Tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đang trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép”, giới thiệu về những chiến sỹ cách mạng, từng bị địch bắt, giam cầm trong các nhà tù thực dân, đế quốc. Tại những nơi gian khổ đó, họ đã được rèn luyện để sau khi thoát khỏi nhà tù thực dân đã trở thành những vị tướng tài ba, thao lược của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Họ đã cùng quân và dân làm nên những chiến thắng vang dội, mang lại độc lập, hòa bình cho dân tộc, vinh quang cho Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Văn Khương (tức Song Hào) khi bị thực dân Pháp bắt, giam
Để có được những nhà cầm quân chiến lược tài tình, trường học trong các nhà tù đã góp một phần không nhỏ. Bên cạnh đó còn là cả một quá trình tự rèn luyện, học tập của cá nhân mỗi vị tướng, cùng sự giúp đỡ của những thầy giáo “đặc biệt”. Chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả về một thầy giáo như thế, Đại tá Doãn Mậu Hòe nguyên Hiệu trưởng trường Văn hóa Quân khu V, Hiệu phó trường Quân sự Quân khu V, người từng có 6 học trò đặc biệt, đó là: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Song Hào, Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, Trung tướng Lê Quang Đạo và Trung tướng Phạm Kiệt.
Đồng chí Hoàng Văn Thái họp tham mưu trong Chiến dịch Biên giới, năm 1950
Đầu những năm 1960, khi đang ở tuổi 25 và mang quân hàm Thiếu úy, ông Doãn Mậu Hòe được Tổng cục Chính trị quyết định lựa chọn để làm công tác giảng dạy hai môn vật lý, hóa học cho “6 vị tướng tại nhà riêng”. Khi biết mình được chọn làm thầy giảng bài cho các vị tướng, ông Hòe vừa mừng, vừa run, ông sợ rằng mình không đủ can đảm đứng giảng bài trước những học trò quá đặc biệt này. Nhưng nhờ có sự động viên của các vị tướng, buổi đứng lớp đầu tiên của ông đã diễn ra suôn sẻ. Họ thống nhất với nhau: Trên lớp thì các vị tướng gọi ông Hòe là thầy, xưng tôi, còn khi ra thao trường thì sẽ trở lại cách xưng hô là “Thủ trưởng và đồng chí”.
Trong trí nhớ của ông Hòe thì mỗi “học trò” có một đức tính riêng nhưng ai cũng kiên trì học hỏi. Dù bận trăm công, nghìn việc nhưng họ vẫn dành thời gian cho việc học và làm bài tập về nhà, đọc tài liệu theo yêu cầu của giáo viên đưa ra. Ông Hòe cũng hiểu rằng, vì hoàn cảnh chiến tranh nên họ mới dở dang việc học nên ông càng thấy mình cần phải có trách nhiệm và thấy trân trọng những học trò của mình.
Mỗi vị tướng đều để lại trong ông Doãn Mậu Hòe những kỷ niệm sâu sắc: Tướng Phạm Kiệt tham gia cách mạng từ những buổi đầu chống Pháp, bị địch bắt, tù đày nhiều năm nên trí nhớ bị giảm sút. Lúc đó, tướng Kiệt mới tham gia học chương trình lớp 3, lớp 4 nhưng ông cứ học trước, quên sau. Mỗi lần phải suy nghĩ căng thẳng ông thường xoa đầu, bóp trán và đầu đau tưởng không chịu nổi… những lúc đó, thầy giáo Hòe lại phải động viên và gợi nhắc từng chút một. Đến khi nhớ được ra bài học, tướng Phạm Kiệt đã bật khóc và chạy tới ôm chầm lấy thầy giáo mà nói “Thầy thông cảm, tôi mừng quá, vì lâu nay cứ sợ cái đầu không còn học được nữa…”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Thiếu tướng Phạm Kiệt nghiên cứu phòng thủ miền Đông Bắc - Quảng Ninh, tháng 7/1969
Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu trên đường đi B
Còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thầy giáo Hòe đánh giá là thông minh và có lối làm việc khoa học nhất. Tướng Thanh giỏi đều các môn khoa học xã hội và nói tiếng Pháp rất sõi. Ngoài giờ học, thầy - trò lại đàm đạo chuyện văn chương, văn nghệ trong nước và quốc tế. Những lần đi công tác xa, công việc ngập đầu nhưng tướng Thanh vẫn đưa thầy giáo đi cùng để tranh thủ học, không bỏ dở giữa chừng. Các bài tập thầy giao về nhà làm, Đại tướng đều hoàn thành một cách xuất sắc. Có lần đi kiểm tra một đơn vị quân đội về muộn, hai thầy trò bày bàn học ngay giữa thao trường, học đến gần nửa đêm mới quay về trại. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đại tướng đã hoàn thành các chương trình hóa, lý cấp 3.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Với mỗi học trò, thầy giáo Hòe có cách truyền đạt riêng, dễ hiểu và gần gũi. Có lần dạy môn hóa học cho Thượng tướng Song Hào và Trung tướng Lê Quang Đạo, ông Hòe đã bê nguyên một thau nước xà phòng vào lớp để thực hành tại chỗ. Các vị tướng thích vừa học vừa thực hành mới dễ hiểu, nhớ lâu, nhưng dụng cụ thí nghiệm khi đó rất khó kiếm. Ông Hòe phải mày mò tự chế hoặc lên thư viện mượn về dùng tạm. Riêng Trung tướng Lê Quang Đạo có một biệt tài là có thể chế tạo nhiều mô hình mạch điện để học. Thầy Hòe thường lấy mạch điện do tướng Đạo lắp ráp, sáng chế để truyền dạy cho học sinh khác.
Trung tướng Lê Quang Đạo (giữa) tại mặt trận Đường 9, Khe Sanh
Năm 1965, khóa học kết thúc, chia tay những học trò đặc biệt, ông Hòe được điều động về dạy tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông được phân công chủ nhiệm và trực tiếp giảng dạy cho con trai của học trò cũ, đó là anh Hoàng Quốc Hùng, Hoàng Quốc Trinh, hai người con trai của tướng Hoàng Văn Thái.
Dù chỉ gắn bó không nhiều thời gian nhưng tình cảm thầy trò giữa ông và các vị tướng rất nồng ấm. Cứ vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm, sáu học trò lại tổ chức một bữa cơm thân mật mời thầy giáo Hòe đến dự. Tại bữa tiệc luôn đặt sẵn một lẵng hoa tươi, kèm theo những hộp xà bông, kem đánh răng, chiếc khăn mặt… làm quà tặng thầy.
Một học trò cũ mang quân hàm Đại tá tới thăm thầy Doãn Mậu Hòe
Chiến tranh đi qua, ông Doãn Mậu Hòe phải tạm biệt những học trò cũ, chuyển về công tác tại Trường Quân sự Quân khu V. Trong hơn 40 năm khoác áo lính, đứng trên bục giảng, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh trở thành sĩ quan cao cấp, giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong quân đội. Nhưng ký ức về sáu người học trò mang quân hàm cấp tướng, những người chỉ huy chiến lược góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lẫy lừng năm châu và Đại thắng Mùa Xuân 1975 vẫn luôn in đậm trong tâm trí của Đại tá Doãn Mậu Hòe, đặc biệt là trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử này.
Nguyễn Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn
* Tài liệu tham khảo:
- Thầy giáo xứ Quảng dạy 6 vị tướng của tác giả Hồng Vân;
- Chuyện ít biết về Thượng tướng Song Hào của tác giả Trần Kiến Quốc.