Phần 3: Sinh hoạt thiếu thốn.
Theo quy định của nhà tù "Tù nhân được tắm ít nhất mỗi tuần một lần". Do số tù nhân quá đông, vài trăm người mới có một bể tắm công cộng, nước chảy ít nên tù nhân phải phân chia nhau từng gáo nước tắm. Nhiều tù nhân phải tận dụng nước giặt quần áo dội lên người kỳ cọ, sau đó mới lấy gáo nước sạch được phân phát để dội lại lần cuối. Bài thơ "Tắm khô" của một tù chính trị nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1930 - 1945) đã miêu tả lại được kiểu tắm của tù nhân:
Muốn sạch ta ra nắng để phơi
Tay kỳ, tay cọ, ghét bỏ rơi.
Hàng chục con người chung xô nước
Ta vẫn hiên ngang vẫn mộng đời.
Bể tắm công cộng dùng cho tù nhân Nhà tù Hỏa Lò (Ảnh chụp năm 1994)
Quần, áo và vật dụng sinh hoạt trong tù vô cùng thiếu thốn. Hàng năm, mỗi tù nhân được nhận 2 bộ quần áo, một chăn chiên, một chiếu, không có quần áo ấm và màn. Quần, áo được phát thường cũ mục do được sử dụng nhiều lần, có cái đã rách và thường quá ngắn so với khổ người.
Năm 1942, dựa vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn do chiến tranh thế giới thứ 2, mỗi tù nhân nhà tù Hoả Lò chỉ được phát một chiếc quần đùi, không có áo, không có quần dài. Theo đồng chí Đào An Thái - Cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò (1943 - 1945) kể lại: "Bọn tôi chỉ có một quần đùi, còn trần trụi, không có khăn mặt, không có xà phòng tắm đến nỗi anh em chúng tôi phải rút đường dây ở đũng quần ra rồi buộc quai. Lúc nào nóng quá kéo lên làm áo, bình thường là buộc xuống làm quần. Chỉ mỗi mảnh quần mà kéo lên, buộc xuống liên tục".
Quần, áo - Tù nhân mặc trong Nhà tù Hỏa Lò
Ăn uống thiếu chất, quần áo mặc không đủ ấm, nhiều tù nhân mắc bệnh cần được thuốc thang chăm sóc nhưng không được đáp ứng. Mặc dù bọn chúa ngục cũng lập ra cái gọi là nhà thuốc nhưng cũng chỉ có vài loại thuốc đơn giản như: thuốc đau bụng, ho, cảm cúm, thuốc chữa ghẻ. Tất cả đều chế tạo bằng diêm sinh và trộn vôi có uống đến mấy người tù cũng không khỏi bệnh. Một Cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1943 - 1945) cho biết: "Nhiều tù thường phạm làm công việc chia thuốc, thương anh em tù chính trị đôi khi có giấu diếm cho một vài viên thuốc tây nhưng cũng chỉ chứng tỏ được bản lĩnh thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam chứ không thể cứu mạng được tù nhân".
Với một chế độ ăn uống không đủ chất, sinh hoạt đọa đầy, lại bị giam trong các phòng giam thiếu không khí nghiêm trọng nên sinh ra các bệnh nguy hiểm như: tê phù, kiết lỵ, phù phổi. Nguy hiểm nhất là bệnh phù phổi, người tù bị mắc bệnh này khi nằm ngủ ban đêm có thể chết lúc nào không biết. Năm 1942-1943, tổng số người chết bên trại Nam khoảng 350 đến 400 tù nhân. Ngày nào cũng có người chết, có tháng chết đến 43 người (chiếm 15 đến 17% trong tổng số tù nhân bị giam giữ tại khu trại Nam). Bệnh dịch hoành hành trong Nhà tù Hỏa Lò, hàng ngày, hàng giờ rình rập cướp đi sinh mạng của người tù.
Tổng hợp và biên soạn: Đào Thị Huệ, phòng Nghiên cứu Sưu tầm