Tin tức– Sự kiện
06/07/2017 17:18 06/07/2017 17:18 2113
Ngày trở về
Mỗi lần Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò được đón tiếp các bác cựu tù chính trị trở về thăm, là thêm một lần chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp như được gặp lại những người thân thiết trong gia đình. Trở lại thăm nơi đây, các bác như những người đi xa trở về mái ấm của mình. Hôm nay, Di tích Nhà tù Hỏa Lò như rộn rã hơn khi được đón bác Đỗ Đăng Long cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 cùng gia đình đến thăm. 
Bác Đỗ Đăng Long năm nay đã gần 90 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Bác bị địch bắt năm 1951, sau 1 tháng tra khảo và đánh đập dã man, bác kiên quyết không khai, thực dân Pháp đưa bác về giam tại trại O, Nhà tù Hỏa Lò. Trong tù, bác tích cực tham gia các hoạt động như: học văn hóa, đấu tranh đòi cải thiện đời sống… bác được anh em tín nhiệm bầu làm trại phó trại O.
 
 
Bác Đỗ Đăng Long chỉ cho con gái và cháu vị trí trại O, nơi bác từng bị giam
 
 
Nhắc lại kỷ niệm sâu sắc khi bị giam trong tù, bác Đỗ Đăng Long rất xúc động. 
Một buổi sáng cuối tháng 2/1952, tôi được cai ngục gọi đi gặp người nhà. Mẹ đến thăm tôi. Do thời gian được gặp người thân chỉ có 15 phút, lại phải đứng cách xa nhau qua hai hàng lưới thép mắt cáo nên mẹ tôi chỉ dặn con cố gắng giữ gìn sức khỏe. Tôi nói với mẹ hãy yên lòng, ở đây anh em tù nhân luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
Mẹ gửi cho tôi quà là một cặp lồng nhôm có hai ngăn, ngăn dưới đựng xôi, ngăn trên có tôm, tép và ít thịt kho. 
Tôi rất mừng vì mẹ đã tới thăm tôi, nhưng rất băn khăn vì đường xa cách trở, qua nhiều vùng địch, nhà đang có nhiều khó khăn mà mẹ vẫn cố gắng lên được Hà Nội tiếp tế cho con. Sau này tôi mới biết mẹ tôi phải đi bộ 20 km, qua 5 bốt của địch đến bến phà Tân Đệ rồi đi tàu thủy lên Hà Nội. Mẹ phải xin phép chính quyền cho mang 50 quả trứng gà, lên Hà Nội bán lấy tiền mua quà gửi vào tù cho tôi. Vì thời gian đó, nếu không xin phép sẽ bị quy vào tội tiếp tế cho vùng địch.
Trong tù, khi anh em được nhận đồ tiếp tế từ gia đình sẽ đưa ra dùng chung trong bữa ăn hàng ngày. Hoa quả, bánh kẹo dùng để liên hoan chung tối thứ bẩy hàng tuần. Đồ tiếp tế mẹ gửi cho tôi còn được dành để bồi dưỡng cho một số anh em đau ốm. Trong suốt thời gian ở tù, tôi đã coi chiếc cặp lồng như một món quà quý của mẹ kính yêu.
Với tôi, đây là một kỷ vật thiêng liêng, đong đầy tình cảm của mẹ. Sau khi được trả tự do tôi đã giữ ngăn cặp lồng cẩn thận. Tới năm 1994, tôi giao lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị.
 
 
Gia đình bác Đỗ Đăng Long cùng cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
chụp ảnh kỷ niệm cạnh tủ trưng bày ngăn cặp lồng
 
 
Bác Đỗ Đăng Long kể về cuộc vượt ngục năm 1945 của hơn 100 tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
 
 
Gia đình bác Đỗ Đăng Long thắp hương tại Đài Tưởng niệm
 
Những chuyến trở về như thế này sẽ không còn nhiều nữa. Vì trong số các bác, những cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa lò, người trẻ tuổi nhất năm nay cũng ngoài 80 tuổi. Nhưng một điều chắc chắn rằng ý chí, nghị lực và tình cảm của các bác sẽ là ngọn lửa thắp sáng cho thế hệ hôm nay tiếp bước và noi theo. 
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm

Chia sẻ: