Trong Nhà tù Hỏa Lò, thức ăn dành cho tù nhân đã thiếu lượng, thiếu chất, đồ dùng trong bữa ăn càng tồi tệ hơn. Bọn giám thị, giám ngục luôn lo sợ, đề phòng trước tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của tập thể tù chính trị. Chúng sợ tù nhân dùng bát, đũa, thìa... làm vũ khí gây sát thương nên cơm được đựng trong những máng gỗ, thức ăn trong các thùng tôn, anh em gọi những đồ dùng này là “Lập là”.
“Lập là” trưng bày tại Phòng nối giữa Trại giam D và E
Vào giờ ăn, các “lập là” được đặt ở hành lang nhà bếp hoặc sân trại, cứ 6 đến 10 người dùng chung một “Lập là”. Thời gian quy định cho mỗi bữa ăn là 7 - 10 phút, quá thời gian trên cơm và thức ăn bị đổ bỏ. Những chiếc “Lập là” đựng thức ăn luôn hoen gỉ cùng với chất lượng thực phẩm kém nhưng người tù vẫn phải cố ăn để đảm bảo tính mạng.
Cuộc sống nơi ngục tù tuy thiếu thốn, khổ cực nhưng các chiến sỹ cách mạng luôn nhìn nhận cuộc sống bằng sự lạc quan, hóm hỉnh như trong bài thơ “Lập là”:
Lập thì là, lập thì là
Chúng ta ở đây chốn lập thì là
Ngày ngày hai bữa tôi ra lại vào
… Bữa ăn nào có chút gì
Sáng thì mắm thối, tối thì mè ươn
Rau thì sâu nó gặm cả lườn
Cố nhai cho được, nó dưỡi dười cổ ra
Thịt trâu những da là da
Trẻ nhai chẳng được, người già nhai nuốt làm sao
Lại còn đậu phụ nhạt phèo
Chủ nhật vài miếng thịt heo lẫn bì
Dai dai như thịt lợn sề…
Chế độ ăn uống cực khổ, giam cầm hà khắc đã vắt kiệt sức tù nhân. Năm 1942, chỉ trong vòng ba tháng đã có hàng trăm người chết do mắc các loại bệnh như: kiết lỵ, thương hàn, tê phù, sưng phổi... Lúc đầu số người chết còn ít, anh em làm lễ truy điệu ngay. Càng về sau, số lượng người chết tăng cao vì thế phải một tháng mới làm lễ truy điệu 1 lần.
Du khách tham quan phần trưng bày về cuộc sống của tù nhân
tại Phòng nối giữa Trại giam D và E
Để khắc phục sự thiếu thốn trong chế độ ăn uống và đồ dùng sinh hoạt, tù nhân phải nhờ người nhà gửi đậu xanh, đậu tương, lạc, vừng... giúp bồi bổ sức khỏe, tăng thêm sức đề kháng. Các vật dụng do gia đình gửi vào được anh em khéo léo gia công thành những đồ dùng hữu ích. Vỏ hộp sữa được đục lỗ để trồng giá đỗ từ đậu xanh, đậu tương, ngăn cặp lồng trở thành bát ăn cơm, ca uống nước. Ngoài ra, anh em còn lén nhặt những cành bàng thẳng hoặc cạp rá, cạp rổ bỏ đi, làm thành những đôi đũa ăn. Đặc biệt là sáng kiến nhặt vỏ quả dừa do nhà bếp vứt bỏ, mài xuống sàn xi măng làm thành bộ bát, thìa để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Vật dụng tù nhân dùng trong các bữa ăn tại Nhà tù Hỏa Lò
Vì vậy, rong suốt quá trình thực dân Pháp quản lý nhà tù, nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực đòi cải thiện chế độ sinh hoạt đã diễn ra. Ông Vũ Xuân Áng, bị giam từ 1951 - 1954, kể lại cuộc đấu tranh vào ngày 03/01/1952:
“Vào giờ cơm buổi trưa, khi nhà bếp bưng các “Lập là” cơm đặt vào sân trước các buồng giam nhưng tất cả các anh chị em tù đều không ăn. Đại diện của tù nhân tuyên bố phản đối giám thị thông đồng với nhà cung cấp thực phẩm, bớt xén khẩu phần ăn của tù nhân, đòi cải thiện sinh hoạt, tăng tiền ăn ... Các buồng giam đều vang lên khẩu hiệu: “Đả đảo chế độ nhà tù”, “Đả đảo giám thị ăn bớt khẩu phần ăn của tù nhân”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Tôi đã ghi lại không khí cuộc đấu tranh tuyệt thực bằng mấy câu thơ sau:
“Buổi hôm ấy người như lớp sóng
Lòng căm thù họ quyết chí không ăn
Quyết không ăn để giành lấy quyền ăn
Tha thiết sống, họ quyết giành quyền sống”
(Còn tiếp)
Lại Thị Minh Thu
Phòng Giáo dục - Truyền thông