Bài viết
16/02/2017 14:49 16/02/2017 14:49 2930
Cha con cựu tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam và hành trình tìm về ký ức (phần cuối)
Phần 3: Tù binh phi công Mỹ và ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Jane Fonda
Cũng bởi những lần trở lại Việt Nam mà Thomas Eugene Wilber còn gặp được người phi công thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam năm xưa đã bắn rơi chiếc máy bay của cha ông. Đó là phi công Đinh Tôn. Thomas Eugene Wilber đã đến thăm nhà ông Đinh Tôn và được nghe vợ ông kể lại rằng, khi ấy những người chỉ huy trong đơn vị của phi công Đinh Tôn nói rằng, nếu bắn rơi được máy bay Mỹ thì ông sẽ được thưởng một kỳ nghỉ phép để về nhà …cưới vợ. Và, chiếc máy bay của Trung tá hải quân Walter Eugene bị bắn rơi ngày 16-6-1968 thì ngày 27-7 năm đó vợ chồng ông Đinh Tôn làm lễ thành hôn. Thomas Eugene Wilber kể, ông đã rất xúc động khi được bà Đinh Tôn đón tiếp nồng hậu và “còn gửi quà về Mỹ tặng mẹ tôi nữa”.
Cũng bởi những lần trở về Việt Nam mà Thomas Eugene Wilber được gặp cựu phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam – nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành. Ông Thành chính là người đã chụp tấm hình Trung tá hải quân Walter Eugene khi ấy đang là tù binh phi công Mỹ Hỏa Lò cùng với một nhóm “phi công mặc áo ngủ” khác trong cuộc gặp với ngôi sao điện ảnh Mỹ huyền thoại Jane Fonda tại Hà Nội. Ông Chu Chí Thành kể: “Tôi chụp bức hình đó năm 1972 khi đang là PV Thông tấn xã Việt Nam, được giao nhiệm vụ đi cùng và ghi lại những hình ảnh Jane Fonda đi thăm một số địa điểm tại Hà Nội và một vài nơi khác bị bom Mỹ đánh phá”. Và, chính ông Chu Chí Thành cũng không bao giờ ngờ được, 44 năm sau khoảnh khắc bấm máy ấy, con trai của tù binh phi công Mỹ  Walter Eugene, một trong 7 tù binh phi công Mỹ trong bức ảnh lại có cuộc hội ngộ ấm áp với ông tại Hà Nội. “Jane Fonda là một ngôi sao, điều ấy hẳn nhiên không còn phải bàn cãi. Ngay tại Mỹ thời điểm lúc bấy giờ, chuyện gặp được bà ấy với nhiều thanh niên Mỹ cũng là giấc mơ. Nhóm phi công Mỹ, trong đó có cha của Thomas Eugene Wilber, nói rằng lúc ở Mỹ họ ước một ngày nào đó được lau xe cho Jane Fonda để được nắm tay bà ấy, dù chỉ một lần, cũng đã là quá hạnh phúc. Thế mà khi đang là tù binh phi công Mỹ ở Hilton Hà Nội, họ lại được gặp mà không phải… lau xe”. 
 
 
Bức ảnh: Trung tá Walter Eugene Wilber cùng các phi công Mỹ tại Trại giam Hỏa Lò
trong cuộc gặp với Jane Fonda do nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành chụp, năm 1972
 
Đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại tù binh phi công Mỹ tại Hỏa Lò còn cho biết thêm, không chỉ được gặp ngôi sao điện ảnh Jane Fonda, một số tù binh phi công Mỹ còn được dẫn đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh ở Hà Nội như Chùa Một Cột, Công viên Thống Nhất. Họ cũng được đến phố Khâm Thiên, nơi những thường dân vô tội từng phải đau đớn hứng chịu mưa bom kinh hoàng của máy bay Mỹ. Trong ký ức của Đại tá Duyệt vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh của tù binh phi công Mỹ Walter Eugene: “Tôm (tên mà Đại tá Duyệt thường gọi Thomas Eugene Wilber một cách thân mật) giống cha như đúc. Cha ông ấy là một người khá điềm đạm. Nhiều ngày nghỉ, Walter Eugene còn lên phòng làm việc của tôi để dạy tiếng Anh cho tôi nữa”.
Ký ức chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ. Con phố Khâm Thiên đau thương và nhiều vùng đất khác trên dải đất hình chữ S này từng tan hoang vì bom Mỹ đã hồi sinh từ lâu. Và, những cuộc gặp gỡ của những con người từng ở hai đầu cuộc chiến vẫn cứ diễn ra, nhưng giờ là ấm áp, bao dung, cùng hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác.
Ai đó đã nói rất đúng rằng, cái không thể thay đổi được là quá khứ.
Nhưng cái có thể thay đổi được là tương lai.
Đặng Huyền

Chia sẻ: