Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09 tháng 02 năm 1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1925 - 1926, khi còn là học sinh, đồng chí đã tham gia các hoạt động yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Ngày 14 tháng 11 năm 1930, trong khi đồng chí Trường Chinh được tổ chức giao nhiệm vụ đến khu vực chân Cột Cờ, Hà Nội để nhận tài liệu từ một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp thì cảnh binh ập đến bắt, giải về Sở Mật thám tra tấn, hỏi cung. Không khai thác được thông tin gì, sau một thời gian, chúng chuyển đồng chí sang giam tại nhà tù Hỏa Lò.
Trong nhà tù Hỏa Lò, mặc dù thường xuyên bị nhốt trong xà lim tối, bị gông cùm, xiềng xích nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn tích cực học tập lý luận, viết bài cho tờ Lao tù Tạp chí, tham gia sinh hoạt trong chi bộ nhà tù. Đồng chí Trường Chinh cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Lê Duẩn, Lương Khánh Thiện... thường xuyên hướng dẫn anh em tù chính trị học tập văn hóa, chính trị, trau dồi lý tưởng cách mạng.
Đầu năm 1932, tại nhà tù Hoả Lò diễn ra cuộc bút chiến giữa các chiến sỹ Cộng sản với các đảng viên Quốc dân đảng về các vấn đề: đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng, giai cấp và đấu tranh giai cấp, Tổ quốc và gia đình, chủ nghĩa tam dân và chủ nghĩa cộng sản... Đồng chí Trường Chinh được Chi bộ tín nhiệm, phân công làm chủ bút tờ báo Con đường chính, Đuốc Việt Nam. Nội dung của hai tờ báo hướng tới việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, vận động tù nhân đấu tranh, đi theo con đường cách mạng đúng đắn do Đảng lãnh đạo.
Với bút danh Cây Xoan, đồng chí Trường Chinh cùng với những cây bút xuất sắc như: Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Quang Tặng, Nguyễn Văn Ngạn…đã vạch rõ những quan điểm mơ hồ, lý thuyết viển vông, chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi và hệ tư tưởng tư sản của Việt Nam Quốc dân đảng. Đồng chí còn trực tiếp tham gia tranh luận thẳng thắn với các đảng viên Quốc dân Đảng. Qua cuộc bút chiến này, uy tín của Đảng càng được nâng cao, ảnh hưởng của tù cộng sản càng được mở rộng. Nhiều Đảng viên Quốc dân Đảng từ khâm phục đi tới giác ngộ và có khuynh hướng thân cộng sản, thậm chí có người tuyên bố ly khai Quốc dân Đảng. Chính vì vậy, một số lãnh tụ Quốc dân Đảng chống cộng tức tối, đe dọa trả thù và ngầm báo cho mật thám nhiều lần tổ chức khám xét, tịch thu báo, tài liệu. Mỗi khi khám xét thấy tài liệu, chúng lại lấy cớ tra khảo những người tù cộng sản. Đồng chí Trường Chinh là một trong số những người thường xuyên bị khủng bố, đánh đập.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1932, Chi bộ Đảng quyết định tổ chức kỷ niệm và liên hoan văn nghệ. Anh em tù chính trị trong trại giam tổ chức mít tinh và trương cờ đỏ búa liềm do anh em tự tạo ra. Đồng chí Trường Chinh đứng lên diễn thuyết về lịch sử ngày Quốc tế lao động và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Giám ngục nhà tù phát hiện đã xông vào hạ cờ và buộc tù nhân phải dừng mọi hoạt động diễn thuyết. Giám ngục nhà tù đã ra lệnh bắt giam đồng chí Trường Chinh vào khu Ngục tối và ra lệnh phạt toàn thể tù chính trị 2 tháng ăn cơm với muối. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo tù nhân phát động cuộc đấu tranh tuyệt thực để phản đối quyết định của giám ngục.
Cuộc đấu tranh đến ngày thứ sáu, địch chưa có dấu hiệu gì tỏ ra nhượng bộ. Trong Ngục tối, mặc dù bị cùm chân liên tục với điều kiện giam giữ khắc nghiệt nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn tiếp tục tuyệt thực làm cho giám ngục nhà tù phải hoảng sợ. Trước tình thế đó, giám ngục phải nhượng bộ, thả đồng chí Trường Chinh và hứa sẽ thực hiện chế độ tù chính trị. Qua cuộc đấu tranh này, cuộc sống của anh em bước đầu được cải thiện một phần, uy tín tù chính trị thật sự được nâng cao, tinh thần kiên trung, gan dạ của đồng chí Trường Chinh khiến cho đội ngũ giám thị phải kính nể.
Tháng 2/1933, do số lượng tù nhân vào nhà tù Hỏa Lò càng tăng cao và với mục đích cách ly những tù nhân nguy hiểm với những tù nhân mới, đồng chí Trường Chinh cùng 210 người tù cộng sản và Quốc dân đảng ở nhà tù Hoả Lò bị thực dân Pháp đưa đi đày tại nhà tù Sơn La. Khoảng giữa năm 1933, tình hình chính trị thế giới có nhiều biến chuyển theo hướng mở rộng dân chủ. Những người tù chính trị ở Đông Dương đấu tranh quyết liệt đòi cải thiện chế độ giam giữ, đòi giảm án, đòi tự do. Cùng với sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Đông Dương và dư luận tiến bộ Pháp, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ký lệnh giảm hoặc xoá bỏ một số án tử hình, đưa một số tù chính trị ở ngục Sơn La về giam tại nhà tù Hoả Lò.
Tháng 11 năm 1933, thực dân Pháp chuyển đồng chí Trường Chinh cùng nhiều tù chính trị về nhà tù Hoả Lò. Sau một thời gian trở lại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Trường Chinh thay mặt Chi bộ nhà tù viết bản báo cáo về tình hình trong nhà tù Hỏa Lò gửi cho tổ chức Đảng bên ngoài. Đồng chí cùng với Ban chi ủy nhà tù là Nguyễn Lương Bằng, Bùi Vũ Trụ… tổ chức lại các buổi sinh hoạt Đảng; cắt cử những đồng chí có trình độ tham gia vào công tác tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, giác ngộ cách mạng cho anh em tù thường phạm. Bằng cách này, Chi bộ trong Nhà tù Hỏa Lò đã dần dần củng cố được tổ chức và sinh hoạt trước sự khủng bố ngày càng dữ dội của kẻ thù.
Qua bốn năm chống địch khủng bố trắng (1931 - 1935), nhiều tổ chức cơ sở Đảng được khôi phục và phát triển, ảnh hưởng của Đảng được mở rộng. Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân nổ ra tại nhiều địa phương. Thực dân Pháp lo sợ trước tình hình này đã quyết định chuyển một số tù chính trị tại nhà tù Hỏa Lò mà chúng xếp vào loại nguy hiểm ra nhà tù Côn Đảo. Những người ốm yếu bị chúng đày lên Sơn La trong đó có đồng chí Trường Chinh.
Năm 1936, Mặt trận dân chủ nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, ban hành một số quyền tự do dân chủ, trong đó có việc ân xá chính trị phạm ở các nước thuộc địa. Nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương cũng buộc phải thả một số tù chính trị ở nhà tù Sơn La và một số nhà tù khác. Ngày 29 tháng 9 năm 1936, đồng chí Trường Chinh được trả tự do, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Sáu năm bị giam cầm đày ải trong nhà tù thực dân, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản, không khuất phục trước kẻ thù. Với vai trò Đảng viên, đồng chí tiên phong lãnh đạo anh em tù chính trị đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do, tiếp tục cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Đào Thị Huệ - Tổng hợp và biên soạn
Nguồn:- Anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
- Đồng chí Trường Chinh, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2007.
- Những người cộng sản ưu tú trên quê hương Nam Định - Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Nam Định, Ban Tuyên giáo Tỉnh Nam Định, Nam Định, 1/2003.
- Trường Chinh - Tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.