Phần 2: Khi mảnh xác máy bay được biến thành chiếc bình hoa
Thomas Eugene Wilber kể, dù cha ông đã được trở về, thì cho đến tận lúc cuối đời, cha ông vẫn băn khoăn về số phận của người đồng đội – ông Bernad. Cho dù, ngay từ năm 1999, dựa trên những dữ liệu đã thu thập được, người ta đã kết luận rằng, ông Bernad đã tử nạn trong chuyến bay định mệnh năm 1968. Ông Bernad, như những gì mà Thomas Eugene Wilber biết, là người chơi bóng rổ rất giỏi. Vợ và các con của ông ấy Thomas Eugene Wilber cũng biết. Quan trọng hơn là cha ông thì vẫn đau đáu về người đồng đội ấy.
Đó cũng chính là một trong nhiều lý do để Thomas Eugene Wilber sang Việt Nam nhiều lần đến thế. “Tôi không biết tiếng Việt, chính vì vậy, những thông tin cần kiếm tìm, tôi phải viết sẵn ra một tờ giấy”. Và, tại nhiều địa điểm thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, mảnh giấy ấy đã được chìa ra với ý hỏi han nhiều người dân. Từ nước Mỹ xa xôi, con trai của người cựu phi công Mỹ năm xưa, người đã gieo rắc bom đạn lên dải đất này, không bao giờ ngờ được, ông lại được những người dân thường ở mảnh đất phải hứng chịu quá nhiều thương đau bởi bom đạn chiến tranh lại thân thiện với ông đến thế. Họ đã nhiệt tình chỉ dẫn để rồi ông đã tìm được tới Bảo tàng Quân khu 4. Tại đây, Giám đốc Bảo tàng, Đại tá Nguyễn Công Thành ông dù những dữ liệu ban đầu hết sức ít ỏi. Bằng nghiệp vụ của một sỹ quan quân đội làm công tác bảo tồn bảo tàng, cuối cùng thì Đại tá Thành cùng các cộng sự đã tìm thấy.
“Khỏi phải nói, tôi đã vui mừng đến mức nào”, Thomas Eugene Wilber kể lại mà dường như vẫn còn xúc động. Ông đã ngay lập tức trở lại Việt Nam và đến nhà ông Bùi Bác Văn và ông Nguyễn Văn Thu ở Nghệ An. Ông Văn là người đầu tiên thấy chiếc máy bay “vẫn còn xoay tít mù và một chiếc dù bung xuống”, như lời ông kể với PV Đài Truyền hình Nghệ An trong bộ phim”Câu chuyện sau chiếc bình hoa” đã từng đoạt giải vàng tại Liên hoan phim truyền hình Việt Nam. Ông Văn cũng là người đầu tiên nhìn thấy cha của Thomas Eugene Wilber khi viên phi công này tiếp đất. Ông Văn, ông Thu cùng dân quân địa phương đã dẫn giải viên phi công cao lớn qua những con đường đất men theo ngôi làng nhỏ để rồi sau đó bàn giao cho lực lượng chức năng. Cũng chính ông Văn đã là người tận mắt nhìn thấy viên phi công kia, chính là ông Bernad, tử nạn ở trong ghế máy bay. Cũng chính ông Văn và những người dân địa phương đã an táng Bernad ở ngay trên mảnh đất mà ông ta đã lái máy bay đến để hủy diệt.
Hai cha con Wilber cùng chiếc bình hoa được làm từ mảnh vỡ chiếc máy bay
Thomas Eugene Wilber đã mang theo câu chuyện ấy về Mỹ cho cha ông, lúc ấy đang sống những ngày cuối cùng bởi căn bệnh hiểm nghèo ung thư. “May mắn là trước khi qua đời ít ngày, cha tôi đã được nói chuyện qua Internet với ông Văn”, Thomas Eugene Wilber rưng rưng kể. Và, nắm đất ở cánh đồng Thanh Tiên, nơi chiếc máy bay rơi, đã được ông nâng niu cẩn thận, đem về Mỹ cho gia đình Berdnad, cho người cha thân yêu yên lòng vì người đồng đội cũ.
Và, bấy nhiêu năm trôi qua, nếu không có cuộc kết nối yêu thương với những nhân chứng của sự kiện đau đớn này, ông cũng không bao giờ biết được rằng, mảnh vỡ của chiếc máy bay mà cha ông điều khiển, đã được ông Bùi Bác Văn lưu giữ.
Không còn là vũ khí hủy diệt, phần thân xác của chiếc máy bay ném bom năm xưa đã được ông Văn chế tạo thành một chiếc bình hoa. Bấy nhiêu năm trôi qua, khi cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng rất xa rồi thì chiếc bình hoa ấy vẫn tồn tại ở bên hiên nhà ông và ở đó, những mầm xanh cứ thế lớn lên, tươi tốt. Khi Thomas Eugene Wilber đến, ông Văn đã tặng lại.
Mảnh vỡ của chiếc máy bay lại trở về nước Mỹ nhưng nó không còn là vũ khí hủy diệt mà nó là chiếc bình dùng để cắm những bông hoa. Thomas Eugene Wilber kể, trong đám tang của cha ông, chiếc bình hoa ấy đã theo cha ông tới tận huyệt mộ. Mẹ con ông đã đặt nó trước mộ cha, cắm vào đó những đóa hoa tươi thắm, trước khi cẩn thận đưa nó trở lại ngôi nhà yêu quý, ngôi nhà mà cha ông đã nhớ thật nhiều khi phải tham gia vào cuộc chiến tồi tệ của Mỹ ở Việt Nam.
(còn tiếp)
Đặng Huyền