Tin tức– Sự kiện
10/06/2019 11:47 10/06/2019 11:47 2180
Một con người sống lại sau cuộc chiến (Phần 1)
Đi qua chiến tranh, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bản thân bị cụt một chân, nhưng ấn tượng mà người thương binh Nguyễn Tài Triệu để lại mỗi khi gặp là nụ cười rạng rỡ. Dù ở tuổi 16 đi theo tiếng gọi của phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” viết lá thư bằng máu xung phong nhập ngũ hay lúc chiến đấu và bị bắt vào Nhà tù Phú Quốc, đồng chí vẫn luôn lạc quan, yêu đời.Đến với trưng bày Lửa Thanh Xuân hiện đang diễn ra tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò quý khách sẽ được nghe những câu chuyện cảm động về đồng chí, một trong những nhân chứng được thể hiện trong trưng bày đã để lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.
Tôi không thể quên hình ảnh của đồng chí Nguyễn Tài Triệu mỗi khi chúng tôi tới gia đình làm việc chuẩn bị cho nội dung trưng bày chuyên đề “Lửa thanh xuân”. Vẫn nụ cười hiền hậu đó, vẫn tinh thần luôn lạc quan đã tiếp cho chúng tôi nhiều động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lần nào cũng vậy, chúng tôi bị cuốn theo những câu chuyện của đồng chí.
Đồng chí Nguyễn Tài Triệu sinh ngày 19/2/1947 tại phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngay từ nhỏ với khí phách của người con đất Hà thành đồng chí Nguyễn Tài Triệu đã tích cực tham gia các hoạt động không chỉ ở trường học mà cả nơi cư trú. Năm 1964, đồng chí Nguyễn Tài Triệu tham gia tích cực phong trào Đoàn thanh niên ở khu phố và được bầu làm Ủy viên Ban đại biểu thanh niên khu phố Kim Mã. 
 
 
Đồng chí Nguyễn Tài Triệu, năm 1965
 
Năm 1965, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào“Ba sẵn sàng”, đồng chí đã viết đơn bằng máu, xung phong vào Nam chiến đấu, khi đó đồng chí 16 tuổi, học hết lớp 7 (hệ phổ thông 10 năm).
Sau ngày rời Hà Nội, đồng chí gia nhập Đoàn 13B sư đoàn 351 pháo binh, nhận nhiệm vụ vác pháo vào Nam. Tuổi trẻ khí thế hừng hực nhưng khi đi vào thực tế mới thấy cuộc kháng chiến ác liệt. Đồng chí tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh vì sốt rét ác tính, vì bom đạn… Có những người vừa gặp nói chuyện lúc chiều mà sáng hôm sau đã hy sinh. Có người mệt quá vào vệ rừng mắc võng ngủ, đến sáng mối bám quanh người vì đã chết … đồng chí nghẹn ngào kể cho chúng tôi, đôi lúc giọng trùng xuống vì nhớ thương đồng đội của mình.
Trận chiến mà có lẽ đồng chí không bao giờ quên đó là, trận đánh vào ấp Hòa Trị, Tuy Hòa, Phú Yên tháng 5/1967. Địch đã phát hiện và truy càn rất quyết liệt, đồng chí và đồng đội phải hứng chịu từng đợt “mưa đạn” của địch. Sau trận đánh đó đồng đội hy sinh hết, còn duy nhất đồng chí tỉnh lại khi địch đến dọn xác. Địch đã bắt giam đồng chí, chúng liên tục tra hỏi nhưng chỉ nhận được một câu trả duy nhất: “Không biết”. Không khai thác được gì, chúng để mặc vết thương của đồng chí không chữa trị, dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, chân phải cưa đến ba lần, cụt gầnđến háng. Một tháng rưỡi sau, khi vết thương còn mưng mủ, chúng chuyển đồng chí về Trại giam Hố Nai (Biên Hòa) và sau đó là Trại giam tù binh Phú Quốc”.
 
 
Trại giam Tân Hiệp (Biên Hòa) nơi từng giam giữ đồng chí Nguyễn Tài Triệu
 
Đó là những ngày tháng khốc liệt với đồng chí Nguyễn Tài Triệu khi trải qua 3 lần phải cưa chân vì bị hoại tử do kẻ địch bỏ mặc vết thương cho thối rữa. Nhưng những cơn đau hành hạ thể xác không dừng lại, vì đồng chí còn bị kẻ địch ở nhà tù Biên Hòa liên tiếp tra tấn dã man. Chúng cho đồng chí là kẻ cứng đầu và thuộc vào diện sổ đen. Nhưng cũng từ nhà tù này, đồng chí Nguyễn Tài Triệu đã được tổ chức Đảng chú ý bồi dưỡng kết nạp, trở thành hạt nhân trong đấu tranh thường trực mỗi khi có sự biến với anh em. 
Đồng chí đã cùng đồng đội đấu tranh đòi lại quyền lợi cho anh em. Đồng chí tham gia học văn hóa, để tránh bị phát hiện đồng chí dùng cách học nhập tâm, nghĩa là truyền khẩu cho nhau nghe để tự nhớ, không có giấy, bút hay bảng viết.
 
 
Đồng chí Nguyễn Tài Triệu làm việc cùng cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hòa Lò
 
Trò chuyện với chúng tôi, đôi lúc gương mặt đồng chí lại trầm tư. Dường như hình ảnh của cuộc chiến đang quay lại trong tâm trí đồng chí với nhiều cảm xúc không thể nào quên. Còn chúng tôi chỉ biết ngồi lặng im và không thể tưởng tượng được vì sao người chiến sỹ trẻ Nguyễn Tài Triệu lại kiên cường đến vậy. Dũng cảm đấu tranh, đoàn kết một lòng và nhận được nhiều tình cảm từ anh em bạn tù kiên cường cho đến ngày giải phóng.
Nhắc đến đồng chí Nguyễn Tài Triệu những người bạn tù luôn dành những tình cảm thân thương và trân trọng nhất. Đồng chí Ngô Văn Thinh ở xã Tân Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Hưng viết: “… Anh Triệu ạ! Dù có đổi đời nhiều đi nữa nhưng hình ảnh và lý trí của anh vẫn không tắt trong tôi. Hôm nay ta chia phôi, tôi khó nói nên lời anh ạ! Ngục tù khổ cực, gông cùm xích sắt đã nặng trĩu vai ta, đớn đau nhức nhối, thân mình những ngày lao tối, tôi có anh lại thấy ấm lòng vững tin hơn, căm thù quân dã man nuôi lớn mãi căm thù và chính có anh tôi mới được trưởng thành thêm một bước.
Anh đã dìu tôi trong lao tối.
Anh đã cùng tôi khổ đói chốn thâm giam
Anh đã cùng tôi vượt mọi gian nan
Giành chiến thắng trong lao tù khổ cực…”.
 
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: