Bài viết
04/02/2017 17:24 04/02/2017 17:24 3466
Tết trong ngục Hỏa Lò
Khác với các nhà tù khác, nhà tù Hỏa Lò nằm ngay tại trung tâm Hà Nội - thủ phủ của chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương. Bốn phía nhà tù đều giáp những đường phố sầm uất cho nên các tù nhân đều có thể nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về, trong lòng mỗi người tù đều trào dâng nỗi nhớ nhà da diết.
 
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ bí mật của nhà tù, nhân dịp năm mới, ban lãnh đạo của các trại giam thường xuyên tổ chức cho anh em tù nhân đón Tết. Không khí đón xuân diễn ra thật đầm ấm, vui tươi. Những tù nhân có gia đình hoặc cơ sở tiếp tế bánh kẹo đều bày ra để góp vui. Phút giao thừa, mọi người ngồi quây quần bên nhau trò chuyện, ca hát, ngâm thơ. Những câu thơ Tết chân thực, giản dị, ngân nga trong mỗi tâm hồn người tù giúp họ để vợi đi nỗi nhớ gia đình và càng thêm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.
 
                                                                          Tết nhà pha
Năm mới sang rồi, năm cũ qua
Đời tù mới, cũ khéo phôi pha
“Nghinh tân” lễ mễ khiêng “Tinet”
“Bái tuế” lom khom đặt “lập là”
Mặt trái đời kia toàn mặt quỷ
Trò chơi xuân đó, thiếu trò ma.
Mùi đời nếm trải, ai sành sỏi?
Có biết mùi này, mặn nhạt a?
                                                                                  Trần Cung, Hỏa Lò - tết 1933
 
 
Đồng chí Trần Cung (ảnh do mật thám Pháp chụp)
 
Tết Nguyên đán năm 1933, Ban văn nghệ tổ chức cuộc thi thơ, thu hút được đông đảo tù nhân tham gia. Bài thơ “Tết nhà pha” của đồng chí Trần Cung (Nguyễn Ngọc Cư) đạt giải nhất. Giọng thơ mang đậm tính chất trào phúng, tạo nên cái cười hài hước, dí dỏm. Người tù đón xuân mới trong cảnh lao dịch dọn vệ sinh trong trại giam, lễ mễ đi khiêng những “Tinet” (Tinette: thùng phân), vừa bái tuế vừa lom khom đặt những “lập là” (Plat: máng đựng cơm).
 
                                                                       Sau phép “tết”
Ngao ngán khi bưng “phép tết” vào.
Người về quê cũ, kẻ nhà lao
- Xổ lồng, tháo cũi bao giờ nhỉ
Cái thú đoàn viên biết lúc nào.
                                                                               Trần Cung, Hỏa Lò - tết 1933
 
Dịp Tết nguyên đán, người tù được phép nhận quà do người thân gửi vào qua đường tiếp tế. Tâm trạng của người tù đan xen giữa niềm vui, nỗi buồn. Có những tù nhân đã mãn hạn được ra tù, người ở lại càng mong mỏi đến thời khắc giải phóng dân tộc, được tự do, trở về đoàn tụ với gia đình. Bài thơ trên của đồng chí Trần Cung cũng đạt giải nhất trong cuộc thi thơ thứ hai nhân dịp Tết nguyên đán năm 1933.
 
*
 
Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Năm 1940 - 1944, tại nhà tù Hỏa Lò, giám ngục thẳng tay đàn áp, cắt hết mọi quyền lợi của tù chính trị: cấm đọc sách báo, không cho người nhà đến thăm, thực hiện phạt cùm… Những hành động trên làm cho tù nhân vô cùng căm phẫn. Tết năm 1944 là cái tết buồn đối với tù nhân nhà tù Hỏa Lò. Do chế độ giam cầm hà khắc, thức ăn kém chất lượng, mất vệ sinh làm cho hàng trăm tù nhân đã chết do dịch bệnh, chết do bị đánh đập dã man... Nhiều cuộc đấu tranh chống chế độ nhà tù khắc nghiệt đã nổ ra. Bên ngoài, phong trào cách mạng đang sục sôi làm cho người tù như muốn “phá tung nhà ngục” để hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
 
                                                                       Cùm cả xuân vô
Năm lại năm, ngày lại ngày.
Vẫn trâu quai guốc, lợn da giầy (1)
- Đổ phăng tết xuống thùng xia đó!
Cùm cả xuân vô góc trại  này!
- Nào chị! Đập đèn thằng Mã (2) quách!
- Nào anh! Phá két chủ thầu đây! (3)
Phá thùng làm kiếm, cùm làm gậy! (4)
Chăn đỏ làm cờ, phá ngục ngay! (5)
                                                     Trần Cung, Hỏa Lò - tết 1944
 
(1) Tết năm 1944, giám ngục vẫn cho tù nhân ăn thịt trâu già hoặc thịt lợn sề dai như da đóng giầy. Ngoài ra, chúng còn phạt lệ “phép tết” nghĩa là không cho người nhà gửi quà vào cho tù nhân.
(2) Tù nhân gọi giám ngục Ga-gia-lô hay cợt nhả, đểu cáng là cậu Mã (tức là Mã Giám Sinh trong truyện Kiều của Nguyễn Du).
(3) Chủ thầu hay ăn bớt tiêu chuẩn cơm và thức ăn của tù nhân.
(4) Tù nhân ở nhà lao Hải Phòng đã từng phá cùm gỗ lim, thùng sắt tây để làm vũ khí, đánh lại bọn lính lê dương.
(5) Vào mùa đông, mỗi tù nhân được phát một chiếc chăn chiên Nam Định, mầu đỏ.
 
Tối 30 Tết năm 1944, tại trại giam, đồng chí Trần Cung đã đọc bài “Văn truy điệu liệt sỹ” do mình sáng tác. Lời văn u sầu, da diết khiến cho nhiều tù nhân đã khóc khi nhớ lại những kỷ niệm về những bạn tù đã mất: 
… Có bạn chết thì xương gãy, máu trào
Có bạn chết còn chân cùm, tay trói
Có bạn chết bởi lưỡi gươm, hòn đạn, tòa án dã man!
Có bạn chết trong buồng tối, xà lim, nhà tù quỷ quái!
Bị giết ngầm bằng muỗi khảo, rệp tra,
Bị đầu độc bởi cơm hôi, mắm thối;
Ngạt hơi vì tường cao, cửa kín bốn bề,
Sinh bệnh bởi hố xí, thùng phân giữa trại.
Gần một năm trời
Bao người khuất núi!
… Nào những khi
Sát cánh kề vai
Ban chiều, buổi tối
Chống ma chơi, trừ quỷ sứ, góp sức thi tài
Bên cùm sắt, dưới gầm sàn, chung chăn chung gối.
Mà hôm nay.
Kẻ vẫn trong lao.
Người về chín suối…
                             
                    
                           Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò 
 
Đau buồn, tiếc thương những người tù đã mất nhưng những người ở lại vẫn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng:
Người trước ngã rồi
Người sau tiến tới!
Gương cao cờ Đảng, hướng đồng bào tới cảnh tự do
Quét sạch quân thù, đưa Tổ quốc đến ngày chói lọi!
                                                                                                (Văn truy điệu liệt sỹ, Trần Cung)
 
Và cuối cùng niềm tin tất thắng của những người tù đã trở thành hiện thực. Thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. 
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình,
Hà Nội, ngày 2/9/1945
 
Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: