Tin tức– Sự kiện
10/04/2019 14:09 10/04/2019 14:09 2216
Đường ra tiền phương
Trong rất nhiều hình ảnh, tư liệu và hiện vật được trưng bày tại chuyên đề “Lửa Thanh xuân” được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện, mỗi bức ảnh, tài liệu, hiện vật là những câu chuyện ký ức của một thời khói lửa lắng đọng nhiều cảm xúc. Trong đó một bức ảnh xé tan màn đêm, vượt mọi nguy khó, chứa đựng lòng dũng cảm, ý chí cách mạng của những thanh niên trong kháng chiến chống Mỹ được nhiều khách tham quan vô cùng xúc động. Đó chính là bức ảnh “Đường ra tiền phương” của nhà báo, nhiếp ảnh Đinh Quang Thành.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành sinh năm 1935, quê ở Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, một làng ven đô Hà Nội. Tốt nghiệp khóa đào tạo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam năm 1958 - 1960, ông được cử làm phóng viên chuyên mảng thời sự chính trị. Những ngày tháng trên mặt trận thông tin, tuyên truyền đầy hiểm nguy, vất vả nhưng ông luôn tự hào: “Mình là người lính không cầm súng nhưng vũ khí là máy ảnh theo người”.
 
 
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành 
 
Trong những năm tháng ác liệt, ông luôn hướng ống kính vào những góc nhìn khác về cuộc chiến như khía cạnh nhân văn, lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng của những con người dấn thân bảo vệ tổ quốc. Bức ảnh “Đường ra tiền phương” mà ông chụp, là hình ảnh cô thanh niên xung phong với mái tóc buông dài, vai mang súng, tay cầm cờ lệnh đỏ, đứng ở đầu cầu phân luồng cho xe qua, nơi hàng ngày diễn ra những trận ném bom khốc liệt. Ông kể lại: "Vào một đêm tháng 6/1966, tôi đến cầu Gián Khuất đoạn qua sông Đáy trên quốc lộ 1A đúng vào cái đêm định mệnh: Nguyễn Thị Phúc, đội viên Đại đội TNXP 193 Nam Hà đang chỉ đường cho đoàn xe qua cầu phao trong đêm, bất ngờ một loạt bom nổ giữa đầu cầu và cô bị cưa cụt một cẳng chân. Không kịp cấp cứu, máu ra nhiều, cô gái đã hy sinh. Ngay đêm sau, nhiều đội viên nữ trong đơn vị đã tranh nhau làm nhiệm vụ thay Nguyễn Thị Phúc. Tôi đã chụp tấm ảnh đêm đúng nơi cô gái ấy đã đứng, tay cầm lá cờ lệnh đỏ, tóc buông dài, vai mang súng, chỉ đường cho các đoàn xe ra trận".
 
 
Bức ảnh “Đường ra tiền phương” được nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành chụp tháng 6/1966
 
Trên mình cô khoác tấm vải nylon mà ít nhà sáng chế nào có thể hình dung hết giá trị của nó trong cuộc chiến này: khi che mưa, lúc chống rét, làm túi đựng quần áo, làm phao bơi qua sông, dùng để lấy nước, làm võng để ngủ và nếu hy sinh thì dùng nó bọc xác đem chôn! Đúng là sự khốc liệt của cuộc chiến không bộc lộ ra bên ngoài mà lại nằm sâu thẳm phía bên trong. Cái khốc liệt này mang tính anh hùng ca, còn cái khốc liệt của một trận càn hay hủy diệt thì mang tính khủng bố. Sự khác biệt hình ảnh giữa bên này và bên kia cuộc chiến cũng chính là đây. Nhưng họ cũng có chung một tâm nguyện là mong sao cuộc chiến sớm chấm dứt và những sai lầm của của chiến tranh không bao giờ lặp lại ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.
Tính chân thực, nhân văn và vô cùng dũng cảm của bức ảnh đã được nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành ghi lại đúng khoảnh khắc đắt giá. Nhiều thông điệp đã truyền lửa đến thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay thông qua trưng bày “Lửa Thanh xuân”. Nhiều cảm xúc đã được ghi lại của các bạn thanh niên, học sinh khi tham quan trưng bày. Và cũng rất nhiều lời hứa thể hiện sự quyết tâm của thế hệ thanh niên Việt Nam vang lên trong Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Đó là sự tiếp nối tràn đầy nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam hôm nay.
 
 
 
Đoàn viên thanh niên các đơn vị tham quan trưng bày “Lửa Thanh xuân”
 
Bài: Hoàng Thúy Hạnh

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: