Bài viết
04/04/2017 13:42 04/04/2017 13:42 4353
Nhớ về cuộc vượt ngục “thần kỳ” tháng 3/1945 (phần 2)
Trong lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò, vượt ngục là hình thức đấu tranh cao nhất để được trở về với Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuộc vượt ngục quy mô lớn tháng 3/1945, được các đồng chí tù chính trị linh hoạt vận dụng nhiều cách trốn khác nhau, người trèo tường, người chui xuống cống ngầm, có người còn dũng cảm mặc giả làm dân thường để vượt ngục.
 
Lúc này, đồng chí Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình và một số anh em bị biệt giam ở khu xà lim, ngay trước cửa buồng giam đồng chí Trần Tử Bình, bọn Nhật lại giam các quan chức Pháp, nên việc liên lạc với đồng chí rất khó.
 
 
Khu xà lim tử hình - Nhà tù Hỏa Lò
 
“Trong khi các anh em ở ba trại khác đi lại tương đối thoải mái thì tôi vẫn phải bó gối trong buồng giam. Nhân cơ hội này mà không mạnh bạo làm thì không được, tôi nghĩ thế và tìm cách tự ra lấy. Tôi cởi quần dài, xoắn hai ống quần cho săn gọn, rồi quấn quanh hai chấn song sắt, sau đó lùa một cái cây chắc vào vặn thít lại như người ta thít dây ga-rô ở vết thương. Cách làm này không cần nhiều sức nhưng rất hiệu nghiệm: hai chấn song sắt bị sức xoắn kéo cong veo, sát lại với nhau như cổ chầy. Kẽ hở còn nhỏ, tôi lại làm như thế ở hai chấn song bên cạnh. Kết quả sau hai lần vặn đã mở được một lối vừa đủ để lách người ra. Thế là tôi ra được với anh em” (trích hồi ký của Thiếu tướng Trần Tử Bình).
Ngày 10/3, đồng chí Trần Tử Bình đã ra khỏi buồng giam, vội vàng tìm đến gặp anh em. Các đồng chí đều thống nhất phải triệt để khẩn trương tìm cách trốn ngay, trốn thật nhanh, nếu chần chừ bọn Nhật vững chân, tổ chức chặt chẽ lại thì mọi việc sẽ khó khăn gấp bội, anh em sẽ mất thời cơ, mà có khi còn tổn thất nặng nề. Anh em phải chủ động, sáng tạo tìm cách trốn, Ban Sinh hoạt đã chia số tiền bấy lâu nay dành dụm được, để anh em sử dụng khi ra ngoài hoạt động.
Một vấn đề đặt ra, nếu anh em cứ ở trong khu vực tù chính trị thì không thể nào trốn ra được, mà phải sang khu tù thường thì mới tìm được đường ra. Nhân việc nhà bếp muộn phát cơm, các đồng chí đã khôn khéo "xuống giúp nhà bếp", để tìm cách sang khu thường phạm, trà trộn với tù thường tìm đường vượt ngục. Đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Hòa, Phan Lang cũng đã sang được trại tù thường ngay từ buổi sáng, bằng cách vận động tù thường cho đưa cơm  đi phân phát ở các trại. Thoát ra đến khu tù thường, các đồng chí vào ngay nhà kho trút bỏ bộ quần áo tù chính trị, thay bộ quần áo xanh của tù thường và lấy thêm chăn để dùng khi vượt ngục.
 
 
Đồng chí Trần Đăng Ninh, tù chính trị nhà tù Hỏa Lò 
(giai đoạn 1930 - 1945)
 
Đồng chí Trần Đăng Ninh và 8 đồng chí khác cũng nhân cơ hội bọn Nhật ở địa điểm khác tới kiểm tra các khu trại giam đã nhanh nhẹn lẩn ra phòng thuốc, giả vờ ốm, nằm trùm chăn kín mít, không về trại nữa. Đến chiều, các đồng chí cũng sang được trại tù thường. Tại đây, đồng chí Trần Đăng Ninh đã vận động một số tù thường trèo tường vượt ngục. 
 
 
Tường bao xung quanh Nhà tù Hỏa Lò 
 
Đêm 11/3, cuộc vượt ngục bằng trèo tường được thực hiện, nhưng mới ra được một số đồng chí: Trần Đăng Ninh, Lê Tất Đắc, Vũ Kỳ, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Kha, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Trần Châu (tức Châu Ký, Quốc Hùng), Trần Ngọc Chi, Nguyễn Văn Ngọc… thì bị lộ. Cuộc vượt ngục bằng trèo tường không thực hiện được nữa.
 
 
Đồng chí Bùi Thị Kim Nhạn, tù chính trị nhà tù Hỏa Lò 
(giai đoạn 1930 - 1945)
 
Ở trại nữ, nhân lúc tình hình lộn xộn, chị em đã sang liên lạc với trại nam. Được biết có chủ trương vượt ngục, chị em rất phấn khởi và cùng trao đổi ý kiến: “Chúng tôi lập tức quyết định vượt ngục, công việc chuẩn bị được tiến hành ngay: như xé chăn, quần áo làm hai thang dây, một chăn mang theo để vắt lên dây điện trên tường, chuẩn bị quần áo thường để thay…phân công ai chịu án nặng ra trước. Sau đó chia ba nhóm mỗi nhóm ba người quy định sẽ đi cách nhau nửa tiếng. Nhóm đầu tiên gồm chị Ái, chị Chính và tôi (lúc đó dùng tên thật là Nhạn). Khoảng 2 giờ sáng hôm đó, chờ cho toán tuần tra của Nhật đi khuất, nhóm chúng tôi lập tức leo lên mái nhà của chị em thường phạm dỡ ngói, chui ra. Rồi trèo xuống đất, sau đó ném thang dây lên tường bao quanh nhà tù để leo xuống, chúng tôi đã vượt qua lần tường thứ nhất. Đến lần tường thứ hai, tôi là người leo lên trước, vừa trèo được lên mặt tường thứ hai, tôi trông phía dưới bên kia tường là phố Hàng Bông Nhuộm rồi, tự do rồi, tôi vừa thầm reo lên như vậy thì đã nghe tiếng súng báo động và lính canh rầm rập chạy đến, lúc này tôi chỉ còn biết ngồi im trên mặt tường, hai chị ở dưới đất đã bị bắt. Một tên lính Nhật chĩa lưỡi lê định đâm tôi, chị Ái vội xin với nó cho tôi trèo xuống. Bọn lính Nhật dùng báng súng đánh chúng tôi một trận rồi giam riêng qua đêm. Sáng hôm sau, chúng lại đưa ba chị em chúng tôi về phòng giam cũ. Thế là kế hoạch trốn tù của chúng tôi bị thất bại, may mà không ai bị sao” (trích hồi ký của bà Bùi Kim Nhạn). 
 
 
Đồng chí Trương Thị Mỹ, Phạm Thị Lê Hải, tham gia vượt ngục tháng 3/1945, tại nhà tù Hỏa Lò 
 
Những ngày sau đó, bọn Nhật cho người nhà tù nhân đến thăm khá đông, kẻ ra người vào rất lộn xộn. Lợi dụng tình hình này, các chị nghĩ ngay đến phương kế trà trộn vào đoàn người đến thăm tù nhân mà thoát, chỉ cần thay bỏ quần áo tù. Các chị đã viết thư, nhờ các chị tù thường được ra, mang đến gia đình để người nhà đưa quần áo vào. Nhờ cách này mà bà Trương Thị Mỹ (tức Tr­ương Thị Viếng), Phạm Thị Lê Hải và một số chị đã thoát khỏi nhà tù. Một số đồng chí nam giới cũng ra theo được bằng cách này. (Còn tiếp)
 
Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu Sưu tầm 

Chia sẻ: