Cầu nối giữa đồng chí Phạm Hướng với gia đình và bạn bè là những lá thư được viết tại Nhà tù Hỏa Lò, Khám Lớn Sài Gòn và Nhà tù Côn Đảo. Những trang thư của người chiến sỹ cách mạng luôn ánh lên tinh thần “Thép” và sự tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.
Phần II: Những lá thư xanh
Theo quy định của nhà tù thực dân, tù nhân chỉ được viết thư mỗi tuần một lần, không được nói chuyện với gia đình về những điều không liên quan đến cá nhân hoặc nói về việc quản lý nhà tù. Thư của tù nhân được nhân viên nhà tù kiểm tra nội dung và trực tiếp gửi theo địa chỉ tù nhân cung cấp. Là một người sống tình cảm, đặc biệt yêu gia đình, hàng tuần, đồng chí đều viết thư và còn mượn tiêu chuẩn viết thư của bạn cùng tù để viết thư gửi về gia đình.
Từ trong ngục tù hà khắc và tàn ác của chính quyền thực dân, với những trận đòn tra tấn dã man, cuộc sống đọa đày, gian khổ, nhưng những dòng thư đồng chí viết luôn hướng về Thủ đô nơi có gia đình, bạn bè và những hoạt động sôi nổi của học sinh kháng chiến Hà Nội.
Đồng chí Phạm Hướng (thứ hai, từ phải sang) và những người thân trong gia đình, năm 1949
Ngày 20/5/1950, tại Khám Lớn Sài Gòn, đồng chí viết: “Xa Hà Nội, cũng nhớ chút khung cảnh Hà Nội, Hiển nhớ gửi cho Anh ít ảnh phong cảnh Hà Nội nhé’. Trong thư ngày 14/6/1950, đồng chí lại viết: “Tí nữa quên mất một việc cần lắm là chúng tôi nhờ các cô trông nom hộ cái Tháp Rùa. Kẻo nó sụp mất. Bảo vật của các chiến sỹ Thủ đô đấy! Làm sao cho nó vẫn được nguyên vẹn tới lúc chúng tôi về!”.
Trong hoàn cảnh giam cầm, niềm vui lớn nhất của người tù là nhận được thư nhà, thư bạn, ngày 2/6/1950 tại Khám Lớn Sài Gòn đồng chí viết: “Mấy hôm nay trong đời sống êm lặng của đoàn chính trị phạm Bắc Bộ bỗng có sự xôn xao vui vẻ khác thường: những cánh nhạn từ đất Bắc đã tới và đem theo hương vị của Thủ đô cho những người xa nhà. Đây một nhóm, kia một nhóm, anh em đua nhau đọc những lá thư của các người thân yêu”. Điều đó được khẳng định một lần nữa trong bức thư viết ngày 8/12/1950, tại Nhà tù Côn Đảo: “Những phút nhộn, vui là những lúc nhận được thư nhà, thư bạn”.
Phong bì thư, đồng chí Phạm Hướng gửi từ Khám Lớn Sài Gòn về gia đình, ngày 26/6/1950
Mỗi lá thư gửi về cho gia đình và bạn bè, đồng chí Phạm Hướng luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Ngày 2/6/1950, tại Khám Lớn Sài Gòn, đồng chí viết: “Không, không bao giờ các anh buồn hết, chỉ đôi khi mơ về khung cảnh của Thủ đô thôi, chứ còn Khám Lớn Sài Gòn, Hỏa Lò Hà Nội thì đâu đối với anh cũng chỉ là nhà tù thôi, có chi là lạ? Đâu cũng là đất nước non nhà!”. Ngày 9/12/1950, tại Nhà tù Côn Đảo đồng chí viết: “Và ngay từ hồi đó anh đã sẵn sàng chờ đợi những sự bất trắc như ngày nay nên anh không buồn lắm đâu. Cánh đồng quê mênh mông, lúa vàng bạt ngàn, làn gió bấc dồn dập từ phương Bắc đem lại cho bao người hy vọng là Đông sẽ chóng tàn và mùa Xuân tươi trẻ, mùa Hè rực rỡ sắp tới phải không Kỷ. Trong những giờ phút này, sao người ta thấy sống sôi nổi thế nhỉ! Sống để làm việc, sống để hy vọng và sống trong sự chờ đợi nhớ mong”.
Thư, đồng chí Phạm Hướng viết tại Nhà tù Côn Đảo gửi về gia đình ngày 9/12/1950
Những dòng thư mang bao hoài bão sâu kín về một tương lai tươi sáng của người thanh niên cộng sản đang bị giam cầm trong nhà tù thực dân như một thông điệp nhắn gửi cho thế hệ trẻ hôm nay luôn sống và làm việc có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và xã hội.
Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm