Bài viết
13/07/2018 15:50 13/07/2018 15:50 3396
Người chí sỹ hy sinh trước cổng Nhà lao Hỏa Lò (phần 1)
Thiết thực cùng cả nước kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò sẽ tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề ‘Lời tri ân” vào ngày 20/7/2018. Với 250 hiện vật, hình ảnh sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về sự tàn khốc của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc cùng với câu chuyện kể đầy xúc động về những người con trung hiếu đã hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc trong đó có chí sỹ Đoàn Trần Nghiệp.
 
Đoàn Trần Nghiệp sinh năm 1908 tại phố Hàng Sơn, Hà Nội, nguyên quán ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Thân sinh của ông là Đoàn Văn Ba làm nghề kim hoàn, thân mẫu là bà Đinh Thị Thuận, một người phụ nữ đảm đang, khuya sớm tảo tần với công việc gia đình và chăm sóc con. Tuy kinh tế gia đình không thật dư dả nhưng cha mẹ vẫn chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tiền cho ông tới trường. 
Năm 1926, vì hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, kinh tế thiếu thốn, Đoàn Trần Nghiệp đành từ bỏ con đường học hành, xin vào làm ở hãng Godard. Tại đây, ngoài việc chuyên tâm hoàn thành tốt công việc của một người thư ký, Đoàn Trần Nghiệp còn kết bạn với Vũ Trọng Phụng (sau này trở thành một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm hiện thực phê phán như: Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ… ). Thái độ căm thù và phê phán không khoan nhượng xã hội đầy rẫy những bất công của Vũ Trọng Phụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của Đoàn Trần Nghiệp.   
 
Chí sỹ Đoàn Trần Nghiệp
 
Năm 1928, Đoàn Trần Nghiệp gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, lấy bí danh là Doãn và được phân công nhiệm vụ trông coi và làm sổ sách cho khách sạn Việt Nam - cơ quan kinh tài của Đảng (ở số 38, phố Hàng Bông, Hà Nội). Dáng người nhỏ bé, trắng trẻo, lại là người ít tuổi nhất nên ông  được mọi người đặt tên là Ký Con. 
Ngày 9/2/1929, Việt Nam Quốc dân Đảng quyết định tổ chức ám sát tên Giám đốc sở mộ phu Bắc Kỳ Bazin. Bazin là một tên thực dân khét tiếng tàn ác, hắn chuyên đứng ra mộ dân Bắc Kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ đi làm cu li. Mỗi dân phu phải ký hợp đồng làm việc trong vòng 3 năm với những lời hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng khi đến nơi làm việc, họ bị đối xử hết sức tồi tệ như những người nô lệ, miệt mài với thân phận “trâu ngựa” để rồi vùi xác dưới những gốc cây cao su. Sau sự kiện này, Việt Nam Quốc dân Đảng bị thực dân Pháp khủng bố khắp mọi nơi. Khách sạn Việt Nam bị đóng cửa, Ký Con bị bắt, nhưng do không có chứng cớ nên được thả.
Ngày 6/9/1929, Đoàn Trần Nghiệp được giao nhiệm vụ ám sát Nguyễn Văn Kinh, một kẻ phản bội tổ chức, gây nhiều thiệt hại cho Đảng. Để thực hiện nhiệm vụ được giao của mình, Đoàn Trần Nghiệp bí mật nhờ thêm một đồng chí là Trần Đức Chính giúp sức. Đúng như dự định ban đầu, khi Đoàn Trần Nghiệp biết được địa điểm và thời gian Nguyễn Văn Kinh sẽ xuất hiện, ông ung dung đạp xe đạp đón đường rồi bất ngờ rút súng bắn vào đầu kẻ phản bội và thản nhiên để vào ví của hắn một tờ giấy trắng trên có ghi bốn chữ: “Không giữ lời thề”.
 
Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Việt Nam Quốc dân Đảng
 
Với những hành động “xuất quỉ nhập thần”, nhanh trí, giỏi phán đoán trong nhiều công việc nên Đoàn Trần Nghiệp được Chủ tịch Nguyễn Thái Học cử làm Trưởng ban ám sát của Đảng chuyên trách nhiệm vụ trừng trị bọn mật thám và những kẻ phản bội, có tội với đất nước. Khi được giao nhiệm vụ, ông đã tuyên thệ bằng một câu nói ngắn gọn: “Nếu bị bắt, tôi thề chết chứ không khai cho bất cứ ai”.    
Thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lực lượng của Đảng bị tổn thất nặng nề, nhiều chiến sỹ bị bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Mặc dù không tin chắc vào thắng lợi, nhưng ngày 17/9/1929, Tổng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn ra quyết định tổng khởi nghĩa theo chủ trương: “Không thành công thì thành nhân”.
Ngày 26/01/1930, Hội nghị Việt Nam Quốc dân Đảng họp tại làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và ra quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 9/2/1930, với sự phân công chỉ huy ở các địa điểm: ở Yên Bái, do Thanh Giang, Nguyễn Văn Khôi phụ trách; Sơn Tây do Phó Đức Chính phụ trách; Hưng Hóa (Lâm Thao, Phú Thọ) do Nguyễn Khắc Nhu phụ trách; Phả Lại (Hải Dương) do Nguyễn Thái Học phụ trách; Kiến An (Hải Phòng) do Vũ Văn Giản (Vũ Hồng Khanh) phụ trách và ở Hà Nội do Đoàn Trần Nghiệp phụ trách. 
 
Ông Phó Đức Chính, Trưởng ban Tổ chức của Việt Nam Quốc dân đảng
 
Do quá trình chuẩn bị gặp một số khó khăn nên Chủ tịch Nguyễn Thái Học quyết định lùi ngày khởi nghĩa đến ngày 15/2/1930. Tuy nhiên, vì không kịp thời chuyển thông tin nên ở nhiều địa phương, khởi nghĩa vẫn nổ ra vào đêm mùng 9, rạng ngày mùng 10 như dự kiến ban đầu. Nơi nổ súng đầu tiên và quyết liệt nhất là Yên Bái (chính vì vậy cuộc khởi nghĩa này còn được gọi là khởi nghĩa Yên Bái). Ở Yên Bái và Phú Thọ, nghĩa quân đã chiếm được một số nơi trọng yếu của định nhưng lại không giữ được.
Ở Hà Nội, khu vực do Đoàn Trần Nghiệp phụ trách đã tổ chức và điều động cho anh em trong đội quân cảm tử gồm có Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Quang Triệu và Nguyễn Bá Tâm thực hiện ném bom ở một số vị trí quan trọng như: Sở Mật thám, nhà tù Hỏa Lò, Sở Hiến binh, Sở Sen đầm, Cảnh sát quận 1, quận 2, nhà Chánh Mật thám Arnoux, cắt các đường dây điện, điện thoại… nhằm gây rối cho địch để chúng không thể tập trung lực lượng điều quân đi chi viện các nơi khác đàn áp (Còn tiếp).
 
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Sâm, phòng Nghiên cứu Sưu tầm


Chia sẻ: