Bài viết
07/10/2018 12:39 07/10/2018 12:39 7939
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười với “Trường học cách mạng” Hỏa Lò
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, trải qua những ngày tháng tột cùng khổ cực nơi “địa ngục trần gian Hỏa Lò”; những khó khăn, gian khổ trường kỳ chiến đấu giành độc lập cho dân tộc hay khi đảm nhận vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Đỗ Mười  - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều để lại nhiều dấu ấn sâu đậm.
Đồng chí Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 02/02/1917 tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. Năm 19 tuổi, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 22 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Chi bộ Đảng Đông Phù (Chi bộ cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội).
Năm 1941, đồng chí Đỗ Mười bị thực dân Pháp bắt, giam tại Sở Mật thám Hà Nội. Kẻ thù dùng nhiều đòn tra tấn dã man nhưng không khuất phục được người chiến sỹ cách mạng kiên cường ấy. Chúng kết án 10 năm tù khổ sai và giam đồng chí tại Trại giam Hà Đông, sau chuyển về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. 
 
 
Tổng bí thư Đỗ Mười thời tr
 
Trong chốn lao tù khắc nghiệt, người thanh niên trẻ tuổi Đỗ Mười vẫn kiên gan, bền chí, miệt mài học tập và tôi luyện bản lĩnh chiến đấu, giữ vững phẩm chất người cộng sản, cùng đồng đội đấu tranh “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Với vai trò Ủy viên Ban Sinh hoạt trong tù, đồng chí đã tham gia lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc. Để tuyên truyền cách mạng và phục vụ cho việc học tập văn hóa, chính trị của tù nhân, nhiều tài liệu như: Chủ nghĩa Mácxit phổ thông, Cách mạng tư sản dân quyền, Chương trình và điều lệ Việt Minh… đã được đồng chí tận dụng thời gian biên soạn ngay trong nhà tù.
Nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp, tối ngày 12/3/1945, đồng chí đã cùng nhiều tù chính trị khác vượt ngục thành công qua đường cống ngầm trước sân Trại J - Nhà tù Hỏa Lò. Trở về với cách mạng, đồng chí tiếp tục tham gia lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Đông, góp phần vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, năm 1945.
 
 
Cửa cống ngầm trước sân trại J (Hiện đang được trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò)
nơi đồng chí Đỗ Mười và hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục thành công, tháng 3/1945
 
 Trong quá trình công tác, đồng chí Đỗ Mười được Đảng, Nhà nước tín nhiệm, giao đảm nhiệm nhiều trọng trách. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tận tâm, tận lực vì nước, vì dân và có những đóng góp quan trọng vào định hướng phát triển phương thức lãnh đạo, quản lý đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…
Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, mặc dù bận nhiều công việc nhưng đồng chí vẫn luôn dành sự quan tâm đặc  biệt tới “trường học cách mạng - Nhà tù Hỏa Lò”. Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng vinh dự được đón đồng chí về thăm vào các năm 1994, 1995, 2000, 2001, 2003 và 2004. Đồng chí Đỗ Mười cũng dành tặng đơn vị nhiều kỷ vật quý, gắn liền với thời kỳ hoạt động cách mạng luôn giữ bên mình suốt nhiều thập kỷ với mong muốn giúp đơn vị làm phong phú thêm nội dung trưng bày chuyên đề tại di tích. 
 
 
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Quảng Trị (1/5/1990) 
 
Những năm cuối đời, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, không thể đến thăm, nhưng đồng chí Đỗ Mười vẫn luôn ủng hộ, dõi theo từng bước đường hoạt động và phát triển của Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Bởi với ông, Hỏa Lò luôn là nơi lưu giữ một phần của ký ức thanh xuân nhiệt huyết, nơi ông và nhiều đồng đội đã tận trung, tận hiến vì lý tưởng cao đẹp giành độc lập, hòa bình cho dân tộc.
 
 
 
Dẫu biết rằng, sinh lão, bệnh tử là lẽ thường tình, nhưng chúng ta vẫn không khỏi bàng hoàng và thương tiếc khi nghe tin ông từ trần. Ông đi về cõi vĩnh hằng, nhưng sự cống hiến và đóng góp của ông còn ở lại. Những câu chuyện về người con ưu tú của quê hương Thanh Trì, Hà Nội với những đóng góp, xây dựng Thủ đô và đất nước vẫn luôn được chúng tôi, những cán bộ đang công tác tại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò truyền tải tới du khách trong và ngoài nước với sự tự hào và trân trọng. Ngày hôm nay và  cả về sau này, tên của người chiến sỹ cộng sản Đỗ Mười mãi được khắc ghi vào lịch sử và ở lại trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam.
 
Phạm Hoàng My
Phòng Hành chính - Tổng hợp 
 

Chia sẻ: