Nhà tù Sơn La là một trong những nơi thực dân Pháp chọn để đày ải tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò bởi khí hậu khắc nghiệt của vùng “rừng thiêng nước độc” cộng với vi trùng sốt rét sẽ làm cho người tù suy kiệt sức lực, chết dần chết mòn.
Từ sau năm 1930, thực dân Pháp đã tổ chức nhiều chuyến lưu đày tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đến Nhà tù Sơn La. Danh sách chủ yếu là những người tù chính trị thuộc diện “nguy hiểm”, bị kết án nặng. Trong thư gửi Thống sứ Bắc Kỳ năm 1932, tên Công sứ Sơn La Saint Poulot đã viết: “… Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây tới Sơn La chỉ trong vòng 6 tháng thôi vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa…”.
Tháng 1/1940, thực dân Pháp lại tổ chức một chuyến lưu đày hơn 30 tù nhân Nhà tù Hỏa Lò đến Nhà tù Sơn La, trong đó có 29 tù chính trị và một vài tù thường phạm. Các đồng chí Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Văn Tiến Dũng, Trịnh Tam Tỉnh (tức Voi), Bùi Đăng Chi, Nguyễn Văn Phúc… cùng bị đi đày trong dịp này.
Khi biết tin sắp bị đưa đi “phát vãng”, những người tù chính trị đã tự thành lập các ban ngoại giao, tiếp tế, cứu tế, tuyên truyền để giúp đỡ anh em trong chuyến lưu đày và không quên đem theo cả những tài liệu huấn luyện cách mạng đã được dùng ở Hỏa Lò để bí mật đưa lên Sơn La.
Phần 1: Xuất phát từ Hỏa Lò
Đêm mùng 10 rạng sáng ngày 11/1/1940, từ 1, 2 giờ sáng, giám ngục nhà tù đã gọi tên và giục giã những tù nhân có tên trong danh sách lưu đày đến Nhà tù Sơn La chuẩn bị lên đường. Việc đưa tù nhân đi “phát vãng” hay xử chém tử tù thường diễn ra vào lúc sáng sớm để tránh sự phát hiện, phản đối của người dân bản xứ. Trước khi đi, mỗi người tù được phát một nắm cơm, một chiếc nón và đôi dép “quai một”. Tay của tù nhân bị xích chung với nhau từng đôi một.
Bốn giờ sáng, Nhà tù Hỏa Lò càng thêm rộn rã bởi tiếng xiềng xích kêu loảng xoảng. Hai cánh cổng rít lên rồi hé mở. Tù nhân xếp hàng đôi chuẩn bị tiến ra, trên mình vẫn mặc bộ quần áo bằng vải thô trắng có in chữ MC bằng hắc ín (Maison Centrale: Ngôi nhà trung tâm).
Cổng chính, Nhà tù Hỏa Lò
Vẫn giữ tư thế hiên ngang trước lúc ra đi, đoàn tù chính trị tiến ra một cách trật tự, quy củ và hết sức bình tĩnh trước tất cả những cặp mắt không giấu nổi sự thán phục của binh lính gác ngục. Đồng chí Trần Huy Liệu còn ngâm nga mấy câu thơ:
“Túi khoác, chăn đeo đứng xếp hàng
Xăm xăm tiến bước thẳng rừng Ngang
Anh em ta học làm du kích
Trong lúc năm châu khói lửa tràn”.
Vừa bước chân ra khỏi cổng nhà tù, lập tức tù nhân bị nhét lên hai chiếc xe cam-nhông đóng kín. Áp giải tù nhân đi đày là đoàn lính khố xanh dưới quyền chỉ huy của tên thiếu úy người Pháp. Lúc này, trên đường phố chỉ có lác đác những chiếc xe kéo đi đón khách sớm hay từng tốp người ra ga xe lửa và bến ô tô.
Hình ảnh một số tù chính trị bị đưa đi “phát vãng” tại Sơn La, tháng 1/1941
Khi xe vừa chuyển bánh, người tù đã hát vang các bài ca cách mạng với mục đích truyền tin ra ngoài. Rồi xe cứ vùn vụt lao đi trong khi người đi đường còn đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tù nhân lại tiếp tục hô thật lớn những câu:“Tây nó bắt những chính trị phạm chúng tôi đi Sơn La đấy, đồng bào ạ!”.
Khi đến ga Hàng Cỏ thì thật bất ngờ, số đông người nhà của tù nhân tập trung chờ đợi tại đây chạy ồ ra như níu lấy xe, tay vời, miệng không ngớt gọi tên người đi đày. Dưới ánh đèn điện, tù nhân cố nhòm ra ngoài nhưng không phân biệt được ai với ai, chỉ nghe những tiếng quen thuộc mà đoán biết người thân của mình.
Trước đoàn người khốn khổ kêu gào những tiếng xé ruột ấy, xe vẫn cứ vùn vụt lao đi. Năm, bẩy người vẫn cố chạy theo một cách tuyệt vọng cho đến khi xe khuất bóng trong đám bụi đường. Trước tình cảnh trên, đồng chí Trần Huy Liệu đã kịp sáng tác những câu thơ:
“Đêm hôm ấy, trước ga Hàng Cỏ
Mấy bóng đen lấp ló bên hè.
Trời đông sương giá lạnh ghê,
Gió heo may thổi càng tê tái lòng.
Giờ phút trôi, ngóng trông nào thấy,
Túi hành trang sẵn đấy chờ ai.
Phút đâu cát bụi tung trời,
Đoàn xe xịch đến chở người sinh ly.
Tiếng có gọi, người thì không thấy,
Tay có giơ, máy chạy không ngừng.
Khách đi muôn dặm núi rừng,
Người còn ngơ ngác trong chừng bụi bay…”
(Sơn La hành khúc)
Tảng sáng ngày hôm ấy, đoàn xe chở tù chính trị Hỏa Lò đã đến địa phận Kỳ Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình.
(Còn tiếp phần 2: Hành trình đi bộ từ Hòa Bình đến Nhà tù Sơn La)
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991
- Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.