Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9 tháng 7 năm 1927 trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước, và là hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Trãi ở thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thi đỗ loại giỏi vào Trường Bưởi (Trường bảo hộ Lycée du Protectorat nay là Trường phổ thông trung học Chu Văn An, Hà Nội) trường trung học lớn nhất miền Bắc nước ta lúc bấy giờ. Tư tưởng yêu nước và cứu nước của đồng chí Nguyễn Văn Cừ bắt đầu những năm học ở Trường Bưởi, khi được tiếp xúc với nhiều bạn bè, học sinh lớp trên, được họ kể về những cuộc đấu tranh đã diễn ra trong nhà trường, như bãi khoá phản đối thực dân Pháp bắt và kết án cụ Phan Bội Châu, đòi làm lễ truy điệu và để tang cụ Phan Châu Trinh, tưởng niệm cụ Lương Văn Can.
Tại trường Bưởi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vừa học tập, vừa bí mật tìm hiểu về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được các hội viên của tổ chức cách mạng ở trường Bưởi tuyên truyền, giác ngộ và kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ đó, đồng chí đã bí mật đọc nhiều tài liệu, sách, báo của hội như: Đường Kách Mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp, báo Thanh niên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tư tưởng của Người đã thấm sâu vào trí tuệ, trái tim của đồng chí Nguyễn Văn Cừ.
Khi đang học năm thứ hai bậc trung học, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị đuổi khỏi trường với lý do cùng một số bạn bè tiến bộ tìm cách vạch mặt bọn nịnh Tây khi làm thơ đả kích thói hư tật xấu của bọn bợ đỡ vô liêm sỉ đó.
Bị đuổi khỏi trường Bưởi, đồng chí nguyễn Văn Cừ trở về quê dậy học tại nhà cụ Dương Tuấn Duy tức cụ Cử Đỗ ở làng Hà Lỗ. Trong thời gian này, Nguyễn Văn Cừ được đồng chí Ngô Gia Tự khi đó là Bí thư Tỉnh hội Bắc Ninh của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giao cho nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở nơi đồng chí đang cư trú.
Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được đồng chí Ngô Gia Tự giới thiệu với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bí mật rời Bắc Ninh ra vùng mỏ Đông Bắc hoạt động.
Tại mỏ than Vàng Danh, nơi có nhiều khó khăn gian khổ nhất, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hăm hở lao vào thực hiện nhiệm vụ, đồng chí sống và làm việc với anh em thợ. Thấy rõ được sự cùng khổ của anh chị em công nhân mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ càng thấy phải có trách nhiệm trước sinh mệnh của họ.
Sau quá trình vận động, tuyên truyền, giáo dục thử thách, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã lựa chọn được một số công nhân mỏ hăng hái, nhiệt tình để thành lập các chi bộ ở Uông Bí, Mạo Khê, Hòn Gai, Hà Tu, Hà Lầm, Cẩm Phả, Cửa Ông...
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, các chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã lần lượt chuyển thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở các địa phương vùng mỏ.
Phong trào cách mạng ở vùng mỏ Đông Bắc đang dâng cao, tên chủ mỏ Vavatxơ và bọn mật thám tay sai điên cuồng tìm mọi cách đàn áp phong trào. Chúng cho người dò la khắp nơi, nhằm tìm bằng được người lãnh đạo. Đã có nhiều hội viên công hội ở Cẩm Phả đã bị bắt, trong đó có cả đảng viên cộng sản.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (ảnh mật thám chụp)
Ngày 25/2/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai. Chúng đưa đồng chí về mật thám Hòn Gai để dụ dỗ, tra tấn hòng moi được những thông tin về cơ sở đảng và cách mạng nhưng không khai thác được gì. Sau đó, chúng đưa đồng chí Nguyễn Văn Cừ về Sở Mật thám Hà Nội để tiếp tục khai thác. Đồng chí bị đánh đập với những đòn ác liệt hơn. Theo hồi ký của đồng chí của Phạm Văn Hảo là bạn học và cùng tham gia hoạt động cách mạng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ: “Hồi hoạt động ở khu mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bị Công ty Than Hòn Gai theo dõi và bắt giam. Chúng tra tấn hết sức dã man, dùng một cái trống lớn, bỏ mặt trống đi đóng đinh xung quanh miệng tang trống, bắt đồng chí ngồi rồi úp tang trống lên. Đang làm cho trống quay tít thì một chiếc đinh móc vào bên mắt trái, máu tóe ra, anh ngất đi, chúng phải đưa anh đi bệnh viện. Mắt trái bị đau lâu mới khỏi và khi khỏi thì bé hẳn đi: từ đó anh bị một mắt to, một mắt nhỏ”.
Một góc Nhà tù Hỏa Lò
Không tìm được chứng cứ, chúng đành đưa đồng chí vào Nhà tù Hỏa Lò để chờ ngày ra toà xét xử. Tại Nhà tù Hỏa Lò, không để rảnh rỗi thời gian, Nguyễn Văn Cừ lao vào học tập lý luận, chính trị một cách kiên trì, tự giác. Tại đây, đồng chí đã gặp các đồng chí: Trường Chinh, Bùi Xuân Mẫn, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Trọng Đàm, Lương Khánh Thiện, Lê Duẩn, được đọc nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có bản “Luận cương chính trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư của Đảng khởi thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tháng 10/1930.
Trong tù, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tìm mọi cách tuyên truyền, huấn luyện cho những đồng chí của mình và các bạn tù khác. Tài liệu học tập thường do đồng chí nhớ và viết lại, các tài liệu đã được chuyển cho nhau học: Luận cương chính trị, Cộng sản vấn đáp, Lao nông chủ nghĩa, Lao nông và vận động, Cách mạng thế giới, Lịch sử quốc tế, Ba Lê công xã, Điều lệ Đảng, Vấn đề tư sản, Vấn đề tranh đấu, Vấn đề gia đình, dân tộc, Xã hội chủ nghĩa, Kiến thiết ở Liên Xô, Giá trị thặng dư, Nông vận, Công vận, Thanh vân, Phụ vận, Kinh nghiệm công tác vận động quần chúng, Phê bình mục đích tối cao, Phê bình chủ nghĩa tam dân, Cách mạng Nga… Các tài liệu này còn được anh em tù chính trị mang theo những chuyến phát vãng đi Sơn La, Côn Đảo… để làm tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng.
Ngày 13/5/1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số anh em tù chính trị ra Toà đại hình xét xử. Đồng chí bị buộc tội chống phá an ninh quốc gia (theo Nghị định ngày 29/9/1936, Tước bỏ quyền công dân trong 20 năm).
Tại tòa, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vẫn bình tĩnh, hiên ngang bác bỏ những lời buộc tội của tên biện lý và nói: “… Tòa khép tôi vào tội có chân trong Đảng Cộng sản và âm mưu làm rối cuộc trị an. Không đúng! Tôi phải làm cách mạng, vì bọn đế quốc quá áp bức quần chúng, tìm hết cách bóc lột, nào sưu cao, thuế nặng, nào quốc trái để vơ vét cho chúng. Tôi làm cách mạng là để phá bỏ sự vơ vét bất công đó”. Mặc dù không đủ bằng chứng, toà án thực dân vẫn kết án đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí khác án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo.
Tổng hợp và biên soạn: Dương Thanh Hùng, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm