của Cha.
Tháng Bẩy, tháng của mùa Vu Lan - Báo hiếu. Trong quan niệm của người Việt, ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Câu chuyện của tháng Bẩy năm nay chúng tôi muốn kể về đạo lý hiếu thuận, tình cảm của một người Con dành cho Cha, đến từ một đất nước xa xôi, cách chúng ta nửa vòng trái đất, nơi mà người ta thường có quan niệm "Về lâu về dài, người duy nhất mà bạn có thể trông cậy được là chính bạn".
Đó là câu chuyện về Thomas Eugene Wilber, con trai thứ 2 của Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber, một cựu binh phi công Mỹ, từng bị tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò trong khoảng thời gian 1968 - 1973. 
Thomas Eugene Wilber đến từ Bang Pennsylvania - Hoa Kỳ (gần New York). Ông đã đến Việt Nam nhiều lần, nhưng những chuyến đi của ông đều có chung một mục đích: Tìm lại những ký ức về Cha mình trên đất nước Việt Nam.
Cha ông, Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber, vì những lý do khác nhau nên đã có thời gian tham chiến tại Việt Nam. Walter Eugene Wilber, phi công của chiến đấu cơ F- 4J Phantom II (còn gọi là máy bay Con ma), nhận lệnh xuất kích từ tàu sân bay trên biển Thái Bình Dương đi ném bom miền Bắc - Việt Nam theo mục tiêu đã được định trước. Phi cơ do Walter Eugene Wilber điều khiển đã bị quân và dân Đô Lương - Nghệ An bắn rơi vào ngày 16/6/1968, người bạn đồng hành Bernard Francis Rupinsk đã tử vong còn Walter Eugene Wilber, được 3 thanh niên Việt Nam cứu sống, trở thành tù binh.
Suy nghĩ về cuộc chiến tranh Việt Nam của Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber đã có những thay đổi kể từ đây. Sau khi được cứu sống, ông được đưa về Hà Nội, được chăm sóc y tế và sau đó đưa về tạm giam tại trại giam Hỏa Lò - Hà Nội, và di chuyển qua một số trại tạm giam tù binh phi công khác. 
Sau gần 5 năm sống trong các trại giam tù binh phi công Mỹ ở Hà Nội, Walter Eugene Wilber đã nhận được sự đối xử nhân đạo từ phía Chính phủ Việt Nam, đại diện là những chiến sỹ quân đội làm công tác quản lý tại đây, và ông nhận ra rằng: Cuộc chiến mà ông đang tham gia thực sự là một cuộc chiến phi nghĩa. Bởi một lẽ, khi được tiếp xúc trực tiếp với những con người Việt Nam, đặc biệt là cán bộ quản lý trại giam, Walter Eugene Wilber đã  viết: “Tôi không bị tra tấn, mặc dù được đối xử không được thân thiện lắm. Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”. Ông đã viết khá nhiều bức thư gửi về cho vợ và con trai kể về cuộc sống của ông trong trại tạm giam tù binh phi công Mỹ ở Hà Nội - Việt Nam (nội dung các bức thư đó chúng tôi sẽ chuyển tới bạn đọc trong các bài đăng tiếp theo).
 
 
 Phi công Walter Eugene Wilber (ở giữa) trong thời kỳ bị giam tại trại giam
Hỏa Lò, Hà Nội nhận ảnh và đồ dùng sinh hoạt do gia đình gửi sang
 
Ngày 12/02/1973, Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ đây ông đã được đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, những câu chuyện về cuộc sống của tù binh phi công Mỹ trong các trại tạm giam ở Hà Nội do ông kể lại đã tạo ra những luồng ý kiến phản đối. Đa phần phi công Mỹ được trao trả về nước đều cho rằng họ đã bị “đối xử tồi tệ” trong các trại tạm giam tù binh phi công Mỹ ở Hà Nội.
 
 
Những phi công Mỹ đầu tiên được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội,
ngày 12/2/1973 trong đó có phi công  Walter Eugene Wilber 
 
Vì có những phát biểu “trái chiều” với số đông tù binh phi công Mỹ nên cuộc sống của gia đình Walter Eugene Wilber đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Các con của Walter Eugene Wilber cũng nhận được sự đối xử không công bằng chỉ vì cha mình đã có những phát biểu “trái chiều”, cho dù đó là sự thật.
Với những tình cảm “vô bờ bến” dành cho người cha kính yêu, đồng thời vì hiểu “tình yêu bao la” của Cha dành cho mình, Thomas Eugene Wilber, người con trai thứ 2 của Trung tá Hải quân phi công Walter Eugene Wilber đã dành nhiều thời gian quay trở lại Việt Nam, thực hiện di nguyện của Cha mình: Tìm gặp những người đã cứu sống Cha mình và “cuộc hành trình tri ân” của Thomas Eugene Wilber  bắt đầu từ đây.
 
                      Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Trưng bày, Tuyên truyền

Chia sẻ: