Bài viết
17/03/2017 16:08 17/03/2017 16:08 3599
Vị tướng của đường Trường Sơn huyền thoại
Trong số chúng ta không ai là không biết đến con đường mang tên Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch cung cấp binh lực, lương thực, vũ khí cho chiến trường miền Nam, đó là thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX. Nhưng có lẽ không phải tất cả chúng ta đều hiểu hết được những đóng góp, công lao to lớn của những người đã làm lên con đường huyền thoại đó. Người chúng ta phải nhớ đến đầu tiên đó là đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm tổng cục Hậu cần, người trực tiếp chỉ huy con đường Trường Sơn huyền thoại.
Đồng chí Đinh Đức Thiện tên thật là Phan Đình Dinh, sinh năm 1913 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại xã Nam Vân, huyện Nam Ninh (nay thuộc thành phố Nam Định), tỉnh Nam Định. Đồng chí đã từng bị thực dân Pháp bắt và giam tại các nhà tù: Nam Định, Hỏa Lò. 
 
 
Đồng chí Đinh Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
(hàng đầu, thứ hai từ phải sang) thăm bệnh viện tại chiến trường Nam bộ, tháng 3/1973
 
Sống trong cảnh tù đày khắc nghiệt, nhưng đồng chí luôn lạc quan yêu đời, tạo cho mình một tâm thế tốt nhất để vượt lên những khó khăn về vật chất. Đồng chí luôn tham gia tích cực các hoạt động trong tù, đặc biệt đồng chí thường tham gia đóng vai nữ trong các vở kịch do anh em tù nhân tổ chức biểu diễn trong những dịp lễ tết. Cũng vì năng khiếu diễn kịch nên đồng chí đã vận dụng ngay vào hoàn cảnh của mình: “Từ ngày bị bắt, anh luôn đóng vai tuồng là một người bệnh hoạn. Dù cho trời nắng nóng anh vẫn mặc bên ngoài một áo bành tô, đầu tóc bù xù, nét mặt mệt mỏi, ít ăn, ít nói. Nửa tin nửa ngờ, bọn lính kín nói: “Để tụi tao đưa mày đi khám bệnh cho rõ trắng đen”. Và chúng đưa anh đi khám bệnh thật… Người y tá khám qua loa rồi cho anh về. Quả nhiên sau đó bọn lính kín tra tấn anh cũng nhẹ đòn hơn trước nhiều…” (Trích: Đinh Đức Thiện - một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một vị tướng hậu cần tài trí, Nxb Phụ nữ, 2005, tr.47). Trong phiên xét xử tại toà án Nam Định, đồng chí đã chống án và bị đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò. Năm 1943, đồng chí được trả tự do. 
Là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đồng chí đã suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ ngành Hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa để giải phóng miền Nam, vừa để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới thống nhất đất nước.
Được giao nhiều trọng trách, đồng chí luôn quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, năng động, sáng tạo, giữ vững nguyên tắc tập thể dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tác phong sâu sát, tìm hiểu thực tế, kiên quyết tổ chức thực hiện. 
 
 
Từ trái sang: Phó Tư lệnh Trần Văn Trà, đại diện Bộ Chính trị tại Mặt trận Lê Đức Thọ,
Tư lệnh Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh Đinh Đức Thiện
trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (Lộc Ninh, tháng 4/1975)
 
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Đinh Đức Thiện “đã đề xuất nhiều chủ trương và biện pháp táo bạo để xây dựng và phát triển tuyến đường chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; mở nhiều đường ôtô ngang, dọc, tập trung lực lượng thành lập các binh đoàn vận tải cơ giới, xây dựng mạng thông tin chỉ huy vận tải tương đối hoàn chỉnh, lắp đặt tuyến đường ống để bơm xăng từ hậu phương miền Bắc vào tuyến vận tải và các chiến trường, tổ chức lực lượng phòng không đánh lại máy bay địch bảo vệ đường, cầu, phương tiện và lực lượng vận tải…” (Sách: Đinh Đức Thiện - Một chiến sỹ trung kiên, một vị tướng hậu cần tài trí, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 11 - 12).
Trong những chuyến đi xuống các đơn vị bộ đội, đi đến các chiến trường để kiểm tra, đồng chí luôn quan tâm đến việc đảm bảo sinh hoạt và sức khỏe bộ đội, nhất là những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường, yêu cầu đảm bảo cho bộ đội được ăn no, đồng thời từng bước cải tiến chất lượng bữa ăn. Đồng chí thường trao đổi với Cục Quân y về các biện pháp để giữ vững và nâng cao sức khỏe bộ đội, làm tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh, nhất là  phòng chống chất độc hóa học của quân đội Mỹ.
Trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ, vóc dáng cao lớn, mái tóc bạc và bộ quần áo bà ba phai màu, nhìn Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện có dáng vẻ của một nông dân nhiều hơn là một vị tướng hậu cần với những quyết định táo bạo. Là người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, đồng chí Đinh Đức Thiện đã dám làm, dám chịu trách nhiệm và mạnh dạn xóa bỏ những gì lỗi thời, ràng buộc, đưa công tác vận tải, chi viện chiến trường đạt tới đỉnh cao. Đó là mốc son chói lọi trong chiến lược quân sự gắn với người chỉ huy và nhiều cộng sự của cán bộ chiến sĩ thuộc Đoàn 559.
Đồng chí Đinh Đức Thiện không chỉ chăm lo cho quốc gia đại sự mà đồng chí còn quan tâm đến từng cán bộ chiến sĩ của mình. Đáp lại sự quan tâm người Thủ trưởng, các cán bộ, chiến sỹ thuộc Đoàn 559 luôn cố gắng, khắc phục khó khăn ở chiến trường, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
 
 
Chiếc lược làm từ vỏ chiếc máy may Mỹ, do cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559
tự làm tặng đồng chí Đinh Đức Thiện
 
Trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, thiếu thốn tại chiến trường, bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, từ xác máy bay Mỹ, các cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị thuộc Đoàn 559 còn tạo ra nhiều vật dụng như: ca, cốc, đĩa, lược … vừa để sử dụng đồng thời đó cũng là kỷ vật gửi về hậu phương tặng người thân. Chiếc lược là kỷ vật thiêng liêng luôn đồng hành cùng đồng chí Đinh Đức Thiện trên khắp chiến trường và có một ý nghĩa sâu sắc, đúng như tinh thần của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ đã từng viết:
Tướng sĩ một lòng phụ tử
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
Mặc dù là một vị tướng tài ba, một Thủ trưởng giữ nhiều trọng trách quan trọng công việc luôn bộn bề lo toan. Nhưng với nhân dân, với người lính của mình đồng chí luôn gân gũi, ân cần. Mối quan hệ giữa thủ trưởng và cán bộ chiến sĩ gần gũi như tình yêu của cha và con.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng NCST

Chia sẻ: