Đỗ Nhuận là một trong những nhạc sỹ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp của ông là những bài ca đi cùng năm tháng, gắn liền với hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những tác phẩm của ông như “Giải phóng Điện Biên”, “Du kích Sông Thao” hay “Cô Sao” đã trở thành kinh điển cho các thể loại sáng tác âm nhạc sau này.
Tuy nhiên, ít có người biết về hoàn cảnh ra đời những tác phẩm của Đỗ Nhuận. Bởi song song với hành trình sáng tạo nghệ thuật, ông còn là một chiến sỹ cách mạng từng bị địch bắt, giam giữ tại các Nhà tù: Hỏa Lò, Sơn La… Và chính những ngày sống trong nhà tù thực dân, Đỗ Nhuận đã cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc để tuyên truyền, khích lệ tinh thần đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng trong chốn lao tù.
Mặt khác, trong thời gian này, Đỗ Nhuận đã được tiếp xúc với nhiều người mang tư tưởng tiến bộ và ông chợt nhận ra: Âm nhạc chính là nhịp cầu để nối những tâm hồn đồng điệu trên con đường đấu tranh cách mạng.
Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922 tại thôn Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm lên ba tuổi, Đỗ Nhuận theo cha ra Hải Phòng, tuổi thơ của ông lớn lên cùng với âm thanh và hình ảnh của thành phố cảng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, đây cũng là ngọn nguồn văn nghệ trong những thập niên đầu thế kỷ XX.
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận
Những năm tháng ấu thơ, ông sống nơi xóm thợ Lạc Viên, Hải Phòng, được tiếp xúc với những nhân vật kỳ lạ như Ông Hai Tây, Thầy đàn cải lương... đó là những người đầu tiên đã đem đến cho ông niềm khao khát, đam mê âm nhạc mà ngay lúc đó ông chưa hề nhận ra. Sau này, khi học trung học, được tiếp xúc với âm nhạc và các nhạc cụ như: đàn mangdolin, kèn hacmonica, đàn guitare của phương Tây và những nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam như: sáo trúc, đàn bầu… tình yêu âm nhạc trong ông lại càng bùng lên mãnh liệt.
Ca khúc đầu tiên “Trưng Vương” được sáng tác năm 1939 khi Đỗ Nhuận mới bước vào tuổi 17, đó là bản nhạc dành tưởng nhớ Hai Bà Trưng, ngay sau đó bản nhạc đã được phổ biến rộng rãi. Trong những năm 1940-1941, Đỗ Nhuận đã hoàn thành ca cảnh “Nguyễn Trãi - Phi Khanh” (gồm 3 ca khúc Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc). Có thể nói, tuổi hai mươi của nhạc sĩ đã đắm mình trong những ca khúc tỏ bày tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Đỗ Nhuận tham gia hoạt động cách mạng ở Hải Phòng và một số địa phương như: Lào Cai, Huế... sau đó, ông về hoạt động tại Hải Dương. Trong một lần treo cờ Đảng và rải truyền đơn tuyên truyền ở cầu Sái, phố huyện Kim Thành, ông bị địch bắt, giam tại xà lim Sở Mật thám và chuyển về Nhà pha Hải Dương.
Cuối năm 1943, Đỗ Nhuận bị địch đưa ra xét xử tại tòa sơ thẩm Hải Phòng, bị kết án 3 năm tù vì tội treo cờ và vận động cộng sản, ngay sau đó ông và đồng chí Chi là người lãnh đạo trực tiếp cùng bị bắt đã ký giấy chống án, với mục đích muốn được lên Hỏa Lò, Hà Nội, là nơi thực dân Pháp giam giữ nhiều nhân vật cách mạng lỗi lạc lúc bấy giờ.
Trước khi bị đưa lên Nhà tù Hỏa Lò, Đỗ Nhuận đã tìm cách mang theo một số đồ phục vụ cho việc “chơi nhạc”của mình. Để vượt qua sự kiểm soát gắt gao của Thực dân Pháp, Đỗ Nhuận đã mất một vài ngày khoét hai đầu đôi đũa, rồi vê hai tờ bạc 5 đồng giấu vào đó, lấy cơm nghiền nhỏ làm chất gắn, lấy hai sợi chỉ buộc hai đầu đôi đũa sau đó vê tròn cho khỏi bật ra. Còn cục nhựa thông to bằng hai ngón chân cái, rất cần cho người kéo nhị, kéo đàn violon và cuộn dây phanh để làm dây đàn đã được ông khéo léo cất giấu bằng cách ghè vỡ chiếc bát vỏ dừa, lấy dao trổ khoanh thành đường lõm sâu quanh miệng bát, quấn cuộn dây phanh theo đường đó, sau đó lấy nhựa thông để gắn quanh miệng bát, nhìn như cái bát bị vỡ được vá lại (2 đồng bạc và chiếc bát dừa đã được người cha bí mật chuyển cho Đỗ Nhuận trên đường ông bị giải từ tòa về Nhà pha Hải Dương).
Trong thời gian bị giam ở Nhà pha Hải Dương, Đỗ Nhuận được giao in tài liệu tuyên truyền, nên những vật liệu cần thiết của cơ quan ấn loát trong tù cũng được ông tìm mọi cách để mang theo lên Hỏa Lò. Đồ chuẩn bị để mang đi gồm ba ngòi bút răng cưa và thỏi mực tàu. Đỗ Nhuận tìm cách xin Cai Xảo được một thìa vadơlin và ít giấy bóng kính. Ông dự kiến, trước giờ bị giải lên Nhà tù Hỏa Lò, sẽ lấy ba ngòi bút răng cưa nhét vào giữa thỏi mực tàu, lấy giấy bóng kính quấn lại, bôi vadơlin xung quanh cho thật trơn rồi giấu vào chỗ kín nhất trong cơ thể.
Ga Hải Dương thời Pháp thuộc
Một sáng sớm, Đỗ Nhuận được Cai Xảo mở khóa, bảo ông trút lại bộ quần áo của Nhà pha Hải Dương, thay vào đó là bộ quần soóc, áo sơ mi cộc tay, Đỗ Nhuận cùng hai người bạn tù bị đưa ra ga Hải Dương, lên tầu đi Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Dương Thanh Hùng, phòng Nghiên cứu, Sưu tầm
Tài liệu tham khảo:
- Sách: “Âm thanh cuộc đời”, Đỗ Nhuận, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, năm 2004.