Bài thơ không chỉ thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng mà còn tỏ rõ ý chí, bản lĩnh của người chiến sỹ cách mạng luôn xem chốn lao tù là nơi rèn luyện.
Tháng 2/1935, diễn ra cuộc tổng khám xét toàn trại giam, do Chánh mật thám Pháp chỉ huy, chúng phát hiện được nhiều chỗ cất giấu tài liệu, moi ra một rổ lớn sách báo kể cả những cuốn viết nhỏ, cuộn tròn đút vào từng mạch vữa khoét sâu. Ngay sau đó, đồng chí Đặng Việt Châu cùng đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và Bùi Vũ Trụ bị giải đến Sở Mật thám để hỏi cung, rồi biệt giam trong xà lim. Tuy bị nhốt biệt giam và tra tấn nhiều lần nhưng đồng chí không khai báo, không công nhận số tài liệu cai ngục thu được mà thể hiện sự thông minh, trong việc viết giả chữ để qua mặt bọn mật thám “Tôi viết mấy câu thơ chữ Pháp trong vở kịch Le Cid của Corneille, viết khác dạng chữ hàng ngày, chữ P quặp vào, chữ b và chữ 1 viết béo hơn chữ thường viết” (Trích sách: Trường học cuộc đời (Hồi ký), Đặng Việt Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.231). Do không phát hiện được bằng chứng cụ thể, bọn mật thám buộc phải trả các đồng chí về nhà tù Hỏa Lò.
Bị coi là phần tử nguy hiểm, cuối tháng 5/1935, đồng chí bị thực dân Pháp phát vãng đến nhà tù Sơn La. Tháng 8/1936, đồng chí được trả tự do, tiếp tục con đường hoạt động cách mạng. Đồng chí được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng trong lĩnh vực kinh tế như: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách khối Tài mậu, Trưởng ban Kế hoạch Tài chính Trung ương… Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn đó, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lại Thị Minh Thu tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899-1954), Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994.
- Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng (1896-1954), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nxb Hà Nội, 2009.
- Trường học cuộc đời (Hồi ký), Đặng Việt Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
- Đồng chí Đặng Việt Châu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Bộ Tài chính, Nxb Tài chính, Hà Nội, 2014.