Bài viết
15/08/2018 17:14 15/08/2018 17:14 3289
Người tù mang quân hàm thiếu tướng
Truyền thống yêu nước, yêu lao động là cả một di sản tinh thần vô giá được người dân Hà Nội giữ gìn và phát huy qua các thế hệ. Trong những năm đầu của thế kỷ XX, đất nước ta còn chìm đắm trong nô lệ dưới gót giầy của thực dân Pháp.  Một lần nữa khí phách kiên cường, bất khuất ấy được thổi bùng lên, giúp người dân nơi đây hăng hái tham gia phong trào cách mạng, trong đó có ông Nguyễn Đức Minh.
Sinh ra và lớn lên tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Nguyễn Đức Minh tham gia và các hoạt động cách mạng từ rất sớm. Tháng 3-1946, khi đang học Trường Chu Văn An, ông đã đứng trong đội ngũ của Đoàn Thiếu niên tiền phong thành Hoàng Diệu và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng từ tháng 11/1949. 
Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Đức Minh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mưu trí, dũng cảm, lăn lộn chiến đấu ở nhiều mặt trận ác liệt.
 
 
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh
(Cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò)
 
Cuối năm 1947, đầu năm 1948, ông Nguyễn Đức Minh đang hoạt động ở nội thành thì được chỉ thị của tổ chức giao nhiệm vụ theo dõi tên Đặng Hữu Chí - Chủ tịch Hội đồng an dân Thành phố Hà Nội để phục vụ kháng chiến. Suốt ba tháng trời, sau khi đã nắm được hình dáng, nơi ăn ở của tên Chí, quy luật đi lại hoạt động, biển số xe ô tô, số vệ sỹ và phương tiện, vũ khí của tên này, ông Nguyễn Đức Minh sẵn sàng đợi thời cơ triển khai kế hoạch diệt ác.
Đêm ngày 18/5/1948, để kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Minh cùng các bạn học đã bí mật treo cờ ở nóc chợ Đồng Xuân. Đến hôm sau, cảnh binh đi tuần phát hiện thấy, thu lại lúc 4 giờ sáng. Không nản lòng, tổ của ông gồm nhiều đồng chí đều là học sinh trường Chu Văn An bàn nhau bơi ra tháp Rùa, hồ Hoàn Kiếm để đặt lá cờ tổ quốc.
Sáng 19/5/1948, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới ở Tháp Rùa. Kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành, đây có thể là lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng tung bay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Tiểu thương, học sinh, công nhân, công chức đi qua hồ Hoàn Kiếm, ai cũng nhìn thấy, nhiều người đi chầm chậm để được ngắm lá quốc kỳ. Người Hà Nội ngày hôm đó, bàn tán xôn xao và khâm phục hoạt động của cán bộ kháng chiến ngay trong lòng thành phố.
Kẻ địch tức tối, truy lùng những người tổ chức và thực hiện treo cờ ở hồ Hoàn Kiếm. Chúng kiểm soát gắt gao ở nội thành, tăng cường phục kích, càn quét ở ngoại thành nhằm bắt bằng đươc những người tham gia. Trong một buổi càn quét ở khu vực Hoàng Mai, chúng bắt được một số cán bộ ta, thu được một số tài liệu, trong đó có báo cáo về hoạt động treo cờ đỏ sao vàng của cơ sở ở nội thành.  Ông Nguyễn Đức Minh là người cuối cùng trong tổ chức bị địch bắt cuối tháng 5/1948 và bị đưa về Sở Mật thám Bắc Việt (nay là trụ sở Công an Hà Nội) giam giữ, tra tấn hỏi cung.
Không khai thác được thông tin gì từ ông Nguyễn Đức Minh, đầu tháng 6/1948, địch giải ông cùng một số đồng chí khác cùng tham gia về giam giữ tại Nhà tù Hoả Lò. Sinh hoạt ở Nhà tù Hỏa Lò vô cùng thiếu thốn, bọn giám thị luôn cho tù nhân ăn đói, hy vọng tù nhân vừa giảm sức chống đối, vừa suốt ngày chỉ nghĩ đến ăn, không nghĩ đến các chuyện khác. Hai ba ngày, tù nhân được tắm một lần bằng nước rửa rau muống theo tiêu chuẩn quy định" 4 ca kỳ, 2 ca dội" (mỗi người chỉ được nước tắm bằng sáu cà mèn nước, dội 4 ca nước cho thấm cả người, kỳ cọ xong, chỉ được hai ca nước dội cho sạch người. 
Cuối tháng 8/1948, địch tập trung tù nhân đưa đi làm các công việc lao dịch. Từ Nhà tù Hoả Lò, chúng đưa các tù nhân qua Hải Phòng đến nhà giam của trại lính của thị trấn Tiên Yên (nay là trụ sở huyện đội Tiên Yên - tỉnh Quảng Ninh). Hàng ngày, ông Nguyễn Đức Minh cùng những anh em khác phải đi đập đá để làm đường số 4, từ Tiên Yên đi Đình Lập, Lạng Sơn. 
Tháng 10-1948,  khi đang làm lao dịch trong doanh trại quân Pháp ở Khe Tù, lợi dụng sơ hở của địch, ông Nguyễn Đức Minh và đồng đội là ông Nguyễn Sỹ Vân đã trốn thoát nhưng không thành công. Đây là lần đầu tiên ở Khe Tù có tù nhân vượt ngục nên kẻ địch trói hai người vào chiếc cột ở giữa cổng trại và đánh đập hết sức dã man để uy hiếp tinh thần của những tù nhân khác.
Tháng 12/1948, khi đang khuân vác đá tại công trường, ông Nguyễn Đức Minh cùng đồng đội lại tìm cách trốn thoát. Để truy tìm tung tích tù nhân vượt ngục, kẻ địch thông báo cho tất cả hệ thống đồn binh và bọn tề, vệ từ Tiên Yên đến Đình Lập. Do có kinh nghiệm từ lần vượt ngục trước, nên ban ngày họ lẩn trốn vào rừng và khởi hành vào ban đêm. Vượt qua biết bao gian nan, vất vả trong chuyến đi, đầu năm 1949, ông Nguyễn Đức Minh đã tìm được đơn vị cũ lúc đó đang đóng quân ở Đồng Quan, huyện ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. 
Sau khi vượt ngục trở về với tổ chức, ông Nguyễn Đức Minh tiếp tục công tác, tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Ngày 10/10/1954, trong đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, với vai trò là cán bộ công an Hà Nội, ông Nguyễn Đức Minh đã tham gia tiếp quản nhà lao Hoả Lò và trụ sở của Nha Cảnh sát Công an Bắc Việt (số 87 phố Trần Hưng Đạo) nơi mà ông và các đồng đội đã từng bị tra tấn và giam giữ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
 
 
 
Ông Nguyễn Đức Minh (thứ hai hàng đầu từ phải sang ) chụp ảnh lưu niệm với 
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (người mặc áo trắng đứng giữa) tại Hà Nội trước khi đi B (đi vào chiến trường miền nam, năm 1965)
 
Với những chiến công và đóng góp của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ông Nguyễn Đức Minh được phong quân hàm Thiếu tướng ngày 25/4/2007 và vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 3/ 2016.
Sau những ngày tháng sống và chiến đấu gian khổ của mình cùng đồng đội, ông chia sẻ: “Gần cả đời tham gia kháng chiến, gian khổ, đau thương, vui sướng, hạnh phúc đều đã từng nếm trải nhưng không bao giờ ông quên được những bạn tù Hỏa Lò, những đồng đội của mình đã hy sinh vì độc lập của dân tộc…”
 
Ngô Thị Hồng Nhung
Phòng Giáo dục – Truyền thông

Chia sẻ: