Thomas Eugene Wilber và ông Tống Trần Hội gặp nhau trong dịp khai mạc trưng bày Lời Tri ân tổ chức tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018). Trưng bày được tổ chức nhằm tôn vinh sự hy sinh lớn lao của những chiến sỹ cách mạng cho độc lập, tự do của dân tộc. Có những người đã mãi mãi ra đi, có những người trở về nhưng đã mất đi một phần cơ thể, một trong số đó là ông Tống Trần Hội. Được nghe câu chuyện về ông, được gặp trực tiếp một con người giàu nghị lực như ông, Thomas Eugene wilber con trai của Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber một cựu phi công Mỹ từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò đã không dấu nổi cảm xúc. Sau cuộc gặp đó Thomas Eugene wilber ngày đêm suy nghĩ về ông Tống Trần Hội, mỗi khi trái gió trở trời phải chịu nỗi đau đớn với đôi chân không còn nguyên vẹn nhưng trên khuôn mặt vẫn luôn rạng ngời. Thomas Eugene wilber đã bày tỏ sự cảm phục bằng bức thư mà chúng tôi gọi là “Bức thư của tình hữu nghị”.
Ông Tống Trần Hội và Thomas Eugene Wilber chụp ảnh kỷ niệm tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò
Mở đầu thư Thomas Eugene Wilber viết: “tôi viết thư này xin được bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc khi được gặp ông tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ông đã chịu sự tra tấn dã man của kẻ thù tại Nhà tù Phú Quốc. Trong khi đó, cha tôi - ông Walter Eugene Wilber lại có những trải nghiệm nhân đạo nhận được từ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ông bị tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò”.
Bức thư Thomas Eugene Wilber gửi ông Tống Trần Hội
Ông Tống Trần Hội đã đọc rất nhiều lần và như thuộc từng chữ trong bức thư. Ông nói: “Tôi gặp Thomas Eugene Wilber, chỉ một tuần sau tôi nhận được thư”. Trong thư có đoạn Thomas Eugene Wilber viết “Sự khác biệt trong đối xử tù binh giữa ông và cha tôi khác biệt hoàn toàn. Do vậy tôi rất biết ơn những gì mà đất nước Việt Nam đã dành sự nhân đạo cho cha tôi trong quãng thời gian ông bị giam tại Hà Nội. Chính điều này đã khiến tất cả chúng tôi, những người Mỹ đánh giá cao và cảm nhận được giá trị nhân văn của người Việt Nam. Và tôi lại càng thấy hổ thẹn và buồn khi nghĩ đến sự đối xử của Chính phủ Mỹ khi xâm lược Việt Nam. Những gì mà ông đã trải qua và chịu đựng đã khiến tôi thấy ông thật kiên cường, chiến đấu và thể hiện ý chí cách mạng của mỗi người lính Việt Nam. Điều đó đã gieo mầm cho độc lập, tự do của Việt Nam hôm nay”.
Ông Tống Trần Hội xúc động đọc thư của Thomas Eugene Wilber
Ông Tống Trần Hội chia sẻ: “Ngày trước tôi và đồng đội chỉ nghĩ việc sống chiến đấu, cũng không nghĩ những hy sinh nhỏ bé của mình lại được nhiều người quan tâm đến vậy. Được như thế này tôi lại nhớ đến đồng đội, nhiều người đã không thể trở về, gia đình mất liên lạc”. Thế hệ của ông vẫn vậy, hy sinh rất nhiều, mất mát rất nhiều nhưng trên khuôn mặt luôn rạng ngời với tinh thần lạc quan, yêu đời chính điều đó đã khiến Thomas Eugene wilber cảm phục. Cuộc gặp gỡ và bức thư của hai người, hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất. Họ gặp nhau, quý mến nhau và cảm phục trước những hy sinh và nghị lực. Cảm ơn ông và thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh, giữ gìn phẩm chất của người chiến sỹ cách mạng cho đất nước Việt Nam được hòa bình, phát triển như ngày hôm nay.
Nguyễn Thị Thu Hiền – Phòng Nghiên cứu Sưu tầm.