Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với những bước ngoặt lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX.
Tại Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn làm nhân viên thư ký tại Sở Hoả xa Đông Dương, đồng chí cùng hai người bạn quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng thuê nhà tại ngõ Gạch đường Yên Phụ và ngày ngày đi bộ đến nhiệm sở (nay là khu vực ga Hà Nội). Một nhân viên thư ký lúc bấy giờ đã được coi như trí thức. Khác với những đồng nghiệp thường ăn mặc theo kiểu âu phục, đồng chí Lê Duẩn vẫn mặc áo dài đen, đi guốc mộc. Công việc hàng ngày của một nhân viên thư ký là làm sổ sách và ghi chép phiếu xuất nhập các loại trang thiết bị, vật tư sửa chữa. Đồng chí Lê Duẩn đã nhanh chóng làm quen với công việc và môi trường sống mới. Phố phường Hà Nội vừa mang dáng dấp cổ kính kiểu cố đô Huế, vừa đầy vẻ náo nhiệt của một đô thị tập trung nhiều công xưởng, hiệu buôn...
Cuối năm 1928, đồng chí Lê Duẩn chính thức gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng và sinh hoạt cùng tiểu tổ với các đồng chí Nguyễn Tuân Thức, Nguyễn Hữu Phước ở khu vực ga. Như nhiều thanh niên giàu hoài bão và ước mơ, cứ nghe nói đến cách mạng đánh đuổi thực dân, xóa bỏ áp bức bóc lột, giải phóng người lao động là đồng chí hăng hái đi theo. Sau này đồng chí kể lại: “Đối với thanh niên không có gì làm họ say mê bằng cách mạng. Khi còn trẻ, một lần được ngồi ba, bốn người nói chuyện về cách mạng, chúng tôi thấy lòng phấn khởi như muốn bay, muốn nhảy, tưởng muốn đem sức mình lay chuyển cả đất trời mới hả dạ” (Trích sách Lê Duẩn: Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1978, tr.17).
Ga Hàng Cỏ, Hà Nội (1927 – 1930)
Đồng chí Lê Duẩn được phân công tuyên truyền, vận động thanh niên khu vực các ga Hà Nội, Gia Lâm. Vừa hoạt động, đồng chí vừa say mê tìm đọc thêm tài liệu, sách báo để mở rộng tầm nhìn. Đồng chí được tiếp xúc với những tài liệu của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được đọc Đường cách mệnh, báo Thanh niên, được gặp gỡ với nhiều khuôn mặt mới. Dần dần, đồng chí tự lý giải được nhiều điều trăn trở và tích luỹ thêm những trí thức, kinh nghiệm về phương pháp vận động quần chúng.
Sách “Đường Kách Mệnh”, của Nguyễn Ái Quốc (bên trái)
và Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (bên phải)
Đầu năm 1929, đồng chí Trần Học Hải và Mai Lập Đôn đang hoạt động trong phong trào công nhân Hà Nội đã giới thiệu đồng chí Lê Duẩn gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Chuyển sang tổ chức mới, đồng chí Lê Duẩn vẫn được tổ chức phân công phụ trách công tác vận động, tuyên truyền anh em công nhân ngành đường sắt. Do tính chất công việc, đồng chí có dịp đi lại nhiều nơi dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, tiếp xúc với mọi tầng lớp quần chúng lao động. Đồng chí tích cực tham gia gây dựng thêm nhiều cơ sở trong giới thợ thuyền, thanh niên, bà con lao động và phát động đấu tranh. Hoà mình trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn càng tin ở sức mạnh đoàn kết của quần chúng lao động và khả năng đánh đổ cường quyền và bạo ngược, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột.
Nguyễn Anh Tuấn tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo:
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nxb Thông Tấn Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Chân dung các Tổng Bí thư dành trọn đời cho lý tưởng, Nxb Hồng Đức, năm 2017.
- Sách: Những nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam (tập 1), Nxb Văn hóa – Thông tin Hà Nội, năm 2007.
- Sách: Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Lao động, năm 2014.
- Sách: Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2007.