Nhà tù Hỏa Lò được Thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896, là minh chứng của một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu nước đã từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nơi đây.
Một góc khu trưng bày “Chân trần chí thép” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 4 và tháng 5 lịch sử, nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2018); 64 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2018); 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép” với hơn 250 hình ảnh, hiện vật trưng bày, là những câu chuyện về ý chí, lòng quả cảm của những người con ưu tú đã quyết đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn: “Dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Du khách tham quan trưng bày “Chân trần chí thép”
Từ ngày 18/4/2018 - 22/4/2018, sau 04 ngày khai mạc chuyên đề, di tích đã tiếp đón và phục vụ hơn 3000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, trong đó có các đoàn như: Cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, đoàn cựu Thanh niên xung phong tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Phòng không - Không quân…
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản tham quan
trưng bày “Chân trần chí thép”
Mặc dù là một chuyên đề mang đề tài chiến tranh, nhưng qua sự nghiên cứu và cách sắp đặt nội dung, hình thức thể hiện trưng bày, khách tham quan không có cảm giác nặng nề mà như được hòa mình cùng những cán bộ, chiến sỹ bước vào hai cuộc kháng chiến hào hùng, giành lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Ở chuyên đề này, khách tham quan vẫn thấy được sự gian khổ mà mỗi cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an nhân dân đã trải qua trong chiến tranh; hiểu được được những quyết sách khó khăn nhưng đúng đắn vào những thời khắc lịch sử của những người cầm quân tài ba, vững vàng nơi trận mạc để làm nên những chiến công lẫy lừng.
Với những du khách người Việt Nam sẽ cảm thấy tự hào xen lẫn sự xúc động khi đặt chân tới đây; còn với du khách quốc tế, họ sẽ đi từ ngạc nhiên đến khâm phục những người lính Cụ Hồ, với “chân trần, áo vải” vẫn quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trước mọi sức mạnh quân sự tối tân, hiện đại … Đó chính là những lý do mà “Chân trần chí thép” thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Đoàn cựu thanh niên xung phong tỉnh Vĩnh Phúc tham quan Di tích
Chuyên đề đã giúp những thế hệ đi sau luôn khắc ghi công lao to lớn của những tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng đồng bào đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Những người con “chân trần” đã viết nên những bản hùng ca bất diệt; họ mãi là điểm tựa vững chắc, là động lực để lớp lớp những người Việt Nam tiếp bước noi theo trong sự nghiệp gìn giữ và bảo vệ hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.
Nguyễn Thị Chiên - Phòng Hành chính, Tổng hợp
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn