Trong không khí thực dân Pháp khủng bố trắng nhằm dập tắt phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngày 20 tháng 04 năm 1931, mật thám Pháp ở Hải Phòng do hai tên thanh tra Puygiôn và Buben chỉ huy đưa tên phản Đảng Nghiêm Thượng Biền tức Thắng, trong Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc kỳ, đặt bẫy bắt đồng chí Trần Văn Lan, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí trong Ban Tài chính Trung ương và Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ, tổng cộng 36 đồng chí, trong đó có Nguyễn Hoàng Tôn tức Mẫn con, giao thông viên kiêm bảo vệ viên của Xứ ủy. Mẫn con đã dùng súng bắn lại bọn mật thám và cảnh binh.
Tại Sở Mật thám, Nguyễn Hoàng Tôn ban đầu không nhận gì, nhưng khi biết Nghiêm Thượng Biền đã phản bội, thì anh nhận hết việc đã dùng vũ khí bắn lại mật thám vây bắt hôm 20-4-1931, nhằm hạn chế những bản án tử hình đối với các đồng chí lãnh đạo…
Nguyễn Hoàng Tôn quê ở làng Trích Sài, vùng Bưởi, cạnh hồ Tây thơ mộng của Hà Nội. Anh tên thật là Phạm Hữu Mẫn, người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, cặp mắt sáng, khôi ngô thường được các chú, các anh gọi một cách trừu mến "Mẫn con". Từ cuộc đời mồ côi, đi ở, anh dễ dàng đi theo lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 26 tháng 3 năm 1931, Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam được thành lập, Hoàng Tôn được kết nạp ngay lứa đầu tiên. Sau đó, anh được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương mới thành lập năm trước. Anh được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương lâm thời, trao giữ việc giao thông và anh được đi lại nhiều nơi trong đó là vùng Hải Phòng và vùng mỏ than Hòn Gai, nơi có phong trào công nhân sôi nổi do các đồng chí Trần Văn Lan - Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và Xứ ủy Bắc kỳ đang hoạt động mạnh, lãnh đạo.
Theo đồng chí Ngô Thế Khảm, bạn chiến đấu của Hoàng Tôn nhớ lại Đồng chí Ngô Thế Khảm nguyên Vụ trưởng Ngân hàng Trung ương đã nghỉ hưu., thì Nguyễn Hoàng Tôn là một thiếu niên có bản lĩnh, rất đáng yêu, đã từng diễn thuyết vận động quần chúng đứng lên chống thực dân Pháp, đã từng thoát mật thám vây khi trong người mang nhiều truyền đơn bằng cách vờ chui vào gầm ô tô để "nhặt quả bóng" rồi nhân cơ hội đó nhét luôn tập truyền đơn vào gầm ô tô để khi xe chạy, truyền đơn tự động bay rải trên đường, còn anh thì cao chạy xa bay được.
Bị bắt và bị tra tấn dã man, Nguyễn Hoàng Tôn nhận hết hành vi đã dùng vũ khí bắn lại mật thám khi bị vây bắt. Trước phiên tòa đại hình Bắc kỳ mở tại Hà Nội các ngày 15, 16, 17 tháng 11 năm 1931, Nguyễn Hoàng Tôn và hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị kết án tử hình. Các đồng chí Trần Văn Lan, Trịnh Đình Cửu, Khuất Duy Tiến, Vũ Tụ bị kết án tù khổ sai chung thân, đồng chí Lê Duẩn 20 năm tù khổ sai… Thực dân Pháp đã kết án một người Việt Nam chưa đến tuổi trưởng thành. Vô nhân đạo hơn nữa chúng đã xử tử Hoàng Tôn bằng cách chặt đầu anh ngay trước cổng nhà tù Hỏa Lò Hà Nội vừa để trả thù cho những thất bại của chúng tại nhiều nơi nhất là tại Nghệ Tĩnh, lại vừa để đe dọa khủng bố tinh thần yêu nước chống kẻ thù từ bên ngoài đến cai trị ba nước Đông Dương.
Khi bước lên máy chém, Hoàng Tôn đã dũng cảm hô vang hai khẩu hiệu:
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Hỡi toàn Đảng, hãy cảnh giác với những tên cơ hội!
Anh Hoàng Tôn hy sinh cho đất nước cùng thời gian với Lý Tự Trọng (Tự Trọng hy sinh ngày 21 tháng 11 năm 1931 tại Sài Gòn), hai người cùng tuổi 17, cùng tham gia cách mạng trong hàng ngũ những người cộng sản. Hai anh đã nêu gương sáng cho các thế hệ thanh thiếu niên của cả nước ta. Và các anh đã cảnh báo cho chúng ta trước những thủ đoạn kẻ thù dùng nội gián để chui sâu, leo cao vào nội bộ Đảng ta để đánh phá./.
Hoàng Văn Quyến