Kỳ 2: Gian nan là nợ anh hùng phải vay
Phạm Thị Vân lúc là Thành uỷ viên Hà Nội mới 24 tuổi. Chị được phân công phụ trách công tác Bí thư phụ vận và một số huyện ngoại thành. Là con gái thành thị nhưng không có vẻ gì là tiểu thư. Hoàng Văn Thụ lúc ấy trong Ban Thường vụ Trung ương, có Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt. Hai ông Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt thay mặt đoàn thể công nhận mối tình đã đính ước của hai người.
Để tiện giữ bí mật công tác, anh Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Vân, chính là tên người con gái mình yêu để hoạt động. Thượng tuần tháng 5/1941 cùng với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, anh Hoàng Văn Thụ lên Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ toạ. Hoàng Văn Thụ lại được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng.
Tháng năm, sau cuộc họp Thường vụ Trung ương, tại ngoại ô thị xã Hà Đông, Phạm Thị Vân gặp lại người yêu ở Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ. Cuộc họp chưa kết thúc thì giặc Pháp bao vây. Cuộc gặp gỡ hiếm hoi kỳ vọng cho một dịp đoàn viên của hai người đã bỏ lỡ. Tất cả các đại biểu được lệnh bí mật rút đi. Phạm Thị Vân vừa ra đến bến tàu điện thì bị mấy tên mật thám theo sát, chị bị bắt. Dù đã cải trang thành người đi buôn chuyến, nhưng kẻ thù đã phát hiện ra ở chị nước da trắng trẻo, mái tóc dài không giống dân đi buôn.
Tại phiên toà sau đó ba tháng, Phạm Thị Vân đã tranh thủ vạch mặt kẻ thù: "Chúng tôi đấu tranh là để đánh đuổi xâm lược, chứ không phải là những kẻ nổi loạn vì đây là đất nước của chúng tôi…". Quan toà lồng lộn tức tối, chúng không cho chị tiếp tục lên án. Chị hô vang: "Chúng tôi phản đối lối xét xử áp đặt!…". Những người dự phiên toà lúc ấy đồng thanh hô vang: "Phản đối! Phản đối!…".
Trại giam nữ - Nhà tù Hỏa Lò
Trả thù người cộng sản trẻ tuổi, bọn thực dân kết án chị 12 năm tù và biệt giam tại nhà tù Hoả Lò. Tại đây, chị đã cùng anh chị em tù chính trị vận động đấu tranh đòi giam riêng tù nữ, đòi không được cắt tóc nữ tù, đòi được ra ngoài phơi nắng hoặc dọn cỏ làm vệ sinh… để dễ bề bắt liên lạc với nhau và với bên ngoài… Chị Vân sau đó được giam chung với nhiều nữ tù chính trị. Chị tổ chức học văn hoá, giảng chính trị cho chị em, vận động tuyệt thực, đòi được quyền tiếp tế cho chị em đau ốm trong tù…Phạm Thị Vân liên lạc với gia đình ở Hải Phòng tiếp tế thuốc men, giấy bút và thực phẩm, đường sữa cung cấp cho anh em khu biệt giam…
Cũng thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, họ đã trao gửi cho nhau qua ánh mắt nụ cười động viên khích lệ nhau gắng tranh đấu dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững chí khí Cộng sản. Chị Vân đã dùng tấm áo len của mình do em gái đưa vào tháo rời ra và đan lại thành tấm áo mới gửi tặng anh Thụ trong tù, mong anh giữ gìn sức khoẻ…
Xà lim số 2 - Khu Xà lim tử hình, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giam giữ
Tin sét đánh đến với chị Phạm Thị Vân vào một buổi sáng tháng Năm năm 1944 khi chúng đưa anh Thụ ra xử bắn tại pháp trường Tương Mai. Sáng ấy, tất cả anh chị em tù chính trị Hoả Lò đứng dậy đồng thanh phản đối. Phạm Thị Vân ngất xỉu. Có nỗi đau nào lớn hơn thế. Vậy là từ nay người đồng chí, người bạn đời yêu thương nhất của chị đã anh dũng hy sinh trước họng súng hèn nhát của kẻ thù.
Anh Hoàng Văn Thụ đã ngẩng cao đầu trước pháp trường, tỏ rõ ý chí bất khuất của người cách mạng. Trong lá thư gửi lại cho chị Vân, anh đã dặn chị nhớ giữ gìn sức khoẻ, tiếp tục chiến đấu để trả thù cho anh, và để góp phần giành độc lập cho đất nước. Trong thư ấy có bài thơ đặc biệt không chỉ gửi riêng cho người vợ trẻ chưa cưới của anh:
Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành…
Tháng 3/1945, chị Phạm Thị Vân được bố trí vượt ngục thành công cùng một số đồng chí của chị trong Nhà tù Hoả Lò. Do bị tra tấn cực hình cùng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trong tù, Phạm Thị Vân bị bệnh thiên đầu thống. Sau khi vượt ngục chị được em gái đưa sang Nam Định chữa chạy ở nhà ông lang ở làng Đậu Xá, huyện Nam Trực…
Cách mạng thành công, Phạm Thị Vân lúc này lấy bí danh Hoàng Ngân được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ là Thường vụ Khu ủy Liên khu Ba, phụ trách công tác Dân vận và phụ vận của Đảng. Dù lúc này sức khoẻ bị suy giảm bởi chế độ lao tù và bệnh tật, chị vẫn lao vào công việc với tất cả nhiệt thành cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hoàng Ngân cùng cơ quan chuyển lên an toàn khu ở Đại Từ, Thái Nguyên.
Tại đây, Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư đầu tiên Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, nay là Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Năm 1948 trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, cần thiết có cơ quan tuyên truyền vận động đoàn kết chị em phụ nữ toàn quốc để góp phần vào công cuộc kháng chiến, Hoàng Ngân được giao sáng lập tờ báo Phụ Nữ Việt Nam và chị được cử làm Tổng Biên tập đầu tiên…
Đội nữ du kích mang tên Hoàng Ngân trong kháng chiến chống Pháp
Chị Hoàng Ngân đã hy sinh vào một ngày đầu Thu năm 1949 tại căn cứ địa Thái Nguyên. Năm 1956 mộ Hoàng Ngân đã được Bác Hồ giao cho Hội LHPN VN, Văn phòng Quốc hội cùng gia đình và địa phương làm lễ đưa hài cốt người nữ anh hùng về nằm cạnh mộ anh Hoàng Văn Thụ ở nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội
Theo Tân Linh (Nguyễn Khánh Hồng lược trích)