Tin tức– Sự kiện
01/08/2018 17:19 01/08/2018 17:19 2219
Giao lưu Câu chuyện - Thời hoa lửa
Hà Nội lại bước vào Thu, mùa thu cách mạng, những ký ức của một thời hoa lửa được tái hiện qua buổi giao lưu giữa các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò với Hội Cựu chiến binh huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sáng ngày 01/8/2018.
73 năm đã trôi qua nhưng chúng ta vẫn cứ ngỡ như được sống lại những ngày tưng bừng ấy qua lời kể của hai cựu tù chính trị từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò: bác Nguyễn Đức Minh, Dương Tự Minh.
 
Các Cựu chiến binh dâng hương Đài Tường niệm trước buổi giao lưu
 
 
 
 
 
 
 
 
Đoàn tham quan trưng bày chuyên đề “Lời tri ân”
 
 
Đồng chí Đào Thị Huệ, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phát biểu trong buổi giao lưu
 
 
Bác Nguyễn Đức Minh (người ngồi giữa) và bác Dương Tự Minh(người ngồi bên phải) trong buổi giao lưu Ký ức - Thời hoa lửa
 
Bác Nguyễn Đức Minh, cựu tù chính Nhà tù Hỏa Lò. Ngay từ thời còn là học sinh bác đã tham gia làm Hướng đạo sinh tại trường Chu Văn An. Năm 1948, bác gia nhập lực lượng công an quận 6, Công an Hà Nội, hoạt động ở nội thành. Tháng 5/1948, bác Nguyễn Đức Minh bị thực dân Pháp bắt trên đường đón giao liên tại phố Hàng Buồm. Sau những trận đòn tra tấn dã man tại Sở Mật thám nhưng không khái thác được thông tin của bác, bọn chúng chuyển bác sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò.
Tại Nhà tù Hỏa Lò, bác Nguyễn Đức Minh đã cùng với anh em tù chính trị khác đã tìm mọi cách, mọi phương pháp để đấu tranh với bọn giám ngục, giám thị trại giam đòi cải thiện về chế độ sinh hoạt hàng ngày của tù nhân, đòi quyền được khám, chữa bệnh khi ốm đau. Mặc dù bị giam cầm, đầy đọa về thể xác những đối với bác Minh thì Nhà tù Hỏa Lò chính là nơi rèn luyện ý chí chiến đấu, là trường học cách mạng để bác trưởng thành về mọi mặt.
Cuối năm 1948, bác Nguyễn Đức Minh bị thực dân Pháp chuyển lên giam ở trại giam Khe Tù, Quảng Ninh. Tại đây bác và một người tù khác vượt ngục, tìm đường về với tổ chức, tiếp tục hoạt động cách mạng
Buổi giao lưu như lắng đọng lại với phần chia sẻ của bác Dương Tự Minh, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội đi theo cách mạng. Cụ thân sinh của bác là nhà nghiên cứu Văn học sử, giáo sư - liệt sĩ Dương Quảng Hàm. Kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình, ngay từ khi còn là học sinh trường Chu Văn An, bác đã tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội với những hoạt động sôi nổi như: rải truyền đơn, tổ chức bãi khóa phản đối thực dân Pháp bắt bớ học sinh, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch giết chết trên đường phố Sài Gòn (ngày 20/01/1950)…
Giữa năm 1950, bác bị thực dân Pháp bắt,  giam ở Sở Mật thám Hà Nội. gần một tháng. Đến tháng 12/1952, bác bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai. Sau hai tháng giam cầm, tra tấn tại Sở Mật thám Hà Nội, chúng chuyển bác sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò, khi mới 17 tuổi. Bác Dương Tự Minh đã chia sẻ những hoạt động sôi nổi của thế hệ học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội một thời và những tấm gương sáng trong nhà lao Hỏa Lò như đồng chí Phạm Hướng, Lê Tám.
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các cựu chiến binh tặng quà và chụp hình lưu niệm với hai bác
 Nguyễn Đức Minh và Dương Tự Minh
 
Những câu chuyện sống động của một thời cách mạng, một thời hoa lửa đã để lại những cảm xúc trào dâng trong lòng những Cựu chiến binh, những người đã tham gia vào hai cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
 
 

Bác Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đại Từ,
 tỉnh Thái Nguyên thay mặt các cựu chiến binh cảm ơn hai chân chứng
và chia sẻ cảm xúc trong buổi giao lưu
 
Với sự biết ơn sâu sắc thế hệ đi trước, bác Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Thật xúc động khi được nghe những câu chuyện từ chính những nhân chứng sống, những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng, vượt lên mọi hoàn cảnh tù đày quyết tâm sống, chiến đấu, hy sinh vì lí tưởng cao đẹp. Những cựu chiến binh hứa sẽ tiếp tục sống, chiến đấu, học tập những tấm gương cách mạng của lớp cha anh đi trước trong công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước”.

Bài và ảnh Nguyễn Anh Tuấn
                                                                         Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: