Tin tức– Sự kiện
02/05/2019 11:23 02/05/2019 11:23 1211
Giao lưu nhân chứng với Tổ chức phi chính phủ MCC
Chiến tranh đã kết thúc trên đất nước Việt Nam hơn bốn thập kỷ. Hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đã trở thành bạn và hợp tác toàn diện của nhau. Trong quá trình thúc đẩy mối quan hệ này, có sự góp phần không nhỏ của các tổ chức hoạt động vì hòa bình, trong đó có tổ chức phi chính phủ MCC.
Chiều ngày 1/5/2019, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp cùng Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Tổ chức phi chính phủ MCC thực hiện buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử.
Trước khi gặp gỡ, giao lưu với Đại tá Lê Khai, cán bộ tuyên truyền, phát thanh Cục địch vận, Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn MCC đã tham quan tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, các thành viên trong đoàn đã được nghe giới thiệu lịch sử xây dựng Nhà tù Hỏa Lò, chế độ giam cầm các chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong những năm 1899-1954. Đặc biệt, tại hai phòng trưng bày về cuộc sống của những phi công Mỹ trong trại tạm giam Hỏa Lò, đoàn hiểu được chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc đối xử với những tù binh phi công Mỹ. 
 
 
Đoàn Tổ chức MCC nghe thuyết minh tại Trại giam E
 
Đoàn tìm hiểu về cuộc sống của những phi công Mỹ 
trong trại tạm giam Hỏa Lò
 
Tại phòng khách của di tích, nhân chứng lịch sử - Đại tá Lê Khai đã kể lại những nhiệm vụ và kỷ niệm trong quãng thời gian 4 năm khi Đại tá làm nhiệm vụ thu phát thanh và tuyên huấn cho các phi công Mỹ trong Nhà tù Hỏa Lò. Đại tá Lê Khai chia sẻ: “Nhân dịp Giáng sinh năm 1970, theo chủ trương của Cục Địch vận, nhằm tạo điều kiện cho phi công Mỹ được liên lạc, gửi những lời chúc tốt đẹp đến người thân, họ được viết thư để thu âm giọng đọc và phát trên chương trình Mỹ vận. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là tổ chức thu âm giọng đọc của phi công Mỹ. Sau đó, mang băng ghi âm về Phòng phát thanh Mỹ vận của Đài Tiếng nói Việt Nam (số 39, phố Bà Triệu, Hà Nội) để biên tập, phát sóng. Nhiều phi công Mỹ đã có hoạt động phản đối chiến tranh tích cực trong trại giam Hỏa Lò”. Đại tá Lê Khai cũng chia sẻ những kỷ niệm khi thực hiện nhiệm vụ phiên dịch tại trại Davis (Sài Gòn, năm 1973) sau khi Hiệp định Pari được ký kết.
 
Nhân chứng lịch sử - Đại tá Lê Khai giao lưu với các thành viên
 
Thay mặt Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Đại tá Chu Kỳ Minh - Chi hội trưởng Chi hội 4 Hà Nội, đã chia sẻ những nhiệm vụ, phương hướng mà Hội đã và đang thực hiện. Bên cạnh đó, Đại tá Chu Kỳ Minh cũng kêu gọi sự hỗ trợ chung tay của các tổ chức hoạt động vì hòa bình và nhân đạo.
Bà Beth Kvemen, trưởng đoàn tổ chức phi chính phủ MCC đã gửi lời cảm ơn đến Đại tá Lê Khai, Đại tá Chu Kỳ Minh đã giúp đoàn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, cũng như chính sách nhân đạo mà những phi công Mỹ nhận được từ Chính phủ và người dân Việt Nam. Bà cũng gửi lời cảm ơn đến Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt giao lưu thân tình và ý nghĩa. 
Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã trân trọng tặng từng thành viên trong đoàn món quà nhỏ và không quên mời đoàn sẽ quay lại Việt Nam, thăm tích Nhà tù Hỏa Lò vào tháng 7/2019 để tham dự triển lãm “Nhật ký Hòa bình”. Các thành viên đã vui vẻ, hào hứng nhận lời thăm trong tương lai gần.
 
 
Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng Ban QLDT Nhà tù Hỏa Lò
thân mật trao tặng quà cho đoàn tổ chức phi chính phủ MCC
 
Bài: Hoàng Thúy Hạnh
Ảnh: Lã Bích Thủy

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: