Bài viết
30/06/2016 09:05 30/06/2016 09:05 1759
Những kỷ vật của liệt sỹ Phạm Hướng (phần 1)
Hy sinh trên biển năm 29 tuổi khi tổ chức vượt ngục nhà tù Côn Đảo, liệt sỹ Phạm Hướng - người anh, người thầy, người huấn luyện của một thế hệ học sinh kháng chiến Thủ đô Hà Nội năm 1948-1949 đã để lại dấu ấn sâu đậm về tinh thần đấu tranh kiên cường của một chiến sỹ cách mạng.
Ngày 04/01/2016, tại nhà riêng, bà Bùi Thị Kỳ (em dâu liệt sỹ Phạm Hướng) đã hiến tặng những kỷ vật của đồng chí Phạm Hướng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày tại di tích. Mỗi kỷ vật của đồng chí trong thời gian bị giam tại các nhà tù thực dân là một câu chuyện cảm động.
Phần 1: Khăn mùi xoa của người tù Cộng sản  
Năm 1948, các trường Chu Văn An, Albert Sarraut, Trưng Vương bắt đầu khai trường. Đồng chí Phạm Hướng được cử về nội thành chuyên trách phong trào học sinh, sinh viên.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, học sinh kháng chiến đã tổ chức nhiều hoạt động gây được tiếng vang như: rải truyền đơn; gài cờ đỏ sao vàng và lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Hành chính vào nhà dân; phối hợp với đội hành động của công an treo cờ đỏ búa liềm tại Tháp Rùa ngày 19/5/1948; phản đối cuộc mít tinh hoan nghênh Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại (tháng 7/1949); mở rộng công tác địch vận, chuyển đến binh lính Âu, Phi báo chí, tranh ảnh và truyền đơn bằng tiếng Pháp.  
Ngày 20/11/1949, trong khi đang vận động một nhóm lính Âu, Phi rời hàng ngũ địch theo phía ta, đồng chí Phạm  Hướng bị mật thám Pháp bắt tại khu vực Cột Đồng hồ gần vườn hoa Bác Cổ. 
 
 
 Liệt sỹ Phạm Hướng (1923 - 1951)
 
Suốt nửa tháng, đồng chí bị tra tấn dã man tại Sở Mật thám Hà Nội. Khi chuyển sang giam tại nhà tù Hỏa Lò, anh em học sinh kháng chiến, những người đã tham gia hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của đồng chí đã không nhận ra. Những trận tra tấn khốc liệt của mật thám đã biến một người mạnh khỏe, gân guốc thành một người lưng còng, má hóp, tiều tụy, không thể tự ăn mà phải nhờ sự hỗ trợ của đồng đội. Tuy sức khỏe yếu vẫn phải nằm nhưng đồng chí đã tổ chức hai lớp học chính trị là: Duy vật biện chứng và Lịch sử Cách mạng Việt Nam, ngoài ra còn dạy tiếng Pháp cho anh em. 
Ngày 01/5/1950, đồng chí Phạm Hướng bị đưa ra tòa án binh ở phố Maréchal Joffre (nay là phố Lý Nam Đế) xét xử. Tại tòa, đồng chí tự bào chữa cho mình và đồng đội bằng tiếng Pháp. Đồng chí bị kết án án tù khổ sai chung thân và đày ra nhà tù Côn Đảo. Tháng 5/1950, đồng chí Phạm Hướng cùng 53 tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò bị thực dân Pháp chuyển đi nhà tù Côn Đảo. 
Ngày đồng chí Phạm Hướng chuyển tù có mẹ, chị gái và bà Bùi Thị Kỳ (khi đó là vợ sắp cưới của em trai đồng chí) đến tiễn đưa. Bà Bùi Thị Kỳ kể lại: “Lúc này, gia đình mới cho mẹ biết anh Hướng bị bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và chuẩn bị chuyển ra Côn Đảo. Khi đến cổng nhà tù Hỏa Lò, bà tìm đủ mọi cách để trèo lên tường của tòa án mong nhìn thấy mặt con. Trong lúc áp giải lên xe, anh Hướng thoáng trông thấy tôi và một số chị, anh đã ném lại chiếc khăn mùi xoa. Nhưng anh không biết trong buổi tiến đưa hôm ấy có cả mẹ và chị gái”.
 
 
 Bà Bùi Thị Kỳ (em dâu liệt sỹ Phạm Hướng)
 
Chiếc khăn mùi xoa màu trắng đục, được khâu viền bằng tay, góc trên bên trái có thêu bí danh ở trong tù của đồng chí: “NG.V.THƯƠNG”; số tù sau khi thành án: “CM 9050”;  ngày bị bắt: “20-11-49” và ngày dự kiến chuyển tù: “10-5-50”. Tuy nhiên ngày chuyển tù đã diễn ra sớm hơn vì ngày 10/5/1950 là ngày đồng chí Phạm Hướng và đoàn tù Hỏa Lò đến Khám Lớn - Sài Gòn.
Trong bức thư viết tại San 2 Khám Lớn - Sài Gòn gửi cô Lê Kim Oanh (em gái ông Lê Hoàng Yến, bạn cùng tù với đồng chí) ngày 02/6/1950, đồng chí viết: “Em Kỳ có bảo hôm đi anh cầm nhiều mùi xoa lắm! Có đâu, hôm đó anh có 2 chiếc, cầm để vẫy chào mọi người, những mà ra khỏi cổng Đề lao, thấy em Kỳ cùng các chị vừa vẫy, vừa khóc sướt ma sướt mướt, anh tưởng chừng sân tòa án có lẽ lụt mất! Các anh vui vẻ ra đi chứ có điều chi mà buồn với thảm? Các chị được thấy mặt Anh, chắc vừa buồn vừa vui nhỉ, nhưng trông những cái đầu trọc vừa được “thế fát” xong thì cấm ai mà nhịn được cười phải không? (À, một tin mừng là hiện anh đang nuôi lại tóc, đã dài chừng được 2 phân!)…”. 
Lần chuyển tù từ Hỏa Lò đi Côn Đảo cũng là lần cuối cùng đồng chí Phạm Hướng được trông thấy những người thân trong gia đình và chiếc khăn mùi xoa đồng chí ném lại trước cổng Nhà tù Hỏa Lò trở thành kỷ vật vô giá được gia đình đồng chí Phạm Hướng trân trọng lưu giữ hơn 60 năm qua.
(Còn tiếp Phần 2: Những lá thư xanh)
 
Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu Sưu tầm 

Chia sẻ: