Nhân vật tiêu biểu
18/03/2016 10:08 18/03/2016 10:08 5601
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn tên thật là Phạm Hữu Mẫn, sinh năm 1914 tại làng Trích Sài (Bưởi), Hà Nội. Mồ côi cha, mẹ từ nhỏ, đồng chí phải đi ở đợ và làm con nuôi một người phụ nữ làm nghề hát ả đào. Cuộc sống bần hàn, cơ cực, hàng ngày phải chứng kiến những bất công trong xã hội đương thời, Nguyễn Hoàng Tôn khao khát được làm một điều gì đó có ích cho bản thân và xã hội.
Năm 1930, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn được đồng chí Ngô Đình Mẫn một cán bộ cách mạng đang hoạt động bí mật trong nội thành tuyên truyền, giác ngộ và hướng theo con đường cách mạng. Sau một thời gian, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn được tổ chức tin cậy giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc cho Xứ ủy và tham gia diễn thuyết, rải truyền đơn, bảo vệ vận chuyển vũ khí, cảnh báo những tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp. 
Những hành động  dũng cảm, táo bạo của đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao khiến bọn mật thám điên cuồng lùng bắt, chúng muốn “trừng trị tên Mẫn con đặc biệt nguy hiểm”. Đêm 20/4/1931, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn, Ngô Đình Mẫn và một số đồng chí trong Xứ ủy bị mật thám Pháp bắt. Kẻ địch tức tối dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, chúng đánh đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn chết đi sống lại nhiều lần, đưa người ra đối chất nhưng để bảo vệ đồng đội và tổ chức đồng chí vẫn một mực không khai báo. 
Ngày 17/10/1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn ra trước tòa Đại hình để kết tội. Đồng chí không hề lo sợ vì đối với Nguyễn Hoàng Tôn ra trước vành móng ngựa của thực dân là lúc đồng chí có thể công khai tố cáo tội ác của chế độ thực dân phong kiến, tuyên truyền cho Đảng, hô hào quần chúng. 
Đến tòa đại hình, sau tiếng lính hô bồng súng chào, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn, Ngô Đình Mẫn và các đồng chí khác nhất loạt không ai chịu đứng lên. Bọn mật thám dùng súng thúc vào mạng sườn Nguyễn Hoàng Tôn và những người cùng đi, một cuộc giằng co thật sự giữa các chiến sỹ cách mạng và bọn mật thám. Tên Chánh án  Bu - sê cau mày, giả như không  hay biết chuyện gì vừa xảy ra, để cho qua chuyện viên lục sự Sa - Lông đứng dậy đọc một loạt cáo trạng 43 người với tội danh âm mưu lật đổ chính phủ bảo hộ và xúi giục dân làm loạn.
Sau khi nghe tòa luận tội, đồng chí Ngô Đình Mẫn đứng lên dõng dạc tuyên bố đòi đánh đổ chủ nghĩa thực dân và nhận hết trách nhiệm về mình trong việc có dính líu tới Nguyễn Hoàng Tôn. Ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn đứng phắt dậy và bác lời đồng chí Mẫn: “Anh Mẫn nói không đúng, việc này tự tôi làm, không ai chỉ huy tôi cả, anh Mẫn không có ai liên quan gì đến việc này” . Ngồi trên bục cao, bọn quan tòa áo đỏ trố mắt kinh ngạc. Biết đây là tội chết mà sao họ vẫn cứ tranh nhau nhận lấy? Cuối cùng, bọn quan tòa phải lục tục kéo nhau vào trong họp kín và đến 8 giờ tối mới trở ra tuyên án. Đồng chí Ngô Đình Mẫn bị kết án khổ sai chung thân, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn bị kết án tử hình.
Sau khi nghe tòa luận tội, tuyên án, tên chánh án Pháp hỏi: “Có ai muốn xin ân xá không?”. Ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn giơ hai tay bị cùm, đứng phắt lên, cất giọng đường hoàng,  đĩnh đạc nói: “Tao không thèm xin xỏ gì bọn thực dân chúng mày. Làm cách mạng, đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc thì  ắt phải bắn bỏ chúng mày. Đó là việc làm chính nghĩa, tao không có tội gì hết” . 
Lính áp giải xách tuồn tuột đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn ra ngoài, tiếng chuông của chánh tòa rung ầm ầm, rùi cui của sen đầm cũng không át nổi tiếng hô vang của đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn: “Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo hội đồng đề hình, Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”. 
Sau phiên tòa, thực dân Pháp giam đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn trong xà lim tử hình nhà tù Hỏa Lò. Xà lim ba bề sơn hắc ín đen kịt, trên cao có một cửa sổ con lắp kính, phía ngoài là chấn song sắt có bọc tôn để che mắt người tù trông ra ngoài, chỉ có ánh sáng từ phía trên lọt xuống qua những lỗ đục li ti. Cửa sắt mỗi xà lim  ra hành lang có chấn song sắt trên cao và một lỗ vuông để nhận thức ăn từ ngoài vào. Hàng ngày có gác điêng liên tục đi tuần. Trước tình thế  đó, Nguyễn Hoàng Tôn luôn đặt câu hỏi: “Mình phải làm gì bây giờ, mình không thể ngồi thụ động đếm ngày giờ rút ngắn đời mình”. 
 
 
 Khu xà lim tử hình, Nhà tù Hỏa Lò
 
Lợi dụng khoảng thời gian tên gác điêng người Pháp không đi tuần, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn lên tiếng hỏi vọng sang các xà lim có các đồng chí bị bắt vào sau  xem họ đã được phổ biến học tập luận cương chính trị của Đảng chưa, hỏi và tranh luận những luận điểm đồng chí chưa hiểu trong chủ trương sách lược của Đảng về cách mạng dân quyền,  hỏi những tin tức mới nhất về tình hình phong trào được tổ chức bí mật từ ngoài đưa vào, những tin đấu tranh thắng lợi ngoài trại giam, những cơ sở nào mới bị phá vỡ… 
Một hôm, tên Cha cố là Đơ-rô-nê (Cha Ân) vào phòng giam động viên, an ủi, dụ dỗ và khuyên Nguyễn Hoàng Tôn “nên ăn năn hối lỗi trước Chúa”.  Biết đây là trò lừa phỉnh của bọn thực dân, Nguyễn Hoàng Tôn đã khôn khéo dùng ngôn ngữ kinh thánh, đáp lại tên cha cố và quyết không ăn năn hối lỗi vì không có tội. Dụ dỗ không được, bọn lính canh dẫn đồng chí lên gác, vào một căn phòng. Giữa phòng, đã để sẵn một chiếc bàn có hoa, quả, nho, táo, rượu, thuốc lá, cà phê… Ở đây, ngoài bọn tây mũi lõ ra, Nguyễn Hoàng Tôn còn nhìn thấy cả tên Tổng đốc Phạm Gia Thụy với cái mặt phì nộn ngồi đợi sẵn. Theo tay tên lính trỏ, Nguyễn Hoàng Tôn ngồi vào một cái ghế mây có tựa rất êm. Từ cửa phòng bên bước ra một tên “Mũi lõ”, đồng chí nhận ra ngay đó là thằng Bu-sê, hôm trước nó ngồi ở ghế Chánh tòa án để xử án. Lúc này, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn chau mày suy nghĩ xem chúng định giở trò gì? 
Vào phòng, tên Bu-sê chỉ cười và nhìn mặt đồng chí Tôn không nói, rồi nó hất hàm có ý nhắc tên Thụy hãy bắt đầu. Tên Thụy xoay hai tay vào nhau cười hề hề và nói với đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn: “Em thấy chưa, nhà nước đại Pháp thật đại lượng”, rồi hắn chỉ vào bọn đang ngồi xung quanh đó, nói tiếp: “…Các quan thấy em còn trẻ lắm, tương lai phía trước đang chờ đón, chắc em cũng chưa muốn chết chứ, em có muốn được đi học không, vậy thì hãy làm đơn xin ân xá đi thì em không phải chết mà được hưởng nhiều thứ sung sướng ở đời…” . 
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn lạnh lùng ngả người ra sau ghế ra vẻ suy nghĩ mặc dù đồng chí nhận ra được rằng đây chính là mưu kế xảo trá của kẻ địch, chúng muốn một chiến sỹ cộng sản làm đơn xin ân xá để làm loa truyền thanh cho cái “đại lượng” của nhà nước đại Pháp, để mong thuyết phục những người cách mạng khác. 
Không để bọn chúng chờ lâu, bằng những từ ngữ sắc bén để khoan xoáy vào tai bọn cướp nước và bán nước, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn nói: “…Thuốc lá, tao không hút; rượu, tao không uống, tao lợm giọng không muốn ăn uống gì cả. Đương nhiên, tao muốn học hành, muốn sống. Nhưng tao muốn tự do học hành vì cách mạng, muốn sống một ngày cho Đảng, cho lý tưởng cách mạng của tao còn hơn sống một trăm năm kiếp nô lệ…” .
Bọn quan lại không giấu được vẻ ngạc nhiên, bối rối và đâm ra lúng túng thực sự, chúng đã không lung lạc được tinh thần và cái đầu không sợ máy chém của Nguyễn Hoàng Tôn. Tên Bu-sê vô cùng kinh ngạc vì trong cuộc đời ngồi ghế chánh tòa “hội đồng đề hình” Bắc Kỳ, hắn chưa từng gặp một trường hợp nào đáng sợ như thế này: Một người tù sắp bị chém đầu chỉ là một cậu bé vị thành niên không hơn không kém, đã không cầu mong được ân xá, còn đương nhiên ngạo mạn với cả một hình phạt khủng khiếp nhất thời trung cổ. Đi vào cõi chết, biết trước đầu mình phải rơi xuống đất, thế mà anh ta vẫn ung dung, thanh thản lạ lùng. Những lời lẽ đối đáp của anh ta còn chứng tỏ cho hắn thấy cái chết đối với anh ta là một cái chết mát mẻ. 
Bu-sê rỉ tai đốc Thụy, tên tai to mặt lớn này còn đang tím mặt vì Nguyễn Hoàng Tôn dám xấc láo với một quan tổng đốc, nhưng theo lệnh, hắn vẫn phải gượng cười nói giả nhân, giả nghĩa: “…Một lần nữa, các quan sẵn lòng đại lượng, bỏ qua, không chấp những lời lẽ xấc xược của em, các quan hiểu được tâm trạng của em là người tù chịu án chém thì đằng nào cũng chết nên không kiềm chế được bản thân mình. Vậy em chưa tin nhà nước đại Pháp muốn ân xá cho em hay sao? Còn đủ thời gian cho em suy nghĩ và nói rõ tại sao không muốn hưởng một đặc ân như vậy, các quan sẽ kiên tâm chờ em, em hãy nghĩ cho kỹ rồi trả lời” .
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn với tay ra bàn rút một điếu thuốc châm hút và nhìn ra khoảng trời bên ngoài cửa sổ, mải nghĩ đến những điều yêu dấu nhất mình sẽ để lại trên cõi đời này, những con đường, những mái nhà quen hơi, những nét mặt thân thương, nhớ các đồng chí, người còn, kẻ mất…đồng chí  mỉm cười, ngồi ngay ngắn và chậm rãi nói với đốc Thụy: Tôi đã nghĩ kỹ rồi, tôi là con cháu của Trần Bình Trọng, mà Trần Bình Trọng là tướng nhà Trần bị giặc Nguyên bắt từ thế kỷ 13 có câu nói rất nổi tiếng là “Thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm Vương đất Bắc” nên tôi mượn lời tổ tiên nhắc nhở những người yêu nước chúng tôi nhân thể. Biết không thể thuyết phục được Nguyễn Hoàng Tôn, bọn lính gác tức tối, lôi đồng chí trở lại xà lim giam lại ngay tức thì.
Trong xà lim tử hình, không để thời gian còn lại trôi qua một cách vô ích, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn đã dành thời gian tạo ra những sản phẩm lưu niệm như: vẽ con khỉ, con chó trên những cái thìa làm từ vỏ quả dừa để đổi lấy thuốc lá cho anh em tù nhân. Trước khi bị xử chém, đồng chí đã yêu cầu giám thị mang cho mình những món ăn ngon nhưng không phải để đồng chí ăn mà để gửi lại cho các bạn tù ở lại để có thêm sức lực, tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước.
 
 
 Cổng chính, Nhà tù Hỏa Lò - Nơi thực dân Pháp đặt máy chém,
xử tử hình đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn
 
Ngày 30/12/1931, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn hiên ngang ra pháp trường, giặc không đưa đồng chí đi đâu xa mà chúng đặt máy chém ngay trước cổng nhà tù Hỏa Lò xử chém cho dân chúng đến xem nhằm hù dọa, trấn áp tinh thần những người yêu nước. Bước lên máy chém, đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn dõng dạc hô to: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!” rồi đồng chí quay nhìn bốn phía tin chắc trong đám đông người đang chứng kiến có nhiều đồng chí thân yêu, bà con cơ sở cách mạng đã từng nuôi giấu mình nói lời vĩnh biệt: “Chào các đồng chí ở lại phấn đấu!”, rồi đồng chí hô: “Đả đảo thực dân Pháp xâm lược, đả đảo khủng bố!”. Cả pháp trường náo loạn, bọn cảnh binh, mật thám cuống lên xông vào đám đông giơ cao dùi cui, huýt còi, đuổi mọi người chạy dạt tứ phía.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn đã hy sinh anh dũng khi chưa tròn 18 tuổi, mặc dù không còn nữa nhưng tinh thần gan dạ, kiên trung “sống anh dũng, chết vẻ vang” của người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Hoàng Tôn mãi là tấm gương sáng về lòng quả cảm, đức hy sinh vì Tổ quốc để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
                                        Đào Thị Huệ tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
- Nguyễn Hoàng Tôn (truyện ký), Lưu Hương chủ biên, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1978.
- Kể chuyện Nhà tù Hỏa Lò, Lê Văn Ba, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.

Chia sẻ: