Phần 1:
“Ôi sống như anh sống trọn đời,
Sáng trong như ngọc một con người.
Thanh ơi, anh mất rồi chăng đấy,
Cứ thấy như anh nở miệng cười…”
Những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu như chất chứa tình cảm của hàng triệu trái tim người Việt Nam khi nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh). Người đã từng ba lần bị địch bắt giam trong các nhà tù, nhưng luôn giữ vững khí tiết, bất khuất đấu tranh trong tù. Người con của miền Trung anh dũng đó đã vận dụng xuất sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, để góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta. Đồng chí là một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo, hết lòng thương yêu nhân dân, yêu đồng đội và lối sống giản dị, khiêm tốn, trong như pha lê giữa cuộc sống đời thường.
Đồng chí Nguyễn Vịnh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Một vùng đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng, nơi có những phong trào đấu tranh chống ngoại xâm sôi nổi và cũng là quê hương của nhiều văn thân, trí thức yêu nước.
Cột cờ Đại nội Huế, quê hương của đồng chí Nguyễn Vịnh
Năm Nguyễn Vịnh 14 tuổi thì cha qua đời, nhà nghèo đồng chí phải bỏ học đi làm thuê đỡ mẹ kiếm sống, nuôi gia đình. Nhưng vốn thông minh, ham học hỏi, ngoài những lúc lao động chân tay Nguyễn Vịnh luôn tìm mượn sách báo để tự học, dần nâng cao vốn hiểu biết của mình về thời cuộc.
Đồng chí Nguyễn Chí Diểu (trái), Phan Đăng Lưu, những đảng viên cộng sản
đã dìu dắt đồng chí Nguyễn Vịnh tham gia cách mạng
Sớm chứng kiến cảnh đất nước chìm trong đêm dài nô lệ, thấu hiểu được nỗi cơ cực của người dân mất nước. Hiền lành, chất phác, làm việc suốt ngày đêm mà cuộc sống nghèo khó cứ đeo bám lấy gia đình đồng chí cũng như nhiều người dân của vùng quê Niêm Phò. Điều đó đã thôi thúc Nguyễn Vịnh tham gia hoạt động cách mạng khi mới tròn 20 tuổi, dưới sự dìu dắt của 2 đồng chí đảng viên cộng sản là Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu. Kể từ đây, chàng trai miền Trung được sống và cống hiến hết mình cho cách mạng Việt Nam.
Vườn hoa cầu Tràng Tiền (Huế), nơi đồng chí Nguyễn Chí Diểu
gặp gỡ và giác ngộ cách mạng cho đồng chí Nguyễn Vịnh, năm 1934
Năm 1937, với tinh thần tích cực tham gia các hoạt động tại quê nhà, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò, đây là tổ chức đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền. Ở tuổi 24, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Trên cương vị đó, đồng chí đã sớm thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất và năng lực lãnh đạo, đưa Đảng bộ Thừa Thiên ngày một phát triển, đạt nhiều thành tích vang dội.
(còn tiếp)
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm