Bài viết
08/10/2018 15:51 08/10/2018 15:51 5102
Trường học chốn lao tù - Nơi tôi luyện ý chí người cộng sản quê hương Thanh Trì
Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội” - Nhà lao Hỏa Lò, nơi cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng các đồng đội của mình trải qua những tháng ngày tù ngục gian khổ. Nhưng cũng chính từ những gian khổ ấy đã tôi luyện nên bản lĩnh cách mạng kiên cường của người chiến sỹ cộng sản Đỗ Mười.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, không được học nhiều nhưng đồng chí Đỗ Mười đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 19 tuổi, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Bình dân và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Chi bộ Đảng Đông Phù (Chi bộ cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội) vào năm 1939.
Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam tại Sở Mật thám Hà Nội. Tại đây, đồng chí bị bọn mật thám tra tấn dã man bằng hình thức đánh bộ và tra điện. Không khuất phục được người chiến sỹ cách mạng kiên cường, chúng kết án 10 năm tù khổ sai và giam tại Trại giam Hà Đông. Đầu năm 1943, địch lại chuyển đồng chí về giam ở Nhà tù Hỏa Lò.
Trong nhà tù Hỏa Lò, mặc dù phải sống trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt nhưng với ý chí của người cộng sản, đồng chí Đỗ Mười đã tích cực cùng anh em tù chính trị tự tổ chức cuộc sống, đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc và tìm thời cơ vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí được anh em tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Sinh hoạt nhà tù. Đây là một tổ chức công khai do đại hội đại biểu tù nhân bầu ra, bao gồm các đồng chí cốt cán của tù chính trị, có nhiệm vụ lãnh đạo, điều khiển các tiểu ban nhằm ổn định cuộc sống của tù nhân như: Tiểu ban trật tự, vệ sinh (chăm lo trật tự chung của trại và giải quyết những bất hòa, xích mích); Tiểu ban giáo dục (chăm lo việc học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn cho tù nhân); Tiểu ban kinh tế - tài chính (quyên góp tiền và quà của người nhà tù nhân gửi vào); Tiểu ban văn nghệ (biểu diễn văn nghệ, ngâm thơ…); Tiểu ban ngoại giao (làm nhiệm vụ quan hệ với giám ngục, lính gác, viên chức trong nhà tù để kiến nghị, thuyết phục và đấu tranh để họ chấp nhận những yêu cầu của tập thể tù nhân) …
 
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò năm 1994
 
Mặc dù bị giam cầm trong bốn bức tường của địa ngục Hoả Lò nhưng đồng chí Đỗ Mười đã cùng anh em tù chính trị tìm mọi cách để nắm bắt và theo dõi tình hình cách mạng bên ngoài: Tin quân đội Liên Xô đã giành thắng lợi quyết định trên chiến trường Đông Âu; tin phát xít Đức sắp đến ngày tận số; tin phát xít Nhật đang lung lay tận gốc…càng làm đồng chí và cho anh em tù chính trị phấn khởi và tin vào cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ngày 12 tháng 3 năm 1945, nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Đỗ Mười đã cùng hơn 100 tù chính trị chui theo đường cống ngầm trước sân trại J, thoát ngục, tiếp tục trở về hoạt động cách mạng và cống hiến xứng đáng cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội.
Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã từng viết về tinh thần của người cộng sản và ý chí ham học của đồng chí Đỗ Mười như sau: “Trước hết, phải nói đồng chí Đỗ Mười là người mà cả cuộc đời đã "tận trung với nước, tận hiếu với dân", toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng. Trong lao tù đế quốc Pháp trước cách mạng năm 1945, đồng chí đã kiên trung bất khuất, vượt nhà tù Hoả Lò để về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tuy là người không học cao theo hệ chính quy, nhưng đồng chí rất ham học tập qua thực tiễn, qua đọc sách, nghiên cứu. Tôi được biết hiếm có đồng chí lãnh đạo nào chịu khó nghiên cứu để tự nâng trình độ hiểu biết về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội như đồng chí. Chính vì vậy, đồng chí hiểu biết toàn diện, sâu sắc nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước. Mỗi khi đến thăm đồng chí, kể cả khi đồng chí đã nghỉ công tác, lúc nào tôi cũng thấy đồng chí đọc những tư liệu, những sách mới xuất bản (dày 400-500 trang) quan trọng. Đồng chí thường hỏi những vấn đề thời sự mọi người quan tâm và chỉ cho tôi những trang, dòng quan trọng đồng chí mới đọc. Tôi tự nghĩ đồng chí Đỗ Mười là người nêu tấm gương mẫu mực nhất về tinh thần học, học nữa, học mãi, học để có kiến thức làm việc và làm việc có hiệu quả….”
 
Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội
thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò năm 1994
 
Chính những năm tháng sống và chiến đấu tại trường học cách mạng - Nhà lao Hỏa Lò đã giúp cho đồng chí Đỗ Mười, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một nhân cách thực sự cộng sản, một con người thật giản dị, trung thực, thẳng thắn, kiên định, mẫu mực. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười mãi mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau noi theo.
 
Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục Truyền thông

Chia sẻ: