Tin tức– Sự kiện
08/01/2017 15:05 08/01/2017 15:05 946
Hiểu và phát huy những giá trị đặc trưng
“Kỹ năng xây dựng các chương trình giáo dục tại bảo tàng” là tên khoá học được Cục Di sản - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Đại học Queensland, Australia tổ chức trong những ngày đầu năm 2017. Khoá học được tổ chức tại Thành phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Hội An, là một cơ hội tốt giúp nhiều cán bộ bảo tàng Việt Nam có điều kiện tiếp xúc, học tập và trao đổi kinh nghiệm với nhiều bảo tàng viên tại Australia. Với sự hướng dẫn của Tiến sỹ Graeme Were và Steve Chaddock, các học viên đã tham quan và thực hành tại một số bảo tàng và di tích, trong đó có Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò.
Đối với nhiều học viên, đây là lần đầu tiên họ được thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò. Họ nhanh chóng bị cuốn theo các câu chuyện liên quan đến cuộc sống gian khổ trong tù của tù nhân chính trị Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp. Từ những hình thức đàn áp đầy dã man, tàn nhẫn của cai ngục đến các cuộc vượt ngục táo bạo của những chiến sỹ cách mạng Việt Nam. Tất cả đã tạo nên sự đối lập khi các học viên tham quan khu vực trưng bày về tù binh phi công Mỹ, những chính sách nhân đạo mà Chính phủ Việt Nam đã áp dụng, để tù binh phi công Mỹ có được cuộc sống tốt nhất trong điều kiện thời kỳ đó. 
 
 
Các giảng viên và học viên cùng tham gia thảo luận sau chuyến tham quan 
 
Đến với di tích, Tiến sỹ Graeme đã lưu ý các học viên khi nghiên cứu cần đặc biệt chú ý đến cây bàng tại khu vực sân trại giam E. Dù vậy, trong quá trình tham quan, các học viên vẫn hoàn toàn bất ngờ với những câu chuyện xúc động gắn liền với cây bàng, cũng như sự khéo léo của người tù chính trị Việt Nam, từ cây bàng có thể làm nên những đồ dùng sinh hoạt trong tù. Chính từ những câu chuyện đầy nhân văn về chủ đề cây bàng, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò đã xây dựng được những sản phẩm lưu niệm phục vụ khách tham quan, điều này đã được Tiến sỹ Graeme đánh giá cao, vì hiện nay rất ít các bảo tàng tại Việt Nam có được các sản phẩm mang tính đặc trưng riêng như vậy. 
Ông Steve Chaddock, giảng viên trường Đại học Queensland đã ấn tượng về chiếc lá bàng in bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969, và đã quyết định mua chiếc lá. Mặc dù chính phủ Australia không cho phép mang các sản phẩm từ cây cối qua sân bay, nhưng Steve nói ông sẽ cố tìm cách mang chiếc lá về nhà.
 
 
Tiến sỹ Graeme Were tặng quà cảm ơn đồng chí Đặng Văn Biểu -
 Phó Trưởng ban Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò
 
Sau chuyến tham quan, dựa trên cơ sở các bài giảng, học viên ngồi lại cùng nhau xây dựng các chương trình giáo dục có thể triển khai tại khu vực di tích, cũng như phân tích một số câu hỏi liên quan như: Nên tập trung vào đối tượng khách tham quan nào? Nên triển khai trưng bày thế nào để khách có thể trải nghiệm nhiều hơn? Tất cả những ý kiến do các bạn học viên đưa ra đã được đại diện Lãnh đạo Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò giải đáp và chia sẻ cùng các thành viên tham gia lớp học. Đây sẽ là những tư liệu tham khảo hữu ích để Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hoả Lò nghiên cứu và áp dụng khi tiến hành xây dựng các đề cương đổi mới hệ thống trưng bày thường xuyên tại di tích.
Hoàng Cao Tiến - phòng Trưng bày Tuyên truyền
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Chia sẻ: