Tin tức– Sự kiện
15/09/2020 22:09 15/09/2020 22:09 1928
Học với san hô

Côn Sơn, Côn Lôn hay Côn Nôn, đó là những tên gọi khác nhau của hòn đảo Côn Đảo. Trong quá khứ, Côn Đảo được biết đến là một địa ngục trần gian, nơi ghi dấu thời kỳ đấu tranh bi hùng của dân tộc .

 

Tại đây, với lý tưởng cách mạng, niềm tin tất thắng, những chiến sĩ đã vượt qua gian khổ để biến Nhà tù Côn Đảo thành “đại học đường”, thành vườn ươm của cách mạng. Những bài học được “giáo viên” và “học viên” thảo luận hào hứng, say mê. Đồ dùng học tập được gửi từ bên ngoài bằng con đường tiếp tế hoặc tận dụng những đồ bỏ đi, những thứ xung quanh. Và một đồ dùng học tập mà cai ngục không thể ngờ tới, đó là: san hô.

Nhớ về những ngày tháng bị kết án tử hình nhưng vẫn tham gia học tập cùng anh em, đồng chí Lê Quang Vịnh đã viết trong hồi ký “Sóng ở Côn Đảo”: “Bọn cai ngục xét phòng liên miên, mỗi lần chúng lại lấy đi những giấy, bút, sách vở... để anh em không thể tiếp tục học và dạy thêm được nữa. Bị chúng lấy dần lấy mòn đến hết cả dụng cụ học tập, anh em đành học tiếp bằng cách dùng một mẩu san hô viết ngay trên sàn nhà của phòng giam. Bọn chúng cũng thu luôn và cấm không cho đem san hô vào trong phòng”.

Tại vườn ươm cách mạng này, nhờ những bài giảng, những dụng cụ học tập sáng tạo không ngờ, nhiều đồng chí đã được tiếp thêm ý chí, nghị lực và trang bị cả hành trang tri thức để khi có cơ hội trở về với tự do, về với cách mạng lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc.

Câu chuyện thú vị về lớp học này đang được thể hiện tại trưng bày Chắp cánh ước mơ - Di tích Nhà tù Hỏa Lò.


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: