Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, sinh ngày 9 tháng 7 năm 1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ nhỏ, đồng chí đã là một học sinh có tư chất thông minh, học giỏi, được bạn bè nể phục. Năm 1927, đồng chí thi đỗ vào trường Bưởi, tại đây đồng chí đã được tuyên truyền, tìm hiểu và giác ngộ cách mạng.
Năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được đồng chí Ngô Gia Tự dìu dắt, bồi dưỡng thêm về lý luận và đấu tranh cách mạng. Tháng 6 năm 1929, đồng chí được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hà Nội.
Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê, Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các chi bộ Đảng như Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời.
Tháng 2 năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt trên đường đi công tác từ Cẩm Phả đến Hòn Gai. Bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ vẫn không hề khai báo về tổ chức và những người cùng hoạt động với mình. Không khai thác được thông tin gì, thực dân Pháp đã đưa đồng chí về giam tại nhà tù Hỏa Lò, chờ ngày ra tòa xét xử.
Tại nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tận dụng tối đa thời gian, tập trung vào học tập lý luận, chính trị một cách tự giác và kiên trì. Đồng chí đã tìm mọi cách tuyên truyền, huấn luyện cho các đồng chí của mình và các bạn tù về những tài liệu như: Luận cương chính trị; cộng sản vấn đáp; cách mạng thế giới; điều lệ Đảng; cách mạng Nga.
Tài liệu học tập, tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhớ và chép lại. Giấy để viết các tài liệu học tập được cung cấp từ hai nguồn: Từ ngoài chuyển vào như giấy thuốc lá, giấy bạch hoặc dùng ngay giấy từ các quyển kinh do cố đạo Đrônây mang vào. Khi viết song, các tài liệu được đồng chí đóng thành các tập nhỏ để lưu hành nội bộ hoặc phát cho anh em tù chính trị bị phát vãng đi Sơn La, Côn Đảo làm tài liệu tuyên truyền, vận động cách mạng.
Việc giáo dục, tuyên truyền trong tù cũng được đồng chí Nguyễn Văn Cừ chú trọng. Tùy theo từng loại tù, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có biện pháp tuyên truyền riêng để anh em tù có thể hiểu rõ sự bất công, chế độ cai trị tàn bạo của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, thức tỉnh trong họ ý thức dân tộc, mục đích, tôn chỉ, đường lối, chính sách của Đảng…đồng chí cũng tranh thủ được tình cảm của nhân viên người Việt làm tại nhà tù như: thư ký, y tá, lính khố xanh để cảm hóa họ giúp đỡ tù nhân.
Ngày 13 tháng 5 năm 1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra tòa Đại hình xét xử. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bình tĩnh, hiên ngang bác bỏ những lời buộc tội của tòa án và đanh thép tố cáo chế độ thực dân tàn bạo: “…Tòa khép tôi vào tội có chân trong Đảng Cộng sản và âm mưu làm rối cuộc trị an. Không đúng, tôi phải làm cách mạng, vì bọn đế quốc quá áp bức quần chúng, tìm hết cách bóc lột, nào sưu cao, thuế nặng, nào quốc trái để vơ vét cho chúng. Tôi làm cách mạng là để phá bỏ sự vơ vét bất công đó…”. Mặc dù không có đủ bằng chứng nhưng tòa án vẫn kết tội đồng chí Nguyễn Văn Cừ mức án khổ sai chung thân và đầy đi Côn Đảo.
Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp giam ở Banh 2, nơi chuyên giam giữ những tù chính trị bị liệt vào tội nặng nhất. Tại đây, đồng chí cùng với anh em tù chính trị đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc, đòi cải thiện chế độ ăn cho tù nhân và tổ chức những cuộc bãi thực từ 5 đến 10 ngày. Trước tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của tù chính trị, bọn chúa ngục đã phải nhượng bộ và giao cho anh em tù chính trị tự quản lý việc nấu ăn.
Ngoài những giờ lao động khổ sai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ nghỉ ngơi ít phút để lấy lại sức, rồi lao vào việc học tập văn hóa, lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tham gia cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã ra sức học tập các đồng chí có trình độ cao hơn. Đồng chí học rất kiên trì, nhẫn lại và có khả năng tiếp thu nhanh. Đồng chí cũng chịu khó học tiếng Pháp để có thể đọc trực tiếp được các loại sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đặc biệt, để mở rộng việc giáo dục đường lối của Đảng và chủ nghĩa Mác - Lênin cho anh chị em tù chính trị, Chi bộ Banh 2 quyết định ra tờ báo viết tay lấy tên “Ý kiến chung”, sau này trở thành tiếng nói chung của toàn bộ tù chính trị ở Côn Đảo. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là cây bút thường xuyên, có nhiều bài viết nêu những vấn đề thiết thực để thảo luận, hướng dẫn chung, phổ biến những kinh nghiệm đấu tranh và những bài học phân tích sâu sắc, phương pháp, khẩu hiệu tranh đấu, nguyên nhân thắng lợi và thất bại. Ngoài ra, đồng chí còn chủ trì tập san “Người tù đỏ” ở Banh 1.
Khi nhận được thông tin về Đại Hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao (tháng 3 năm 1935) và Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản (ngày 7 tháng 8 năm 1935) đề ra nhiều chủ trương mới cho sự phát triển của cách mạng, anh em tù chính trị ở Banh 2 rất phấn khởi và bầu không khi học tập càng trở nên hăng say hơn. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí khác ra sức tận dụng thật nhiều thời gian, trau dồi thêm lý luận để phục vụ cách mạng sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân.
Ngày 29 tháng 9 năm 1936, chính quyền thuộc địa Pháp đã phải trả tự do cho hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Đây là kết quả phong trào đấu tranh của nhân dân ta, thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và quan trọng là ảnh hưởng trực tiếp của sự đấu tranh của hơn 1000 tù nhân ở Côn Đảo dưới sự lãnh đạo của chi bộ Banh 2, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với các đồng chí Tô Hiệu, Hoàng Quốc Việt, Tô Quang Đẩu, Đặng Việt Châu, Trần Bảo, Nguyễn Quang Hòa đã tập trung khôi phục cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và thành công trong việc xây dựng Xứ ủy Bắc Kỳ.
Tháng 8 năm 1937, hai đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt được Xứ ủy Bắc Kỳ cử vào Hóc Môn - Gia Định tham dự Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Tháng 8 năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ đã quyết định những vấn đề cực kỳ quan trọng trong chuyển hướng cách mạng mà nội dung trọng yếu là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc - giai cấp, xây dựng Đảng và phương pháp cách mạng trong tình hình mới.
Tháng 4 năm 1939, sau cuộc bầu cử “Hội đồng quản hạt Nam kỳ”, nội bộ Đảng ta có sự mâu thuẫn, rạn nứt giữa một số cá nhân có nhận thức sai lầm về chủ trương, đường lối của Đảng. Chính tại thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” với bút danh Trí Cường.
Tác phẩm “Tự Chỉ trích” là một đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Tác phẩm ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, khi Đảng ta vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai; vừa chống “tả”, vừa chống “hữu” nhằm đi đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tác phẩm thể hiện tư duy sắc sảo của một lãnh tụ già dặn về chính trị; vừa tranh luận, vừa thuyết trình một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng - những khía cạnh biện chứng giữa cái trước mắt và cái lâu dài, giữa sách lược và chiến lược, đánh tan mọi mơ hồ, lẫn lộn của một bộ phận Đảng viên lúc bấy giờ.
Tháng 01 năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đang trên đường đi công tác đã bị bọn mật thám Pháp bắt giữ, chúng giam đồng chí tại khám lớn Sài Gòn, Tại đây, chúng dùng nhiều thủ đoạn từ dụ dỗ mua chuộc đến tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì từ đồng chí.
Ngày 28 tháng 8 năm 1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị thực dân Pháp đem đi xử bắn ở Ngã ba Giồng thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một nhà hoạt đông cách mạng xuất sắc đã tổ chức và lãnh đạo quần chúng chống ách áp bức, bóc lột của đế quốc phong kiến. Được tôi luyện trong các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tự trang bị cho mình lý luận cách mạng Mác-Lênin, đồng chí đã trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và phẩm chất cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng đề các thế hệ di sau học tập và noi theo.
Nguyễn Anh Tuấn - Tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hoả Lò (1899 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994.
- Nguyễn Văn Cừ nhà l•nh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam (hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
- Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng (1896 - 1954), Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy trong nhà lao Hỏa Lò, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nxb Hà Nội, 2009.