Bài viết
13/09/2018 14:43 13/09/2018 14:43 4441
Chuyện ăn chuyện mặc trong Nhà pha Hỏa Lò (phần 3)
Chế độ ăn tại địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội đã làm hao tổn sức khỏe của tù nhân cộng thêm sự thiếu thốn nước uống và nước sinh hoạt khiến sức khỏe của họ càng suy kiệt. 
Nước uống dành cho tù nhân được lấy trực tiếp từ vòi sắt vào các thùng phi lớn đặt ở đầu hành lang các khu trại giam. Thi thoảng, để giảm mùi tanh nhà bếp cho thêm lá vối già vào thùng nước uống cho anh em. Mùa hè, nước dùng để uống vô cùng thiếu thốn nên một số tù nhân đã nảy ra sáng kiến mặc thêm bên trong bộ quần áo tù nhân một chiếc áo bông mỏng để thấm mồ hôi, vắt ra làm nước uống. Đôi khi, những tù nhân án nhẹ làm công việc dọn vệ sinh trong các phòng giam thương anh em tù chính trị đã bớt lại một ít nước trong thùng vệ sinh mang về phòng cho anh em.
Việc ăn, uống đã vậy, việc mặc trong Nhà tù Hỏa Lò cũng gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của tù nhân. 
 
 
Hai chị, em bà Nguyễn Thị Hồng (bên phải) và Nguyễn Thị Cốm, 
cựu tù chính trị  Nhà tù Hỏa Lò
 
Bước qua cánh cổng chính của Hỏa Lò tù nhân đều phải cởi bỏ quần áo để khám xét bởi chúng lo tù nhân sẽ giấu tài liệu, vũ khí trong người. Bà Nguyễn Thị Hồng - cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã viết những vần thơ miêu tả cuộc khám xét trước khi đưa vào phòng giam: 
… Ai đem tôi đến chốn này
Bên kia tòa án, bên này đề lao
Thoạt vào đeo số, chụp hình
Giang tay, xõa tóc phát kinh cả người
Chụp đứng rồi lại chụp ngồi
Đo chân, đo mắt, đo mười ngón tay… 
 
 
Quần, áo tù chính trị được cấp trong Nhà tù Hỏa Lò
 
Sau đó, mỗi tù chính trị được cấp 2 bộ quần, áo bằng vải thô trắng: bộ cộc dùng cho mùa hè, bộ dài dùng cho mùa đông trên có in chữ MC màu đen (viết tắt của chữ Maison Centrale). Quần áo sử dụng vải kém chất lượng, lại thường ngắn và chật so với khổ người nên chỉ qua vài lần mặc đã bục chỉ. Hàng năm lại đổi cho mỗi người hai bộ nhưng quần áo đều cũ mục, có cái đã rách vá. Đồng chí Chu Hà (Lã Xuân Choát) đã có những vần thơ tả thực trong bài “Thượng khách M.C”:
Đời lắm sự lạ lùng trái ngược
Pháp thực dân định bôi nhuốc mấy ông tù.
Nhưng ta vãn ung dung thượng khách Hỏa Lò
Giữa tường đá, xà lim, rào khóa kín
Áo quần trắng lại in luôn hắc ín
Dấu M.C như hoa gấm thêu đen
Người mặc vào kiêu hãnh, tự hào thêm
Đúng “Chiến sỹ hiên ngang cộng sản”.
 
 
Đồng chí Chu Hà (Lã Xuân Choát) (ảnh do mật thám Pháp chụp)
 
Bằng sự khéo léo, chị em đã sửa lại quần, áo để giữ được lâu và lành lặn. Quần được nối dài thêm, áo mở khuy, khâu lại đường may và thêm túi. Vào mùa đông, thời tiết lạnh buốt, ban ngày có quần áo mặc được, chị em mặc hết vào người nhưng cũng không đủ ấm. Ban đêm chị em nằm xít và ôm chặt lấy nhau, lồng chăn chiếu đắp hết lên người. 
Có thời gian chị em còn thuyết phục được đầm gác cho mang áo rét vào hoặc tự tạo ra những đồ chống rét như: đi nhà thuốc xin bông về, mỗi lần một ít, khâu lại thành tấm nệm ủ trước ngực, hoặc khi giám ngục đưa quần áo tù cho chị em khâu cúc, chị em đã dùng những con dao tự tạo cắt những rẻo thừa quá rộng ở đường may phía trong (những rẻo thừa đó thường rộng 1cm dài khoảng 10cm) để sau đó gỡ ra lấy những sợi vải dài nối lại rồi chập năm đến bẩy sợi lại với nhau và đan thành áo ghi lê, tất chân, khăn đội đầu, khăn rửa mặt……
Nhưng đối với anh em thì vô cùng khó khăn, quần áo cũ mục nát không mấy lúc mà rách vì thế phần đông tù nam phải ở trần. Mùa hè đã khổ, mùa đông đến luôn phải nghĩ cách để chống chọi với cái lạnh thấu da, cắt thịt trong nhà tù, sao cho không bị cảm lạnh, không bị sưng phổi. Ông Đào An Thái, tù chính trị Hỏa Lò những năm 1942 - 1944 kể về cuộc đấu tranh đòi cải thiện việc mặc của anh em.
 
 
Phù điêu mô tả cảnh đấu tranh của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
 
 Năm 1942, lấy lý do kinh tế khó khăn mỗi tù nhân chỉ được phát 1 bộ quần áo thay vì 2 bộ như thường lệ. Ban sinh hoạt Nhà tù Hỏa Lò đã tiến hành họp và đưa ra quyết định: vẫn nhận quần áo nhưng không mặc. Mọi sinh hoạt trong các phòng giam đều diễn ra bình thường, anh em tù nhân vẫn khiêng nước rửa trại, làm vệ sinh, bê cơm, tắm rửa nhưng không ai mặc quần áo.
Thấy sự việc bất thường, lính canh hỏi đều nhận được câu trả lời: “Chỉ có một bộ, cởi ra giặt thì không có quần áo mặc”. Cuộc đấu tranh kéo dài tới ngày thứ ba thì Thống sứ Bắc Kỳ đã xuống Nhà tù Hỏa Lò để làm việc với đại diện tù nhân. Ông Bùi Lâm là một người tù có tính cách ôn hòa, nói được tiếng Pháp, được anh em cử làm đại diện trao đổi với Thống sứ Bắc Kỳ. Với phong thái đĩnh đạc, giọng nói to rõ ràng đồng chí đã nói lên nguyện vọng của anh em với Thống sứ Bắc Kỳ. Ngày hôm sau, tại Nhà tù Hỏa Lò mỗi tù nhân được phát thêm một chiếc quần, vậy là mỗi người được 2 quần, 1 áo.
Sức mạnh đoàn kết, sự linh hoạt trong tổ chức đấu tranh và ý chí kiên trung, bất khuất của tập thể tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò đã giành được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng, tổ chức cuộc sống trong tù đầy lạc quan, giữ vững niềm tin tất thắng của cách mạng. 
 
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông 
Ảnh tư liệu: Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò

Chia sẻ: