Bài viết
20/03/2018 18:30 20/03/2018 18:30 3900
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người (Phần 2)
Phần 2: 
“Ôi sống như anh sống trọn đời,
Sáng trong như ngọc một con người.
Thanh ơi, anh mất rồi chăng đấy,
Cứ thấy như anh nở miệng cười…”
Những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu như chất chứa tình cảm của hàng triệu trái tim người Việt Nam khi nhớ về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Nguyễn Vịnh). Người đã từng ba lần bị địch bắt giam trong các nhà tù, nhưng luôn giữ vững khí tiết, bất khuất đấu tranh trong tù. Người con của miền Trung anh dũng đó đã vận dụng xuất sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, để góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta. Đồng chí là một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo, hết lòng thương yêu nhân dân, yêu đồng đội và lối sống giản dị, khiêm tốn, trong như pha lê giữa cuộc sống đời thường.
Vì tích cực tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Vịnh từng bị bắt giam trong các nhà tù thực dân. Chính nơi đây đã tôi luyện thêm ý chí, tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để đồng chí vững vàng hơn trên con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn, nguyện cống hiến hết mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
 
 
Nhà lao Thừa phủ (Huế), nơi đồng chí Nguyễn Vịnh bị thực dân Pháp bắt giam, năm 1938
 
Cuối năm 1938, đồng chí bị bắt và giam tại Nhà lao Thừa phủ (Huế), đầu năm 1939 đồng chí được thả tự do. Chỉ sau đó 6 tháng, đồng chí bị bắt trên cầu Tràng Tiền: “Mặc dù Nguyễn Vịnh không nhận bất cứ “tội” nào mà bọn mật thám buộc tòa án Nam Triều ở tỉnh Thừa Thiên vẫn kết án anh 2 năm tù giam. Trong thời gian bị giam ở Nhà lao Thừa phủ, anh nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng. Anh tổ chức việc học tập cho anh em tù chính trị trong nhà lao để giúp anh em giữ vững tinh thần chiến đấu, nâng cao trình độ lý luận và kinh nghiệm cách mạng…”. Trích sách: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nxb Thuận Hóa, năm 1997, Tr.317.
 
 
Huyện Phú Lộc, nơi đồng chí Nguyễn vịnh bị bắt lần thứ 3, năm 1943
 
Cũng trong cuốn sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nxb Thuận Hóa, năm 1997, Tr.318 có đoạn viết: “Bất cứ ở nhà lao nào, Nguyễn Vịnh cũng nêu cao ý chí cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức việc học tập, rèn luyện để giữ vững phẩm chất, đào tạo cán bộ cho cách mạng, đồng thời tổ chức và lãnh đạo đấu tranh chống bọ chúa ngục, để bảo vệ quyền lợi hàng ngày của anh em tù chính trị …”.
Tháng 2-1942, đồng chí Nguyễn Vịnh cùng một số bạn tù tổ chức vượt ngục thoát khỏi Nhà lao Buôn Ma Thuột tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 7-1943, Nguyễn Vịnh bị bắt và bị đày trở lại Nhà lao Buôn Ma Thuột. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Nguyễn Vịnh được trả tự do, trở về hoạt động và khôi phục các cơ sở đảng ở Thừa Thiên Huế và Trung kỳ.
 
 
Bữa cơm tù nhân trong sân Nhà tù Buôn Ma Thuột, Đắc Lăk,
nơi thực dân Pháp giam giữ đồng chí Nguyễn Vịnh, năm 1943-1945
 
Từng nhiều năm sống trong các nhà tù với đồng chí Nguyễn Vịnh, đồng chí Tố Hữu, nguyên Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nói: “…Thế là ở cả ba nhà tù, anh Vịnh và tôi luôn ở cùng với nhau, vừa tiếp tục công việc nghiên cứu chính trị và học tập văn hóa, vừa đấu tranh chống sự đàn áp, khủng bố và tàn khốc trong tù”.
Sống trong gông cùm và phải chịu những trận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ thù, đồng chí Nguyễn Vịnh vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, biến nhà tù thành trường học, tổ chức cuộc sống trong tù đầy lạc quan, hy vọng. Những “Trường học cách mạng” ấy đã góp phần rèn luyện tinh thần, khí phách của nhà cách mạng xuất sắc Nguyễn Chí Thanh, một nhà lãnh đạo, một vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: