Ngày 02/5/2017, vừa tròn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Người chiến sỹ luôn trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, luôn giữ vững bản lĩnh và khí tiết kiên cường của người cộng sản.
…Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Văn Tiến Dũng đã ba lần bị địch bắt, tra tấn và buộc tội “làm Việt Minh”, bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa Lò, Nhà tù Sơn La. Lao tù của đế quốc, thực dân với mọi cực hình tra tấn dã man, tàn ác; những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đã không làm nao núng tinh thần, nhụt ý chí chiến đấu của đồng chí; trái lại đồng chí càng kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, tìm mọi cách trốn tù để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí Văn Tiến Dũng một mực trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với tổ chức, luôn thủy chung với đồng chí, bạn bè; không bao giờ xưng khai, làm lộ bí mật. Trước sự sống, cái chết, đồng chí đều bình thản, giữ vững khí tiết của người cộng sản, tìm mọi lý lẽ phản bác lại địch, có lần đã buộc kẻ thù phải trả tự do cho mình.
Ảnh trong tù của Đại tướng Văn Tiến Dũng
Trong lần bị bắt đầu tiên, tại Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Văn Tiến Dũng đã “nếm trải” cảnh lao tù, nhục hình cực khổ nhưng rất lạc quan. Đồng chí luôn tỏ rõ ý chí kiên cường, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, biến những ngày bị giam cầm trong tù thành những ngày rèn luyện bản lĩnh, ý chí và kiên quyết đấu tranh cách mạng. Trong hơn hai tháng tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí của mình đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm đấu tranh chống địch và bảo vệ lực lượng, đã vạch ra kế hoạch hành động trong tù, có nhiều biện pháp thiết thực để giữ gìn sức khỏe và an toàn cho anh em, nhất là các lần di chuyển đến trại giam tại Nhà tù Sơn La, Bắc Ninh. Đồng chí còn vận động anh em dành một phần thuốc men do gia đình tiếp tế để cho các đồng chí bị đi đày sử dụng dọc đường. Cùng với đó, đồng chí Văn Tiến Dũng đã vạch kế hoạch tuyên truyền, giác ngộ binh lính địch đi áp giải và vạch ra phương án đối phó khi bị chúng hành hạ hoặc khủng bố tù nhân cách mạng trên đường đi đày. Sau khi ra tù lần thứ nhất, đồng chí Văn Tiến Dũng đã tìm mọi cách để nhanh chóng trở về với Đảng, với cách mạng, tiếp tục hoạt động trong phong trào công nhân Hà Nội, Hà Đông. Đồng chí đã cùng Thành ủy lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội, trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân ngành dệt may Hà Nội và thực hiện một số nhiệm vụ khác Đảng giao.
Lần thứ hai đồng chí Văn Tiến Dũng bị địch bắt cùng với sách, báo bí mật và Điều lệ Đảng tại trụ sở Hội Ái hữu công nhân các xưởng dệt Hà Nội ở số nhà 76 phố Tiên Sinh (nay là phố Hàng Gà). Do bị bắt bất ngờ cùng với những tài liệu mật, nên đồng chí bị mật thám Pháp đánh đập, tra tấn nhiều lần ngất xỉu nhưng đồng chí vẫn kiên quyết không khai, vẫn cắn răng chịu đựng đòn roi, sự hành hạ của kẻ thù. Đồng chí kể lại: “Chúng đánh tôi và chỉ riêng có tôi bị đánh, vì chúng đã tìm thấy tài liệu mật của Đảng. Chúng muốn triệt để khai thác ở tôi, nhưng không có kết quả gì…". Sự tra tấn dã man của kẻ thù “không có kết quả gì” đã cho thấy phẩm chất kiên trung ngời sáng của đồng chí Văn Tiến Dũng.
Đồng chí Văn Tiến Dũng thời kỳ hoạt động với danh nghĩa nhà sư
tại chùa Bột Xuyên (từ tháng 12/1942 đến tháng 3/1943)
Trong lần thứ ba bị bắt, đồng chí phải chịu những trận đòn roi và những cực hình tra tấn dã man, tàn ác hơn những lần trước nhưng đồng chí vẫn một mực không khai, bọn đao phủ đã tra tấn đồng chí đến mức “chết đi sống lại” nhiều lần; máu của đồng chí đã đổ “tóe lên sàn xi măng đen ngòm và hôi thối”. Mặc dầu đã trải qua 75 ngày đêm bị cùm xích trong lao tù, với hơn chục trận đòn chính thức và nhiều trận không chính thức, người đau nhức ê ẩm, rã rời, mặt bủng ra và trắng bệch, cánh tay trái bị liệt, chân kéo lê trên đường nhưng đồng chí Văn Tiến Dũng vẫn luôn giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản, bảo toàn bí mật các cơ sở và tổ chức cách mạng của Đảng, được anh em bạn tù gọi là một người cộng sản “gan lì có tiếng”. Sau thời gian bị giam cầm, tra tấn tại Nhà tù Hỏa Lò, thấy không thể khai thác được gì, địch chuyển đồng chí Văn Tiến Dũng về nhà lao Bắc Ninh để chờ ngày mở phiên tòa xét xử. Ở trong tù, đồng chí luôn tôi rèn ý chí và giữ vững phẩm chất của người cộng sản, lúc tỉnh lại là phổ biến kinh nghiệm và động viên các bạn tù rèn luyện ý chí, khích lệ mọi người tìm mọi cách vượt ngục, trốn tù để về với cách mạng, tiếp tục tham gia phong trào cách mạng.
Đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Hoàng Sâm ở Việt Bắc, năm 1948
Trong tình cảnh bị giam giữ tù đày, đồng chí vẫn bí mật liên lạc được với các đồng chí trong Xứ ủy Bắc Kỳ để nhờ giúp đỡ, phối hợp tổ chức vượt ngục. Đêm 26-12-1944, đồng chí đã vượt ngục nhà lao Bắc Ninh thành công, trở lại hàng ngũ của Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 12-1-1945, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt tại tòa án tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thoát khỏi nhà tù, mặc dù sức còn yếu nhưng đồng chí đã xin được tham gia phong trào cách mạng, được Đảng cử tham dự Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ. Tại hội nghị này, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ kiêm Bí thư Khu ủy với nhiệm vụ quan trọng: Chuẩn bị khởi nghĩa ở chiến khu Quang Trung…
Trích bài viết của Thượng tướng LƯƠNG CƯỜNG
(Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)
(*) Tên bài viết đã được đặt lại.