Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề: “Lời tri ân”. Trưng bày diễn ra từ ngày 20/7/2018 đến ngày 10/9/2018. Trưng bày được chia thành 2 nội dung chính: Trọn một lời thề và Lời tri ân.
Phần nội dung thứ nhất Trọn một lời thề là những câu chuyện trên một “trận tuyến đặc biệt” - Ngục tù của thực dân, đế quốc. Giữa nơi ngục lửa, những người con trung hiếu của dân tộc vẫn kiên tâm, bền chí trước những trận đòn tra tấn thấu xương hay khi cận kề cái chết. Nhiều tấm gương kiên trung trong ngục tù thực dân, đế quốc đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tại không gian trưng bày này lần đầu tiên khách tham quan được biết, được hiểu về hệ thống nhà tù nhiều hơn trường học dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc; về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã bất khuất vượt qua, giữ vững khí tiết của người cộng sản, đó là:
Một Hỏa Lò - Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội, nơi cuộc sống của các chiến sỹ yêu nước, cách mạng là một cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại chế độ lao tù hà khắc. Từ gáo nước, khẩu phần ăn hằng ngày, việc phát thêm chiếu, chăn chống rét… đều phải trải qua những cuộc đấu tranh quyết liệt.
Một Sơn La - Nơi rừng thiêng nước độc với những căn phòng tối bằng gạch và đá kiên cố đặc biệt hệ thống xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3m. Khi cánh cửa gỗ đóng lại thì mỗi xà lim cá nhân biến thành một hộp kín, tù nhân phải nằm co và khó phân biệt thời gian ngày và đêm. Khu xà lim biệt giam đã từng giam các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu…
Một Khám Lớn Sài Gòn - Vùng đất dữ với các khu biệt giam, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân. Đây là khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh, một trong nhưng “biểu tượng” cho bộ máy thống trị của chế độ thực dân ở Nam kỳ.
Một Ác liệt Côn Đảo, “là địa ngục trần gian” cách xa đất liền, nơi những chiến sỹ cộng sản phải đương đầu với bộ máy khủng bố tinh vi và tàn bạo; nơi tù nhân bị bỏ đói, bỏ khát, bị nhốt như những con vật trong các Chuồng Cọp, hiếm có nơi nào mà mạng sống của con người bị coi rẻ đến như vậy; cũng hiếm có nơi nào, sự sống của tù nhân lại được duy trì kiên cường đến thế.
Một Phú Quốc - Trang sử bi hùng, nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chọn làm địa điểm xây dựng trại giam bởi vị trí nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, kẻ thù có thể mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn gây chết chóc, thương tật về thể xác, đau khổ về tinh thần suốt đời. Chúng còn “sáng tạo” ra các kiểu giam “độc đáo” để hành hạ, đày đọa tù binh đến tận cùng như Chuồng Cọp kẽm gai. Chỉ vài ngày bị giam tại đây, toàn thân người tù bị lột hết da.
Cùng Các nơi giam giữ khác như: Bót Catinat (Sở Mật thám Nam Kỳ), Nhà lao Tân Hiệp, Khám Chí Hòa… đều là những nhà tù khắc nghiệt, đày đọa và cướp đi sinh mạng của biết bao chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam.
Tất cả những địa ngục trần gian này chính là một “chiến trường đặc biệt” dù không có tiếng súng rền vang, nhưng đã cướp đi một phần thân thể và sinh mạng của biết bao người con ưu tú của dân tộc từ những năm đầu thế kỷ XX đến hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Những câu nói, những lời tâm huyết của các chiến sỹ cách mạng như: Đồng chí Hoàng Văn Thụ trước khi bị dẫn giải từ xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò ra pháp trường đã tỏ rõ niềm tin vào thắng lợi của cách mạng; câu chuyện về đồng chí Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng trong xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn hay bút tích chống ly khai của đồng chí Lưu Chí Hiếu tại Chuồng Cọp, Côn Đảo… đều được thể hiện nổi bật trong trưng bày.
Một phần diện tích của trưng bày đã thể hiện khát khao cháy bỏng của mỗi chiến sỹ cách mạng khi bị bắt, giam trong các “địa ngục trần gian” là tận dụng mọi thời cơ để tổ chức vượt ngục: Biết bao thử thách hiểm nghèo họ phải đối mặt: bị truy lùng, bắt giam trở lại; phải chịu những trận đòn tra tấn đến chết đi sống lại hay có thể bị giông bão, sóng biển nhấn chìm hoặc làm mồi cho thú dữ nơi rừng sâu nước độc, nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện như cuộc vượt ngục tập thể tại Bến Đầm, Côn Đảo. Nhân việc bị bắt đi làm đường đến Bến Đầm, các tù nhân ngày đêm lao động khổ sai, bí mật đào hầm, đóng thuyền chuẩn bị vượt ngục, nhưng gió to, sóng dữ đã đánh chìm những chiếc xuồng gỗ do tù nhân tự tạo, 117 chiến sỹ bị địch bắt lại, 81 chiến sỹ hy sinh trên biển (75 người trôi dạt vào bờ, 6 người mất tích giữa biển khơi). Những chiến sỹ hy sinh được người dân Côn Đảo âm thầm chôn cất ở bãi cát Cỏ Ống và lập đền thờ. Hiện vẫn còn 73 hài cốt các chiến sỹ nằm lại ở Cỏ Ống, Côn Đảo.
Phần nội dung trưng bày thứ hai Lời tri ân là những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Nhiều chiến sỹ may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, của đồng đội, nhưng có những người đã mãi mãi ra đi, thân thể họ đã hòa trong đất mẹ:
…Có hôm nay là xương máu đổi về
Của bao người đã tràn trề thương tích
Của các anh vẫn chưa rõ lai lịch
Ở nghĩa trang hay núi cát sông rừng.
Những câu thơ trong bài “Các anh không về” của tác giả Sở Lưu Hương như lời nhắc nhở cho thế hệ hôm nay, luôn khắc ghi công lao to lớn của biết bao người trở về không còn lành lặn, mang thương tật trong mình, bao người đã ngã xuống nhưng cũng chưa xác định được danh tính hiện đang yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước.
Tổ hợp chính “Lời tri ân” được thể hiện như một bông hoa tươi thắm mang ý nghĩa: Sự hy sinh của bao chiến sỹ đã cho đất nước được trường tồn, nở hoa. Mỗi cánh hoa là một sắc màu, nếu nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn được thể hiện bằng màu xanh thẫm của đại ngàn, thì Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma lại là một màu xanh của mênh mông biển cả. Tại đây, người xem như trầm lắng lại khi đứng trước những bức ảnh bạt ngàn các ngôi mộ không tên, không tuổi ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ… sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời Hoa - Lửa. Những nghĩa trang ấy còn là nơi yên nghỉ của hàng triệu người lính năm xưa hừng hực khí thế lên đường chiến đấu, giờ quây quần bên nhau mộ thẳng một hàng.
Đền, đài, bia tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ trở thành những địa danh văn hoá - lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ. Nơi an nghỉ của những linh hồn bất tử, nơi các thế hệ tìm đến, kính cẩn nghiêng mình, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho đất nước hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như những câu thơ trong bài “Thăm Nghĩa trang Trường Sơn” của tác giả Nguyễn Quyết Thắng:
Hương đã thắp cho bao mộ phần nước mắt vẫn chưa khô
Xin thành kính trước anh linh bao người con trung hiếu
Hàng triệu người đã về thăm lặng đi và chợt hiểu
Giá của sự hy sinh quá đỗi lớn lao này…
Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng nỗi đau còn âm ỉ trong những người mẹ tìm con, vợ tìm đợi chồng, anh tìm em, con ngóng tìm cha. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, bổ sung hồ sơ liệt sỹ là ước vọng tâm linh cháy bỏng không chỉ riêng các gia đình, thân nhân liệt sỹ mà của toàn xã hội, đặc biệt của các cựu chiến binh như: ông Lê Văn Cam đã dành 20 năm đi tìm hài cốt của đồng đội, hay ông Trần Ngọc Doanh với hàng trăm chuyến hành trình ngược xuôi tìm đồng đội… có trong nội dung trưng bày Trả lại tên cho anh.
Bằng tấm lòng và hành động, những món quà tình nghĩa từ “Quỹ tri ân các cựu tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò” đã được trao tận tay các bác có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2017 cũng được cập nhật lên trưng bày. Một ngọn nến nhỏ không thể sưởi ấm cả mùa đông. Một tấm lòng thảo thơm là đáng quý, nhưng cần lan tỏa hơn nữa những vòng tay chia sẻ để ngọn lửa tri ân mãi mãi ấm nồng.
Hy vọng, trong thời gian tới, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục là cầu nối với những tấm lòng thơm thảo để việc làm này được nhân rộng và lan tỏa hơn nữa tới công chúng, góp phần làm vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của các cựu tù chính trị - những người đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tại buổi khai mạc, đại biểu và khách tham quan được gặp các nhân chứng là các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại các Nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc được giới thiệu trên trưng bày như: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (thành viên Ban chỉ đạo công trình “Ký ức người lính”), ông Lâm Văn Bảng (thương binh 1/4, Giám đốc Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày), ông Nguyễn Tài Triệu (thương binh 2/4)…; Thân nhân của các nghĩa sỹ, liệt sỹ tham gia sự kiện Hà Thành Đầu độc, Tổ chức Việt Nam Quang phục Hội, Khởi nghĩa Yên Bái…; Các bác có hoàn cảnh khó khăn được nhận tài trợ suốt đời như bác Lê Kim Dung và các nhà hảo tâm đã tham gia tài trợ “Quỹ tri ân các cựu tù chính trị tại Nhà tù Hỏa Lò”.
Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì hai tiếng hòa bình cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước. Để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, cố gắng hơn, nhiệt huyết hơn công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh và ước mơ của các anh hùng, liệt sỹ.
Chương trình khai mạc diễn ra vào 8h30 ngày 20/7/2018 (Thứ Sáu).
Tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
BAN TỔ CHỨC
* Liên hệ với với số điện thoại của BTC để được trợ giúp khi cần:
Phạm Thị Hoàng My - Phòng Hành chính - Tổng hợp
ĐT: 0915.020.105