Trước bản án khắc nghiệt của chính quyền thực dân, người chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Hoàng Văn Thụ đã biến phiên tòa xét xử mình thành nơi tuyên truyền cách mạng, bảo vệ khí tiết và lý tưởng.
Một tổn thất lớn đã xảy ra đối với sự phát triển của cách mạng nước nhà: đó là vào tháng 8/1943, trên đường đi dự hội nghị binh vận tại ngõ Năm Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội), đồng chí đã bị mật thám Pháp phục kích bắt đưa về giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Kẻ địch đã tập trung những tên mật thám khét tiếng gian ác, áp dụng những thủ đoạn mà chúng cho là hiệu quả nhất, từ dụ dỗ đến đánh đập tàn nhẫn nhưng cũng không đem lại kết quả. Giữ vững niềm tin son sắt với cách mạng, đồng chí kiên quyết không cung khai. Một lần bị đánh ngất đi, khi tỉnh dậy, cơ thể đẫm máu nhưng đồng chí vẫn ôn tồn tuyên truyền cách mạng để thức tỉnh những kẻ lầm đường, lạc lối làm tay sai cho giặc.
Đối với đồng chí khác bị bắt cùng thời gian, đồng chí thường động viên: “Có đau cố gắng chịu đừng quên Tổ quốc và Đảng”. Trước sự anh dũng, quả cảm và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và Đảng của đồng chí Hoàng Văn Thụ, các đồng chí khác hết sức khâm phục. Qua hơn 5 tháng tra khảo, bọn mật thám buộc phải để hồ sơ trắng kèm những lời khai của vài tên phản bội.
Ngày 21/12/1943, thực dân Pháp mở phiên tòa quân sự đặc biệt để xét xử đồng chí. Nhưng phiên tòa hôm ấy đã trở thành nơi đồng chí tuyên truyền cách mạng, bảo vệ khí tiết và lý tưởng.
Tòa Đại hình (nay là trụ sở của Tòa án nhân dân tối cao, số 48, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội),
nơi thực dân Pháp xét xử các chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam
Trước vành móng ngựa, bằng một giọng hùng hồn, đanh thép, đồng chí lên án chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam. Đồng chí nêu rõ chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, kêu gọi những người Pháp dân chủ cùng Đảng Cộng sản Đông Dương lập mặt trận chống phát xít Nhật, Pháp…
Khi tên chưởng lý đứng lên buộc tội, mặc dù nắm khá đầy đủ hoạt động của đồng chí, những hắn phải kết luận: “Căn cứ vào hồ sơ của Hoàng Văn Thụ thì không thể lấy điều luật nào để kết án nặng nhất Hoàng Văn Thụ, ngay cả khổ sai chung thân…”.
Nhưng theo tên Chánh mật thám Trung ương: “Hoàng Văn Thụ là một lãnh tụ cách mạng rất nguy hiểm. Trong gần hai mươi năm qua, hắn đã hành động chống lại nhà nước bảo hộ và gây ra biết bao cuộc phiến loạn. Nếu Hoàng Văn Thụ còn sống thì các nhà cầm quyền Pháp không thể ngồi yên ở đây và những người Pháp ở Đông Dương sẽ bị giết chết…”.
Cuối cùng, tòa tuyên án tử hình đồng chí. Bản án vừa đọc xong, tiếng hô “Đả đảo thực dân Pháp!” vang lên. (Còn tiếp)
Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm