Bài viết
09/08/2018 16:56 09/08/2018 16:56 2558
SÁNG MÃI ÁNH THÉP NƠI NGỤC LỬA (Phần I)
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trào lưu dân chủ tư sản tiếp tục ảnh hưởng vào Việt Nam, đặc biệt là chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, tác động đến một bộ phận tư sản dân tộc và tiểu tư sản Việt Nam. Năm 1925 - 1926, phong trào đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang nhà ái quốc Phan Chu Trinh diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, bộ phận trí thức, học sinh, sinh viên rất hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước, Phó Đức Chính là một trong những người đi đầu và hăng hái nhất.
 
Cuối năm 1926, cơ sở hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Quốc dân đảng là nhóm Nam Đồng thư xã do hai anh em nhà giáo Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm thành lập. Thư xã đã xuất bản nhiều sách báo ca ngợi những tấm gương quên mình vì nước như: Gương phục quốc, Gương thành bại, Gương thiếu niên, Trưng Nữ vương… Qua đó, Nam Đồng thư xã cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước, chống thực dân Pháp trong nhân dân. Vì vậy, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học cùng với nhiều trí thức, thanh niên cùng chung chí hướng đã nhanh chóng tụ họp ở nơi đây.
 
 
Ông Phó Đức Chính, Trưởng ban Tổ chức của Việt Nam Quốc dân Đảng
 
Ngày 25/12/1927, tại Nam Đồng thư xã (số 6, đường 96 nay là số 129 phố Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội), Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài và một số trí thức yêu nước khác thành lập Việt Nam Quốc dân đảng. Đây là tổ chức đại diện cho tư sản dân tộc theo khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản. Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch Đảng, Nguyễn Thế Nghiệp làm Phó Chủ tịch Đảng, Phó Đức Chính là Trưởng ban Tổ chức (giữ việc tổ chức các cơ quan, các cuộc hội họp lớn), ngoài ra có những ủy viên giữ trọng trách khác.
 
 
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Việt Nam Quốc dân Đảng
 
Khi mới thành lập, đảng chưa có chính cương rõ ràng mà chỉ nêu chung chung là“Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm cách mạng thế giới”. Năm 1928, đảng nêu lên tôn chỉ “chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Mục đích của Đảng là đoàn kết lực lượng để đẩy mạnh cách mạng dân tộc, xây dựng nền dân chủ trực tiếp, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức. Trong Điều lệ sửa đổi (công bố tháng 02/1929), Đảng nêu ba nguyên tắc tư tưởng là “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Cuộc cách mạng sẽ diễn ra qua bốn thời kỳ: thời kỳ bí mật (tập hợp lực lượng); thời kỳ dự bị (chuẩn bị các điều kiện vật chất như lương thực, vũ khí đạn dược cho cuộc khởi nghĩa vũ trang); thời kỳ công khai (đánh đuổi giặc Pháp, lật đổ ngôi vua); thời kỳ kiến thiết (thành lập chính phủ cộng hòa, thực hiện các quyền tự do dân chủ). Nhưng đến khi khởi nghĩa vũ trang, những nguyên tắc và chính sách có tính cách mạng lại bị loại bỏ.
Về mặt tổ chức, Việt Nam Quốc dân đảng có bốn cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Tỉnh bộ, Chi bộ. Mỗi chi bộ không quá 19 người. Thành phần của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng bao gồm: trí thức, học sinh, giáo viên, công chức, những người làm nghề tự do, một số thân hào ở nông thôn, một số binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Tổ chức cơ sở trong quần chúng rất ít, địa bàn hoạt động chủ yếu ở một số tỉnh ở Bắc kỳ.
Ngày 9/2/1929, Việt Nam Quốc dân đảng cử Nguyễn Văn Viên ám sát trùm mộ phu Bazin ở Hà Nội. Thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lực lượng của Đảng bị tổn thất nặng nề, nhiều chiến sỹ bị bắt, giam. Hội đồng Đề hình được thành lập và đặt văn phòng thẩm vấn ngay tại Nhà pha Hỏa Lò. Nhiều người đã bị kết án từ 2 đến 5 năm tù, 5 năm đến 20 năm cấm cố, trong đó có hai án xử vắng mặt là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu.
Trước tình thế đó, Phó Đức Chính và những người lãnh đạo Đảng quyết định thực hiện cuộc bạo động cuối cùng với ý tưởng“Không thành công cũng thành nhân”. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái nổ ra ngày 9/2/1930, trung tâm là thị xã Yên Bái, ở một số nơi có những hoạt động phối hợp như Phú Thọ, Sơn Tây, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội… Phó Đức Chính được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồn Thông, một đại bản doanh quân sự của Pháp ở Sơn Tây để phối hợp với các lực lượng từ Yên Bái, Hưng Hóa và Lâm Thao kéo về. Để chuẩn bị khởi nghĩa, “Tối hôm ấy, trong một khu Rừng Sơn cạnh tỉnh lỵ Yên Bái, đứng trước cảnh vật lặng lẽ và trang nghiêm như lắng nghe một mệnh lệnh sắp ban hành. Phó Đức Chính vận binh phục chỉ huy đạo quân cách mạng ra lệnh cho các đồng chí nội đêm ấy phải giết sạch quân thù, chiếm kỳ được Yên Bái để kéo về hợp lực với đạo quân Hưng Hóa tiến đánh Sơn Tây”.
Do chênh lệch về lực lượng, tổ chức còn lỏng lẻo, chưa có sự chuẩn bị kỹ   nên cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị quân Pháp phản công và dập tắt. Kế hoạch đánh đồn Thông của Phó Đức Chính không thực hiện được. Ngày 15/2/1930, ông bị kẻ địch bắt tại làng Lam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng cùng nhiều chiến sỹ khác cũng lần lượt bị sa vào tay giặc.
Sau khi bị bắt, các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng bị giam trong ngục thất Yên Bái, chờ ngày hỏi cung, xét xử. Là nhà tù hàng tỉnh nên số lượng xà lim ít. Những người chúng xét thấy là lãnh đạo quan trọng của Đảng sẽ bị giam trong xà lim, những chiến sỹ còn lại bị nhốt chung trong một trại. Ngoại trừ lúc đưa cơm, quét dọn và gọi tù nhân đi thẩm vấn, cửa trại sẽ bị đóng. Hằng ngày, họ phải ăn cơm gạo hẩm lẫn sạn cùng với cá khô, rau muống hoặc rau cần già. Mặc dù phải đối mặt với những bản án tử hình hay khổ sai chung thân nhưng các các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn giữ vững tinh thần kiên định, hát vang những bài ca chiến thắng.
Trực tiếp hỏi cung, tra tấn các chiến sỹ của Đảng là các nhân viên phòng Chính trị, Sở Mật thám Pháp. Phòng thẩm vấn được đặt ngay trong ngục thất Yên Bái, có lính lê dương canh gác nghiêm ngặt. Chúng đã áp dụng nhiều hình thức từ dụ dỗ đến trói chặt chân tay treo lên xà nhà rồi đánh đập, quay điện kể cả phụ nữ. Nhiều người bị ép buộc phải nhận tội để chúng tăng thêm án tử hình. Sau khi thẩm vấn xong, hồ sơ được chuyển sang Hội đồng Đề hình xem xét, nếu thấy nghi ngờ lại chuyển trở lại cho mật thám tiếp tục hỏi cung, tra tấn.
Ngày 27 và 28/3/1930, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học cùng nhiều chiến sỹ Việt Nam Quốc dân đảng bị đưa ra xét xử tại Hội đồng Đề hình Yên Bái (Commission Criminelle d’YenBai). Với sự điềm tĩnh hiếm thấy, Phó Đức Chính trả lời lưu loát các câu hỏi của chủ tọa và tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công ở Yên Bái
Cuối cùng, Hội đồng đề hình Yên Bái tuyên án tử hình đối với 39 người trong đó có Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học, Bùi Tử Toàn...; 33 người bị kết án tù chung thân lao động khổ sai; 9 bị can bị tuyên phạt 20 năm lao động khổ sai; 5 trường hợp bị trục xuất; 01 trường hợp kết án 5 năm lao động khổ sai. Tất cả bị can ngoại trừ Phó Đức Chính, đều tuyên bố khiếu nại lên Hội đồng bảo hộ.
Sau khi bị kết án, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ Việt Nam Quốc dân đảng bị đưa về tạm giam tại Nhà pha Hỏa Lò. Một thời gian sau, các chiến sỹ của Đảng bị bắt ở nhiều nơi như: Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ... cũng bị áp giải về đây. Tại sao họ lại bị đưa về Hỏa Lò? Bởi lẽ đây chính là “ngục thất Trung ương, của cả hai xứ bảo hộ: Trung và Bắc, nên quy mô rất vĩ đại, tổ chức rất quy củ và ngăn nắp”. Ngục thất Trung ương thu nhận tất cả bị cáo chống án từ các nhà tù hàng tỉnh giải về, thu nhận những người bị tòa án bản xứ kết án được gửi tới Hà Nội, trong khi chờ đợi chuyển đến nơi phát vãng hay đến nơi chịu hình phạt. Với hệ thống trại giam, xà lim kiên cố, sự canh phòng nghiêm ngặt, tù nhân khó có thể trốn thoát. (Còn tiếp)
 
Dương Thanh Hùng -  Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm

Chia sẻ: