Bài viết
01/04/2018 20:30 01/04/2018 20:30 2909
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người (Phần 3)
Phần 3: 
“Ôi sống như anh sống trọn đời,
Sáng trong như ngọc một con người.
Thanh ơi, anh mất rồi chăng đấy,
Cứ thấy như anh nở miệng cười…”
Những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu như chất chứa tình cảm của hàng triệu trái tim người Việt Nam khi nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh). Người đã từng ba lần bị địch bắt giam trong các nhà tù, nhưng luôn giữ vững khí tiết, bất khuất đấu tranh trong tù. Người con của miền Trung anh dũng đó đã vận dụng xuất sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, để góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta. Đồng chí là một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo, hết lòng thương yêu nhân dân, yêu đồng đội và lối sống giản dị, khiêm tốn, trong như pha lê giữa cuộc sống đời thường.
Sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Vịnh tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng .Với tài năng và tâm huyết của mình, đồng chí có nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đồng chí được Đảng, nhà nước cử giữ nhiều cương vị quan trọng và trở thành nhà lãnh đạo chính trị, quân sự nỗi lạc của dân tộc Việt Nam. 
 
 
Đình Tân Trào, nơi đồng chí Nguyễn Vịnh tham gia dự Hội nghị toàn quốc của Đảng
từ 13 đến 15-8-1945. Tại đây, lần đầu tiên đồng chí vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh
và được người đặt tên là Nguyễn Chí Thanh
 
Giữa tháng 1 đến cuối tháng 3-1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sát cánh với nhân dân Bình-Trị-Thiên,vượt mọi nguy hiểm chỉ đạo cuộc kháng chiến trên quê hương: bám đất, luồn sâu vào sau lưng định, đánh vào chỗ sơ hở, chỗ yếu của địch. Đồng chí được coi là “linh hồn của cuộc kháng chiến ở Bình-Trị-Thiên”.
 
 
Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất,
tháng 2 năm 1950. Tại đây, đồng chí được bầu là Chủ tịch Liên đoàn thanh niên Việt Nam
(tiền thân của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam ngày nay)
 
Tháng 7-1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Nắm rõ tầm quan trọng trên cương vị mình đảm nhiệm, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân lần thứ nhất: “Lãnh đạo chính trị là vấn đề căn bản trong cuộc đấu tranh cách mạng giữa ta và địch, làm gốc cho mọi vấn đề khác, cho tất cả các mặt khác, các nghành khác của mọi hoạt động quân sự ”.
 
 
 Sắc lệnh số 122/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh
giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 11/7/1950
 
Cuối năm 1960, đồng chí được Đảng phân công phụ trách mặt trận nông nghiệp. Trên mặt trận mới, đồng chí đã không quản ngại mưa nắng, xuống đồng cùng bà con nông dân, tìm hiểu thực tế, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suốt, cây trồng. Đồng chí vẫn được gọi với cái tên trìu mến “Vị đại tướng của nông dân”.
 
 
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ( đầu tiên, bên phải ) cấy lúa với bà con xã viên
HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh, tháng 01/1962
 
Đồng chí từng nói : “Cán bộ chúng ta phải rèn luyện tác phong đi sâu, đi sát: đi sâu vào công tác quản lý, đi sát đồng ruộng, sát xã viên và cố gắng học tập để nắm vững khoa học kỹ thuật. Cán bộ quản trị phải biết rõ tình hình xảy ra trên đồng ruộng …” 
 Cuối năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào một giai đoạn mới. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều động trở lại tham gia lãnh đạo quân đội. Đồng chí cùng với những vị tướng lĩnh tài ba khác trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường miền Nam .
Đồng chí đã chỉ đạo mở các Chiến dịch Bình Giã (1964-1965) , Ba Gia (1965), Đồng Xoài (1965) và hàng loạt trận tiến công khác góp phần làm phá sản chiến lược “ Chiến tranh đặc biệt của “ Mỹ-Ngụy”.
 
 
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tăng gia sản xuất tại Trung ương Cục miền Nam
 
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nhận định “Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược, Mỹ có cả một kho vũ khí khổng lồ nhưng lại vấp phải một núi mâu thuẫn…ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách của ta, nên ta nhất định thắng”.
Liên tiếp sau đó, với tài chỉ huy của mình, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức quân và dân miền Nam phát huy tư tưởng chiến lược tiến công trong tình hình, nhiệm vụ mới, đánh thắng Mỹ ngay từ những trận đầu. Đúng như lời PGS.Song Thành - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh từng nói: “Sau Bác Hồ vĩ đại , một trong những người cộng sản lãnh đạo có đức, có tài, lôi cuốn mạnh mẽ với quần chúng, đó là đồng chí Nguyễn Chí Thanh …”
                                         Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: