Nhân vật tiêu biểu
18/03/2016 10:01 18/03/2016 10:01 3349
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người lãnh đạo cuộc vượt ngục của bẩy chiến sỹ cộng sản Nhà tù Hỏa Lò, đêm Noel năm 1932
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 02/04/1904 tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Cuối năm 1925, đồng chí  tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu - Trung Quốc. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 5/1931, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị thực dân Pháp bắt ở vùng tô giới Thượng Hải, chúng chuyển đồng chí về giam tại bốt Catina - Sài Gòn, sau đó chuyển về giam giữ tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Trong những ngày bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người hăng hái vận động thành lập chi bộ Đảng. Đồng chí luôn được anh em tù nhân tín nhiệm bầu làm đại diện các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù. Cùng các đảng viên cốt cán, đồng chí phát động phong trào học tập, “biến nhà tù thành trường học cách mạng”.
Cuối năm 1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Lương Bằng về giam tại nhà tù Hải Dương chờ tòa án Nam án xét xử. Tại đây, đồng chí tiếp tục đấu tranh tuyệt thực đòi bỏ cùm, bỏ xích phát chăn, chiếu cho anh em. Tháng 6/1932, Tòa án Hải Dương xử đồng chí Nguyễn Lương Bằng án phát lưu chung thân và tiếp tục chuyển giam lại vào nhà tù Hỏa Lò.
Về đến nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nghĩ ngay đến việc phải vượt ngục ra ngoài để tiếp tục hoạt động. Đồng chí đặt vấn đề với đồng chí Nguyễn Tạo, đồng chí Nguyễn Tạo hưởng ứng và sốt sắng chuẩn bị cho ý đồ vượt ngục. Một cuộc họp bí mật dưới gầm sàn sạp nằm trong phòng giam được diễn ra, gồm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, Nguyễn Tạo,  Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Nguyễn Tuấn Thức… để bàn về kế hoạch vượt ngục. Nội dung cuộc họp bàn về tình hình nhà tù hiện tại, bàn về kế hoạch cụ thể sẽ trốn ra ngoài, phân công một số người tìm cách liên lạc với cơ sở bên ngoài để khi thoát khỏi nhà tù có thể bắt liên lạc ngay với tổ chức cách mạng.
Kế hoạch vừa bàn định xong thì giám ngục nhà tù ra lệnh bắt giam đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Tuấn Thức vào xà lim vì chúng cho là các đồng chí chủ trương diễn kịch trong trại giam. Hơn 90 tù nhân còn lại, chúng giam chung vào một trại, do đó, kế hoạch vượt ngục bàn bạc trước đó bị thất bại.
Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bàn với đồng chí Nguyễn Tạo bằng bất kỳ giá nào cũng phải trốn ra bằng được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xác định muốn trốn thoát khỏi nhà tù chỉ có cách duy nhất là làm sao thành người ốm rồi xin ra chữa bệnh tại Nhà thương Phủ Doãn, ở đó sẽ có cách trốn được. Thực tế, trước đó đã có một số tù thường phạm trốn thoát qua đường nhà tắm của bệnh viện. 
 
 
 Nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội)
 
Một vấn đề khác được đặt ra là làm sao có tiền để khi thoát được ra ngoài chi tiêu và rồi dần tìm cơ sở cách mạng. Hơn nữa, ở nhà thương Phủ Doãn muốn trốn thoát phải cưa song sắt cửa sổ nơi mình ở vì đường ra nhà tắm đã bị bịt lại sau lần trốn tù của một số tù thường phạm. 
Về vấn đề xoay tiền và lưỡi cưa, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Tạo đã nghĩ đến việc vận động đồng chí Hào Lịch vì gia đình đồng chí Hào Lịch là địa chủ nên dễ dàng hơn trong việc gửi tiền vào. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thuyết phục đồng chí Hào Lịch và được đồng chí đồng ý ngay. Tuy nhiên, muốn có tiền thì phải làm sao ra được nhà thương Phủ Doãn mới viết thư về nhà xin tiền vì nếu ở trong tù, người nhà có gửi tiền vào bọn giám thị cũng thu hết.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng bày cho đồng chí Hào Lịch cào cho lở  hai đầu gối ra, lấy thuốc  đắp vào đến khai với y tá cho vào nhà thương. Sau khi kiểm tra, y tá nghi đồng chí Hào Lịch mắc bệnh giang mai và chuyển sang nhà thương Phủ Doãn khám chữa. Vào đến nhà thương được hai ngày, bệnh khỏi, đồng chí Hào Lịch lại bị đưa về nhà tù Hỏa Lò, thế là kế hoạch không thành. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng tiếp tục bày cho đồng chí Hào Lịch nhịn đói 3 - 4 ngày để người bơ phờ, lấy dao cạo vào đầu “chỗ hiểm” cho lở ra, đắp thuốc lào vào và đến nói với y tá: bữa trước đã lở đầu gối, bây giờ lại lở “chỗ hiểm”. Y tá cho rằng đúng là đồng chí Hào Lịch mắc bệnh giang mai nên lại cho ra nhà thương Phủ Doãn. Được ra bệnh viện, đồng chí Hào Lịch nhanh chóng viết thư gửi về gia đình xin tiền, mấy ngày sau người nhà đã mang tiền và lưỡi cưa sắt vào Nhà thương Phủ Doãn cho đồng chí Hào Lịch. 
Tiếp đến, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bày cho đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm lấy kim châm vào lợi cho chảy máu, rồi khịt mũi ra, máu và mũi lẫn nhau, vờ ho khạc ra đờm lẫn máu và báo với y tá nhà thương là bị ho ra máu. Y tá nhà thương đồng ý để đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm ra nhà thương Phủ Doãn khám bệnh. Tiếp đến, đồng chí Lê Đình Tuyển cũng giả mắc bệnh giang mai và cũng được chuyển ra nhà thương khám, điều trị. Như vậy, năm đồng chí là: Nguyễn Tạo, Hào Lịch, Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn, Lê Đình Tuyển đã sang được nhà thương Phủ Doãn chỉ còn đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương chưa ra được. 
Tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn  Lương Bằng và Võ Duy Cương tổ chức đấu trang tuyệt thực, đòi thả cùm, được đọc báo và tắm giặt. Đã đấu tranh đến 6 ngày, giám ngục không nhượng bộ, đồng chí  Nguyễn Lương Bằng suy nghĩ, có lẽ mọi việc chuẩn bị cho kế hoạch vượt ngục được các đồng chí bên nhà thương Phủ Doãn chuẩn bị cũng đã sắp xong, đồng chí liền bàn với đồng chí Võ Duy Cương phải tìm ra mẹo, bắt địch nhượng bộ đưa ra nhà thương. Hai đồng chí nghĩ ra cách đâm cổ giả tự tử. Để thực hiện được việc này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã mượn con dao lam do một đồng chí trong trại còn giữ được để cạo râu. Hai đồng chí lấy dao, rạch da ở cổ và cổ tay, máu chảy lênh láng, tiếp theo vẫn đứng lên hô khẩu hiệu đấu tranh rồi ngã xuống giả vờ chết.  Trước tình thế đó, anh em tù chính trị phòng giam la ó, báo với giám thị có tù nhân tự tử.
Giám thị chạy vào, anh em tù nhân khiêng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương ra. Thấy cảnh tượng máu từ cổ, cánh tay hai đồng chí chảy ra be bét, bọn giám ngục lập tức đề nghị y tá nhà tù đưa hai đồng chí lên xe bò, cử thêm hai tù thường phạm chở các đồng chí sang nhà thương Phủ Doãn.
Đến nhà thương Phủ Doãn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhanh chóng quan sát và thấy đồng chí Nguyễn Tạo và anh em tù nhân đứng chờ ở cửa các phòng bệnh. Sau khi được khâu vết thương xong, y tá bệnh viện chuyển hai đồng chí vào phòng bệnh rồi khóa lại. Vì cửa phòng bệnh chỉ là song sắt, đi từ ngoài có thể nhìn vào được nên đồng chí Nguyễn Tạo đã kịp thời thông báo về tình hình anh em tù nhân và việc các đồng chí đã cưa được bốn song sắt, còn hai cái nữa anh em đang tích cực cưa.
