Bài viết
17/07/2018 17:01 17/07/2018 17:01 2732
Người chí sỹ hy sinh trước cổng Nhà lao Hỏa Lò (phần 2)
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại nhưng đã cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của nhân dân ta. Những người lãnh đạo chủ chốt như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính… lần lượt bị bắt sau đó bị đưa về Hỏa Lò tạm giam. Ngày 17/6/1930, thực dân Pháp đã áp giải 13 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng và di chuyển chiếc máy chém từ Nhà tù Hỏa Lò lên Yên Bái để thi hành án tử hình.
Riêng trường hợp của Đoàn Trần Nghiệp, do chưa bắt được ông nên thực dân Pháp cho in hình và cáo thị, đồng thời treo giải thưởng cho ai bắt được Đoàn Trần Nghiệp sẽ được thưởng 5.000 đồng Đông Dương. Do bị truy lùng gắt gao nên Đoàn Trần Nghiệp phải thay đổi địa bàn hoạt động, chuyển từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Tháng 6/1930, dự đoán địa bàn hoạt động ở Hải Phòng không còn an toàn, Đoàn Trần Nghiệp quyết định chuyển về Nam Định. Về đây được một thời gian ngắn, đang tổ chức gây dựng cơ sở để tiếp tục các hoạt động cách mạng thì không may, ông bị sa vào tay mật thám và bị đưa về Hà Nội, tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Dù bị tra tấn hết sức tàn nhẫn nhưng Đoàn Trần Nghiệp vẫn tỏ rõ thái độ cứng rắn, không hề run sợ trước kẻ thù và cương quyết không tiết lộ bất cứ bí mật nào của tổ chức và đồng đội.
 
Thực dân Pháp hành quyết 13 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân đảng
tại Yên Bái, ngày 17/6/1930

Để thể hiện rõ chí khí của mình, Đoàn Trần Nghiệp và một số đồng chí cùng bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sỹ Việt Nam Quốc dân Đảng đã bị thực dân Pháp xử tử hình tại Yên Bái ngày 17/6/1930. Ông cũng tham gia tích cực vào các cuộc đấu tranh cùng các tù chính trị khác bằng hình thức tuyệt thực nhằm đòi thực dân Pháp phải cải thiện chế độ sinh hoạt, đòi bỏ cùm, đòi được thoải mái tắm giặt…  Cuộc tuyệt thực diễn ra đến ngày thứ năm thì thực dân Pháp phải nhân nhượng. Đây là cuộc đấu tranh đầu tiên có sự tham gia đông đảo của tù nhân Quốc dân Đảng. Và có lẽ, đây cũng là cuộc đấu tranh duy nhất mà tù nhân cộng sản và Quốc dân Đảng phối hợp hành động chống chế độ giam cầm hà khắc ở Nhà tù Hỏa Lò.
Ngoài ra, Đoàn Trần Nghiệp còn đi vận động những người bạn tù khác tin tưởng và đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, để khẳng định với những kẻ đi cướp nước rằng: Việt Nam là một dân tộc, quyết không chịu cúi đầu làm nô lệ, kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Nhà tù Hỏa Lò, nơi thực dân Pháp giam chí sỹ Đoàn Trần Nghiệp

Trong thời gian bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò, một nhà báo tiến bộ người Pháp là Louis Roubaud đã xin được gặp Đoàn Trần Nghiệp để phỏng vấn và viết một bài báo về ông. Khi phỏng vấn, Louis Roubaud đã đặt câu hỏi: “Thưa ông, tại sao biết cuộc khởi nghĩa khó thành công nhưng các ông vẫn tiến hành?”. Đoàn Trần Nghiệp trả lời: “Chúng tôi phải khởi sự như thế để người sau tiếp tục. Sự thất bại của chúng tôi là để cho thế hệ sau gặt lấy kết quả”. Nhà báo lại tiếp tục hỏi: “Có phải ông cho rằng, ám sát những quan chức cấp cao Pháp thì có thể đạt được mục đích của các ông?”. Đoàn Trần Nghiệp mỉm cười: “Đó là chỉ thị của Đảng tôi. Xin hỏi ông, có thể tiến hành một cuộc cách mạng mà không giết người? Mục đích những việc làm của tôi là để đuổi người Pháp ra khỏi xứ An Nam”. Trước câu trả lời khẳng khái đó của Đoàn Trần Nghiệp, nhà báo Louis Roubaud chỉ biết im lặng và lặng lẽ rời khỏi Nhà tù Hỏa Lò.
Ngày 5/8/1930, Đoàn Trần Nghiệp cùng một số chiến sỹ Việt Nam Quốc dân đảng bị thực dân Pháp đưa ra Hội đồng Đề hình để xét xử. Chúng tuyên án tử hình đối với ông cùng 11 chiến sỹ khác.
Ngày 9/3/1931, Đoàn Trần Nghiệp cùng những chiến sỹ khác là Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều bị thực dân Pháp xử chém ngay trước cổng Nhà tù Hỏa Lò. Khi đó, Đoàn Trần Nghiệp mới 22 tuổi xuân, lứa tuổi tràn đầy sức sống và nhiệt huyết cách mạng.
 
 
Hành quyết các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam
trước cổng Nhà tù Hỏa Lò

Đồng chí Đặng Xuân Thiều, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của Đoàn Trần Nghiệp đã viết bài thơ cảm vịnh ông:
                “Sống thác đôi đường trọn trước sau,
                 Non nước ghi nhớ mãi ngàn thâu.
                Kinh hoàng bóng ngọc như nghiêng ngả,     
                Đầu đã rơi rồi hận tất sâu!”.

Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: