Nhân vật tiêu biểu
09/12/2015 16:42 09/12/2015 16:42 3165
Đại tướng Văn Tiến Dũng với những ngày rèn luyện và đấu tranh trong nhà tù thực dân
Đồng chí Văn Tiến Dũng (2/5/1917-17/3/2002), bí danh Lê Hoài, quê tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình làm nghề thủ công, sớm trải qua cuộc sống cơ cực của giai cấp công nhân đã giúp đồng chí giác ngộ và dấn thân theo con đường cách mạng.
 
Năm 1936, đồng chí Văn Tiến Dũng tham gia phong trào dân chủ và các cuộc đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội. Tháng 11 năm1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1938, đồng chí đã tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
 
Từ năm 1939 đến năm 1944, đồng chí Văn Tiến Dũng bị thực dân Pháp bắt, giam 3 lần tại các nhà tù thực dân và vượt ngục thành công 2 lần.
 
Lần thứ nhất vào ngày 31 tháng 7 năm 1939, lo sợ sự ảnh hưởng của đồng chí trước các phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội, thực dân Pháp “đột ngột” ra lệnh bắt, giam đồng chí Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Phúc và một số anh em khác về Sở Mật thám Hà Nội. Các đồng chí đã đấu tranh chống lại sự bắt giam vô lý này. Hai ngày sau, chúng phải trả tự do cho các đồng chí nhưng chụp ảnh các đồng chí để lưu hồ sơ.
 
Lần thứ hai vào ngày 29 tháng 9 năm 1939, đồng chí Văn Tiến Dũng bị địch bắt cùng với sách, báo bí mật và Điều lệ Đảng tại trụ sở “Hội Ái hữu công nhân các xưởng dệt Hà Nội” ở số nhà 76 phố Tiên Sinh (nay là phố Hàng Gà). Do bị bắt cùng với những tài liệu mật nên đồng chí bị bọn mật thám đánh đập, tra tấn rất ác liệt: “…Chúng đánh tôi và chỉ riêng có tôi bị đánh, vì chúng đã tìm thấy tài liệu mật của Đảng. Chúng muốn triệt để khai thác ở tôi, nhưng  không có kết quả gì…1 .
 
Ngày 23 tháng 10 năm 1939, đồng chí và những cán bộ bị địch bắt ở Hà Nội như Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Phúc bị thực dân Pháp đưa ra xét xử bí mật. Tại phiên tòa, đồng chí đã bác bỏ những tội danh phi lý mà tòa án thực dân gán cho mình và kịch liệt phản đối việc bắt giam. Nhưng cuối cùng, chúng vẫn kết án đồng chí 2 năm tù vì tội tàng trữ tài liệu, sách báo, tuyên truyền các khẩu hiệu của Đệ tam quốc tế và gây rối trị an. Kết thúc phiên toà, đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Phúc bị chuyển về giam tại nhà tù Hoả Lò.
 
Nhà tù Hoả Lò là nơi đầu tiên đồng chí Văn Tiến Dũng “nếm trải” cảnh lao tù. Tuy phải sống trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt nhưng đồng chí luôn tỏ rõ ý chí kiên cường, giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng biến những ngày bị giam cầm thành những ngày rèn luyện và đấu tranh. Trong hơn hai tháng tạm giam tại Nhà tù Hoả Lò, đồng chí Văn Tiến Dũng cùng với những đồng chí đã trải qua tù đày có nhiều kinh nghiệm đã vạch ra kế hoạch nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho anh em trong lần chuyển đi giam tại nhà tù Sơn La. Ngoài ra, các đồng chí còn vận động anh em dành một phần thuốc men do gia đình tiếp tế để những người bị đi đày sử dụng dọc đường khi cần thiết. Cuối cùng là kế hoạch tuyên truyền giác ngộ binh lính đi áp giải và phương án đối phó khi bị chúng hành hạ hoặc khủng bố dọc đường. Ngày 11 tháng 01 năm 1940, đồng chí Văn Tiến Dũng và nhiều anh em tù chính trị bị đưa đi đày tại nhà tù Sơn La.
 
Tại nhà tù Sơn La, đồng chí Văn Tiến Dũng tham gia chi bộ Đảng do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư và tích cực tham gia tổ chức các cuộc đấu tranh tuyệt thực cho tù nhân đòi cải thiện khẩu phần ăn, nước uống, đòi đối xử tử tế với tù chính trị, đòi được mua báo, gửi thư về gia đình…Có lần đồng chí và hơn 100 tù chính trị khác đã bị phạt giam tại khu Ngục tối hơn mười ngày. Cùng các thành viên trong chi bộ, đồng chí còn góp phần chăm lo đời sống tinh thần cho anh em tù nhân và tổ chức các lớp học tập chính trị, văn hoá. Tháng 9 năm 1941, mãn hạn tù, trên đường bị giải từ Nhà tù Sơn La về Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã mưu trí trốn thoát thành công.
 
Lần thứ ba vào tháng 8 năm 1944, trong chuyến đi công tác tại huyện Gia Lâm, đồng chí Văn Tiến Dũng bị kẻ địch theo dõi và bắt giam. Trong hai tháng rưỡi bị giam ở Sở Mật thám Hà Nội, đồng chí bị tra tấn, cùm xích và chịu mọi nhục hình: “…Một trận… Rồi hai trận… Quả là những trận đòn tra khảo này khủng khiếp hơn hồi cuối năm 1939 nhiều lắm. Máu tôi đã tung toé trên sàn xi măng. Hai lần tôi ngất đi rồi tỉnh lại…” .  
 
Mặc dầu đã trải qua 75 ngày đêm bị cùm xích, với trên chục trận đòn chính thức, người đau nhức ê ẩm, rã rời, mặt bủng ra và trắng bệch, cánh tay trái bị liệt, nhưng đồng chí Văn Tiến Dũng luôn giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản, bảo toàn bí mật các cơ sở và tổ chức cách mạng của Đảng.
 
Tháng 11 năm 1944, đồng chí Văn Tiến Dũng bị chuyển về nhà lao Bắc Ninh để chờ ngày mở phiên tòa xét xử. Sau hơn một tháng bị giam, đồng chí đã bí mật liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ để nhờ phối hợp giúp đỡ kế hoạch tổ chức vượt ngục. Đêm ngày 26 tháng 12 năm 1944, đồng chí đã vượt ngục nhà lao Bắc Ninh thành công, trở lại hàng ngũ của Đảng để tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng. Ngày 12 tháng 01 năm 1945, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt tại tòa án tỉnh Bắc Ninh.
Từ năm 1945  đến năm 1950, đồng chí Văn Tiến Dũng trải qua nhiều cương vị công tác như: Bí thư cán sự tỉnh Hà Đông, tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, Chính ủy Chiến khu II, Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Phó Bí thư Trung ương Quân ủy, Tư lệnh Liên khu III.
 
Tháng 1 năm 1951, đồng chí được Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ thành lập Đại đoàn chủ lực 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) và làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Đại đoàn 320 tham gia 8 chiến dịch, trong đó có 2 chiến dịch tạo chuyển biến lớn là Chiến dịch Hòa Bình và Chiến dịch Tây Nam Ninh Bình.
Năm 1954, đồng chí là Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ ở Việt Nam.
 
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo những mặt trận, những chiến dịch quan trọng, mang tính chiến lược như: Chiến dịch Đường 9 -Nam Lào, Chiến dịch Trị Thiên, Trận Điện Biên Phủ trên không .
 
Năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tháng 4 năm 1975, đồng chí là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Từ tháng 5 năm 1978  đến năm 1986, đồng chí là Phó Bí thư thứ nhất, rồi Bí thư Quân ủy Trung ương. Từ tháng 12 năm 1980  đến năm 1986, đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
 
Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng lĩnh chỉ huy xuất sắc và có uy tín lớn của Quân đội ta. Tháng 01 năm 1948, đồng chí được phong hàm Thiếu tướng. Tháng 8 năm 1959, đồng chí được phong vượt cấp lên quân hàm Thượng tướng. Tháng 4 năm 1974, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Trong 35 năm tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1951 đến năm 1986), trong đó có 22 năm là Ủy viên Bộ Chính trị (từ năm 1960 đến năm 1982), đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác.
 
Lại Minh Thu - Biên soạn và tổng hợp
 
[1] Sách: Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 42. 
 
Nguồn:
- Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
- Đại tướng Văn Tiến Dũng đi theo con đường của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng (1896-1954), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nxb Hà Nội, 2009.
- 25 Tướng lĩnh Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2010.

Chia sẻ: