Kỳ II: Trưởng thành từ “Trường học cách mạng”
Với tinh thần, ý chí và niềm tin sắt đá vào sự tất thắng của cách mạng Việt Nam, các chiến sĩ bị giam giữ trong Nhà tù Hỏa Lò không chịu khuất phục trước sự tra tấn dã man của thực dân Pháp, ngược lại chốn địa ngục trần gian này trở thành “Trường học cách mạng” tôi luyện cho các đồng chí trưởng thành. Cuộc đời hoạt động của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười chính là một trong những tấm gương điển hình trưởng thành từ trường học cách mạng ấy.
Theo lời kể của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và các nhân chứng trong cuốn sách Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002): Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941) tham gia hoạt động cách mạng khi còn rất trẻ. Năm 17 tuổi, đồng chí được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng. Năm 19 tuổi, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò và sau đó bị đày đi Côn Đảo. Tại Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí cùng các đồng chí khác tham gia vào nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc với tù chính trị. Năm 1938, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương - Tổng Bí thư trẻ nhất của Đảng. Năm 1940, đồng chí tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ và một lần nữa bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn. Năm 1941, thực dân Pháp thi hành án tử hình đồng chí tại trường bắn Hóc Môn, Gia Định cùng với đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai...
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941)
Nói đến tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cộng sản nơi ngục tù thực dân không thể không kể đến Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ sớm và bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa năm 1931, sau đó đồng chí bị đày lên Nhà tù Sơn La. Tinh thần, ý chí chiến đấu của đồng chí trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hoả Lò được thể hiện rõ qua những câu thơ trong bài “Tin tưởng” do đồng chí sáng tác năm 1931:
“Quản chi nếm mật với nằm gai.
Trời biển mênh mông vẫn đợi người,
Chí lớn nấu nung trong ngục tối,
Sẽ đem thi thố một ngày mai...”.
Đồng chí Trường Chinh (1907-1988)
“Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành TƯ và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đăng trên trang 1, Báo Nhân dân, ngày 6-10-1988). Tương tự, đồng chí Lê Duẩn (1907-1986), bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1931 rồi bị đày lên Nhà tù Sơn La, ra Côn Đảo. Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có 26 năm là Bí thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1930 khi mới 15 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915-1998) là một trong những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, yêu hòa bình của người Việt Nam. Ở cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. “Anh là con người rất mực trung kiên với lý tưởng cách mạng, vì nước, vì dân phục vụ; thẳng thắn, cương trực nhưng thấm đượm tình đồng chí, đồng bào; sống giản dị, liêm khiết, ghét thói tham ô, lãng phí, xa hoa, phô trương hình thức…” (Đỗ Mười: Nhớ anh Nguyễn Văn Linh, trong sách Nguyễn Văn Linh- nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, NXB Chính trị Quốc gia-2003).
Đồng chí Đỗ Mười
Trong số 5 vị Tổng Bí thư từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, hiện nay nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn sống. Trong “Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười” (NXB Dân trí, Hà Nội, 2011); đồng chí Phạm Thế Duyệt viết: “…đồng chí Đỗ Mười không chỉ là người có bản lĩnh chính trị vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo tầm vĩ mô, vi mô để cùng Đảng ta đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc theo Cương lĩnh chính trị năm 1991 của Đảng, tránh được sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa như Đông Âu, Liên Xô, mà đồng chí còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập suốt đời, về lối sống cần kiệm, giản dị, liêm khiết, về ý thức tổ chức nghiêm minh và suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Ngoài 5 vị Tổng Bí thư của Đảng, những người con ưu tú của Đảng trưởng thành từ “Trường học cách mạng” này như: Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến, Đặng Việt Châu…sẽ mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam.
Hà Hiền - Báo Hà Nội mới