Sáng hôm sau, bác sỹ bệnh viện vào khám cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Vũ Duy Cương, hắn xem bệnh lý và chỉ đạo cho nhân viên giam hai đồng chí vào khu xà lim vì được nhà tù báo đây là những tù nhân nguy hiểm. Trước khi bị nhốt vào xà lim, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tranh thủ nói với đồng chí Nguyễn Tạo làm thế nào phải mở được cửa xà lim. Đồng chí Nguyễn Tạo đã dùng tài ngoại giao của mình thuyết phục được tên lính khố xanh không khóa cửa xà lim với lý do để anh em tù nhân chăm sóc cho hai đồng chí vừa có ý định tự tử trong nhà tù và còn rất yếu. Tên lính khố xanh đồng ý và thường xuyên mở cửa xà lim nơi giam đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương.
Về việc làm thế nào mà anh em tù nhân cưa song sắt phòng bệnh mà địch không biết. Để làm được việc này, anh em tù nhân bày cho đồng chí Lê Đình Tuyển giả vờ điên. Hàng ngày, đồng chí Lê Đình Tuyển vừa giả điên, la hét đập phá ầm ĩ vừa cưa song sắt cửa sổ. Về sau đồng chí Tuyển đập phá, la hét bên ngoài, còn bên trong các đồng chí Nguyễn Tạo, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch thay phiên nhau bí mật sang giúp cưa song sắt. Tiếng cưa song sắt hoà lẫn với tiếng đập phá, la ó, địch không thể nào phát hiện được.
Việc cưa song sắt cửa sổ đã hoàn thành, đúng 12 giờ đêm Noel năm 1932 (24/12/1932), kế hoạch trốn khỏi nhà thương Phủ Doãn được bắt đầu. Đồng chí Nguyễn Tạo được bố trí đi trước, tiếp theo là đồng chí Lê Đình Tuyển, Hào Lịch, Nguyễn Trọng Đàm, Bùi Xuân Mẫn, Võ Duy Cương và đi sau cùng là đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Trước khi đi, số tiền đã chuẩn bị từ trước, các đồng chí chia đều cho nhau, mỗi người được hơn 7 đồng và mỗi người còn mang mảnh chăn xé làm khăn quấn đầu vì đầu các đồng chí đều bị cạo trọc lốc, không bịt kỹ thì dễ bị địch phát hiện. Để đánh lạc hướng địch, các đồng chí đã để lại một lá thư đại ý viết “ở ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng, các đồng chí ra có xe đón, đưa lên biên giới”. Chính nội dung lá thư để lại đã làm cho địch mất nhiều thời gian vây giáp ở vùng biên giới.
Năm đồng chí Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển trốn ra được trước, thuê xe đi về hướng Bạch Mai, rồi tìm đường về Hà Nam. Trời mùa đông giá rét, năm đồng chí trong cảnh chạy trốn, luôn phải chú ý nghe ngóng, cảnh giác, đề phòng địch đuổi theo. Vượt hết cánh đồng này tới cánh đồng khác của vùng đồng chiêm trũng Hà Nam, đêm đi, ngày chui vào các lùm cây giữa đồng ẩn núp, suốt hai ngày ba đêm, mới về tới Phủ Lý bắt được liên lạc với cơ sở. Các đồng chí chia nhau mỗi người đi về một địa phương, người về Nam Định, Thái Bình, người đi Thanh Hoá, Hưng Yên, Thái Nguyên để tiếp tục hoạt động.
Hai đồng chí còn lại là Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương nhảy xuống đường gặp một đoàn người đang đổ về ngõ huyện để kéo đến nhà thờ dự lễ Noel. Hai đồng chí hòa vào dòng người đi lễ rồi thuê xe đi ra phía bờ sông, lách qua gầm cầu đi đến bến đò Tứ Tổng, tìm đường về Vĩnh Yên. 
Tin bảy tù cộng sản vượt ngục Hoả Lò đã làm cho địch vô cùng tức tối. Chúng ra lệnh vây ráp, truy nã khắp nơi, thông báo dán ảnh, đăng tin trên các báo chí. Đồng thời, chúng treo giải thưởng lớn cho ai bắt được tù cộng sản vượt ngục. Do sơ suất mất cảnh giác, đồng chí Võ Duy Cương bị địch bắt trở lại sau đó mấy ngày, đồng chí Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm bị sa lưới địch sau một tháng. 
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người giàu kinh nghiệm trong việc giao tiếp, ứng xử và hoà mình với dân. Khi chưa liên lạc được với Đảng, đồng chí đã về ấp Dọn (Hải Dương) cải trang thành tá điền, cùng nhân dân làm ruộng, được dân tin yêu, che chở. Một thời gian sau, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã gây dựng được cơ sở cách mạng và tiếp tục phát triển phong trào đấu tranh.
                                                  
                                        Đào Thị Huệ tổng hợp và biên soạn

Nguồn:
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2009.
- Chúng tôi vượt ngục (Hồi ký), Nguyễn Tạo, Nxb Văn học Hà Nội, 1977.
- Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.







                                       


 


Chia sẻ: