Mùa thu lịch sử cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên Cách mạng tháng Tám vĩ đại. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sau mùa Thu cách mạng ấy, một dân tộc bị nô dịch hơn 80 năm, với thất học và nghèo đói, đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Quân và dân ta, với niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh và ý chí kiên cường của khối đại đoàn kết toàn dân, đã giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2020), 75 năm ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (05/9/1945 - 05/9/2020), 75 năm ngày Bình dân học vụ (08/9/1945 - 08/9/2020), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày: “Chắp cánh ước mơ”.
Trưng bày gồm 3 phần: Ký ức mùa khai trường, Biến Nhà tù thành trường học cách mạng và Xây đắp những ước mơ.
Phần 1: “KÝ ỨC MÙA KHAI TRƯỜNG”
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã tạo dựng một nền giáo dục mới, khác hẳn về bản chất nền giáo dục nô dịch của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Nền giáo dục mới, thấm đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả, tôn trọng con người, vì con người và cho con người, nhằm phát triển con người một cách toàn diện”. Ngày 05/9/1945, Người gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên. Để diệt “giặc dốt”, ngày 08/9/1945, Người ban hành các sắc lệnh về phát triển Bình dân học vụ.
Phong trào học tập diễn ra sôi nổi với phương châm: con không biết thì học cha, ông không biết thì học cháu; người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết. Sau 1 năm (1946) đã tổ chức 74.957 lớp học với 95.665 giáo viên, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người.
Hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu, dân tộc Việt Nam lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ: vượt qua gian khó, nhiều trường, lớp vẫn được mở ở Chiến khu Việt Bắc; vượt qua mưa bom hủy diệt, các thầy cô giáo vẫn say sưa giảng dạy cho học sinh ở nơi sơ tán.
Phần 2: BIẾN NHÀ TÙ THÀNH TRƯỜNG HỌC CÁCH MẠNG
Từ buổi đầu xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách văn hóa lạc hậu để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Nhà tù được xây dựng nhiều hơn trường học, thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng trên cả nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn thanh niên đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.
Trên chặng đường đấu tranh ấy, nhiều chiến sĩ đã bị địch bắt, giam tại nhiều nhà tù. Trong chốn địa ngục trần gian, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, các lớp học đã được mở ra: “Trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Trường học giữa núi rừng” ở Nhà tù Sơn La, “Trường học giữa biển khơi” ở Nhà tù Côn Đảo, “Trường học trên cát” tại Trại giam tù binh Phú Quốc... đã góp phần cổ vũ tinh thần, biến nhà tù thành trường học, nơi tôi luyện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng.
Những người tù đã chuẩn bị cho mình hành trang tri thức để sau khi được tự do tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự đóng góp không nhỏ của các chiến sĩ cách mạng từng học tập tại các lớp học trong lao tù.
Hỏa Lò - “Trường học sau song sắt”
Tại Nhà tù Hỏa Lò, các lớp học được mở ra sau những chấn song lạnh lẽo. Học trong bí mật, học trong thiếu thốn, nhưng tù nhân vẫn nhanh trí, sáng tạo ra đồ dùng dạy và học. Vào buổi tối, khi các cửa sắt đã khóa chặt, là thời gian tù chính trị cùng nhau tổ chức các lớp học văn hóa, viết báo sôi nổi trong trại giam. Tài liệu được giấu ở chân tường, thậm chí trong để trong hộp sắt, bọc nilon, dòng dây thả xuống thùng phân được kéo lên để phục vụ việc học.
Gọi là lớp học nhưng không bảng đen, không bàn ghế, không giấy, không vở. Các tù nhân dùng mặt trong của bao thuốc lá, bì thư đã dùng rồi để làm giấy viết. Ngòi bút được làm từ nụ hoa ăngtigon nhặt trong sân nhà lao và được cất giấu một cách cẩn thận; quản bút làm bằng cành bàng; phấn là gạch non, than bếp; bảng là nền xi măng.
Sơn La - “Trường học giữa núi rừng”
Ở nơi “rừng thiêng nước độc”, Nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”. Nhưng chính tại nơi chết chóc này, các lớp học được Chi bộ nhà tù mở ra trong không khí sôi nổi, hưởng ứng nhiệt tình của tất cả tù nhân. Nhờ học tập, trình độ của người tù không những được nâng cao, mà còn góp phần thắp sáng ngọn lửa đấu tranh nơi núi rừng Tây Bắc.
Côn Đảo - “Trường học giữa biển khơi”
Côn Lôn đi dễ khó về
Sống nương núi Chúa, thác về Hàng Keo.
Tại nơi đảo xa nghìn trùng biệt lập, kẻ địch tưởng rằng có thể giết dần, giết mòn tù nhân bằng nhục hình, khổ sai, đói khát, bệnh tật... Nhưng với niềm tin mạnh mẽ, người chiến sĩ đã vượt qua muôn vàn gian khổ để biến Côn Đảo thành “đại học đường”, thành vườn ươm của cách mạng Việt Nam.
Giấy học là những mảnh báo còn chừa trắng, hoặc có thể viết chồng lên chữ in. Còn một nguồn giấy nữa là “giấy vệ sinh”. Có lúc chúng tôi vờ đau kiết lỵ để được mua nhiều giấy. Còn cái khoản mực nho tìm được không phải dễ. Có khi nhắn người nhà gửi quần áo và quà bánh vào kèm theo một thoi mực, hoặc dát mỏng mực nhét vào tà áo, hoặc cắt mực ra thành từng viên nhỏ nhét vào ruột bánh. Lắm lúc thiếu nước, phải nhổ nước bọt, thậm chí phải dùng nước giải mài mực ra, rồi lấy que vót nhọn làm bút để viết.
(Trích: Hồi ký “Trường học trong nhà tù”, Nguyễn Thiệu)
Bọn cai ngục xét phòng liên miên, mỗi lần chúng lại lấy đi những giấy, bút, sách vở... để anh em không thể tiếp tục học và dạy thêm được nữa. Bị chúng lấy dần lấy mòn đến hết cả dụng cụ học tập, anh em đành học tiếp bằng cách dùng một mẩu san hô viết ngay trên sàn nhà của phòng giam. Bọn chúng cũng thu luôn và cấm không cho đem san hô vào trong phòng. Anh em lén lấy cát về phòng và tập viết, tập làm toán ở trên cát.
(Trích: Hồi ký “Sóng Côn Đảo”, Lê Quang Vịnh)
Phú Quốc - “Trường học trên cát”
Sống trong cảnh kìm kẹp, giữa bốn bề thép gai, những lớp học vẫn được tổ chức ở các phân khu Trại giam tù binh Phú Quốc (1967 - 1973). Trên sân cát, người thầy ngồi giữa, học trò xúm xít vây quanh. Từ những lớp học này, các chủ trương, chỉ thị của Đảng bộ các phân khu được truyền đạt đến anh em. Hơn năm thập kỷ đã trôi qua, câu chuyện về những lớp học trên cát vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người tù Phú Quốc năm xưa.
Lớp học mở ra trên mảnh sân tù
Và trang sách mở ra trên cát
Đế dép xoa trên mặt cát
Mịn như trang giấy bây giờ
Thầy giáo là anh
Chúng em là trò nhỏ
Cây bút anh cầm- một mẩu thép gai
Chúng em ghi bài trên manh mụn vá…
(Trích: Bài thơ “Từ trang sách cát”, đồng chí Nguyễn Quốc Việt viết tặng đồng chí Nguyễn Văn Chiển, tháng 11/1977)
Phần 3: XÂY ĐẮP NHỮNG ƯỚC MƠ
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phẩn lớn ở công học tập của các em”.
Chiến tranh qua đi, đất nước chuyển mình, tiến bước trên con đường đổi mới. Nhưng ở một số vùng miền, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, ước mơ được đến trường còn dang dở.
Qua những câu chuyện được thể hiện trong trưng bày, xin dành một khoảng lặng để nhớ đến sự hy sinh của bao thế hệ cha anh, những người luôn khát khao học tập, kiên cường chiến đấu để bảo vệ và dựng xây đất nước; xin dành sự trân trọng, biết ơn công lao của các thầy cô giáo - những người mài ngọc cho đời và tiếp thêm động lực, niềm tin về tương lai cho biết bao thế hệ học sinh. Thông qua những câu chuyện ấy, sẽ tiếp thêm niềm khát khao học tập và học tập suốt đời, góp phần lan tỏa hơn nữa đến cộng đồng những tấm lòng biết sẻ chia và giàu lòng nhân ái.
Dành thời gian đến với “Chắp cánh ước mơ”, du khách sẽ ngạc nhiên trước hình ảnh của các lớp học đặc biệt với tường cao, song sắt lạnh lẽo; những lớp học với nhà tranh, mái lá đơn sơ; hay những lớp học trong không gian bệnh viện. Đặc biệt, từ những bức tranh của các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổ hợp thiết kế tạo hình những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc, mang ý nghĩa thắp lên niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, thể hiện tinh thần lạc quan, ước muốn chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo.
Hãy đến với “Chắp cánh ước mơ”, để cảm nhận ý nghĩa của những lớp học đặc biệt, để trân trọng hơn những cơ hội được học tập, được cống hiến; để không ngừng noi theo tấm gương tự học và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học không biết chán, học không bao giờ ngừng.
Tại lễ khai mạc trưng bày, quý vị đại biểu sẽ được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử và đại diện gia đình các nhân chứng đã trực tiếp tham gia vào các lớp học đặc biệt năm xưa. Ngoài ra, còn có đại diện của các cơ quan, đơn vị thiện nguyện đã thành lập nên các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa hay trong các bệnh viện:
- Đại diện thành viên sáng lập “Lớp học hy vọng” của Bệnh viện Nhi Trung ương Bệnh viện Nhi Trung ương
- Chị Nguyễn Thu Phương, thành viên Nhóm Hướng dẫn viên và điều hành công ty du lịch. Ngoài những hoạt động giúp đỡ các em có quần áo, sách vở, đồ dùng học tập…, đến thời điểm này, nhóm đã quyên góp và xây dựng được hai điểm trường tại bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) và xã Tiên Yên (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang).
- Anh Nguyễn Trường Thành thành viên Nhóm Ngôi trường ước mơ - tổ chức thiện nguyện được thành lập ngày 11/9/2014, đến nay có hơn 2.300 thành viên. Với phương châm là cầu nối đưa những tấm lòng thiện nguyện đến với những điểm trường còn nhiều khó khăn trên vùng cao, nhóm đã xây dựng và khánh thành hơn 80 điểm trường ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa…
Trong chương trình khai mạc, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phát động chương trình ủng hộ cho các em bệnh nhi của Lớp học hy vọng, đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đây là hoạt động lan tỏa đến cộng đồng những trái tim nhân ái, nối dài nhịp cầu yêu thương đến với tri thức cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Những tài liệu, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng học tập trong tù và trong quá trình đấu tranh cách mạng sau khi được trả tự do cũng được giới thiệu đến đông đảo công chúng, như: Sách - Đồng chí Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) sử dụng để dạy học trong thời gian bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 - 1952; Bi đông - Đồng chí Nguyễn Văn Chiển, thầy giáo lớp học trên cát tại Trại giam Phú Quốc được cấp sau khi trao trả ở bãi Nhan Biều bên bờ sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị, ngày 26/3/1973; Thẻ số tù - Nhà tù Trung ương Hà Nội (Nhà tù Hỏa Lò) cấp cho đồng chí Dương Tự Minh, học sinh kháng chiến bị thực dân Pháp bắt, giam trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1952 - 1953…
Trưng bày khai mạc ngày 28/8/2020 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
----------------------------
Liên hệ để biết thêm thông tin chi tiết theo số điện thoại (Hotline): 0825.112.668