Trưng bày thường xuyên
Nhà tù Hỏa Lò, hiểu một cách ngắn gọn đó là “địa ngục trần gian”, là nhà tù lớn, kiên cố mà thực dân Pháp đã dựng lên để giam giữ, đày ải về thể xác và tinh thần các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Đối mặt với chế độ giam giữ khắc nghiệt, những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù là những chiến sỹ cách mạng với tinh thần quật cường, ý chí kiên trung, thà chết vinh còn hơn sống nhục, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời mình cho nền độc lập tự do của dân tộc.
 
Những người may mắn thoát khỏi ngục tù thực dân, đế quốc lại tiếp tục con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn bằng tất cả lòng nhiệt huyết của mình. Họ không quản ngại khó khăn, gian khổ, tích cực tham gia và lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 
Đảng, Nhà nước và đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam không bao giờ quên những hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh đi trước. Công lao to lớn đó đã được ghi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc và luôn được các thế hệ đi sau ghi nhớ, trân trọng và tri ân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, dân chủ, văn minh.
 
Chủ tịch Hồ chí Minh làm việc với đồng chí Trường Chinh  - Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Hà Nội, năm 1955
 
 Đồng chí  Hoàng Quốc Việt
Phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận - Công đoàn (Trong kháng chiến chống Pháp)
 
 
Những tác phẩm nghiên cứu của các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười
 
 
Phòng ghi danh
 
Phòng trưng bày này ghi danh của 1.651 chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam đã bị thực dân Pháp bắt, giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò qua các giai đoạn cách mạng từ năm 1899 đến 1954.
- Giai đoạn trước năm 1930 (Hiện ghi danh được 110 người).
- Giai đoạn 1930 - 1945 (Hiện ghi danh được 607 người).
- Giai đoạn 1946 - 1954 (Hiện ghi danh được 872 người).
 
Ngoài ra, còn trưng bày và ghi danh 62 chiến sỹ yêu nước, cách mạng chưa rõ năm ở tù và những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam hiện còn chưa tìm được tên.
 
 Đài tưởng niệm
 
Đài Tưởng niệm tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò được khánh thành năm 2000, là công trình kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
Với diện tích gần 200m2, Đài Tưởng niệm là nơi thường diễn ra các buổi lễ dâng hương, báo công, kết nạp Đảng viên, Đoàn viên, nơi tổ chức các cuộc giao lưu, là nơi thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ đi sau đối với những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.
 Nguyên liệu chính sử dụng xây dựng Đài Tưởng niệm là đá. Màu sắc mà tác giả sử dụng là màu đen và màu đỏ. Màu đen tượng trưng cho cho thời kỳ đen tối của hơn nửa thế kỷ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Màu đỏ tượng trưng cho máu và ý chí kiên cường, sự hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Hình ảnh những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất được khắc sâu vào từng phiến đá như lời nhắc nhở với thế hệ sau luôn biết trân trọng những thành quả cách mạng lớn lao mà thế hệ đi trước đã sẵn sàng hy sinh xương máu của mình để giành lại. Họ đã được vinh danh bằng 8 chữ vàng: Kiên trung bất khuất - vinh quang đời đời.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu dâng hương tưởng niệm các
chiến sỹ yêu nước, cách mạng bị địch bắt, tù đầy và hy sinh tại Nhà lao Hỏa Lò, ngày 23/7/2014
 

Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Chiến sỹ cách mạng
bị địch bắt tù, đày tại Nhà lao Hoả Lò, Hà Nội (giai đoạn 1930 - 1954)

Với những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các thế hệ tù chính trị từng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho “Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (giai đoạn 1930 - 1954)”.
Ngày 29/4/2011, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Lá cờ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò. Phần thưởng cao quý này hiện được trưng bày tại tầng 2, nhà C khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Chia sẻ: