Bài viết
22/03/2017 16:38 22/03/2017 16:38 27286
Gia đình có ba nhà chiến lược, tham mưu tài giỏi (phần 1)
Được sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nghèo, giàu truyền thống yêu nước cách mạng thuộc xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh), Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống), đã sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Cũng như nhiều chiến sĩ yêu nước cách mạng khác, họ đã từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhiều nhà tù trong cả nước, trong đó có Nhà tù Hỏa Lò. Cùng phải hứng chịu những trận đòn tra tấn nhưng cả ba anh em đã vượt qua với một ý chí và nghị lực sắt đá. Sau khi ra tù, ba đồng chí tiếp tục hoạt động và cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho đất nước và trở thành những nhà chiến lược, tham mưu tài giỏi.
Người anh cả, đồng chí Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã từng bị thực dân Pháp bắt giam tại các nhà tù Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La, Hòa Bình. Dù ở trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt nhưng đồng chí luôn xác định: “Người cách mạng ở bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo việc học tập để nâng cao trình độ, để cống hiến được nhiều hơn cho phong trào”.
 
 
Đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng các đồng chí phó ban
 
Hội nghị Paris về Việt Nam trải qua 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ 13-5-1968 đến 27-1-1973). Với trọng trách là Cố vấn đặc biệt, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc, góp phần cùng với đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà kiên trì giữ vững mục tiêu chung của toàn bộ cuộc đàm phán. Kết hợp với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị để có được thành công của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
 
 
Đồng chí Lê Đức Thọ nhận hoa chúc mừng của cán bộ Ban Tổ chức Trung ương,
khi đồng chí từ Pari trở về, năm 1973
 
Việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam là một sự kiện chính trị vang dội trên thế giới năm 1973. Ủy ban giải thưởng Nobel đã quyết định trao Giải thưởng Hòa bình cho đồng chí Lê Đức Thọ, nhưng đồng chí đã từ chối với lý do hòa bình vẫn chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam.
(còn tiếp) 
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng NCST

Chia sẻ: