“Cuộc đời tôi như một sự sắp đặt của số phận, đến với cách mạng, rồi chiến đấu quả cảm và được trở về trong chiến thắng vẻ vang của đất nước. Tôi đã trải qua nhiều giông bão, gánh chịu những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng cũng đầy hạnh phúc, vinh quang. Điều tôi nhớ nhất trong cuộc đời đó là những ngày tháng sống trong nhà tù đế quốc và những bức thư tôi nhận được từ gia đình là nguồn động viên lớn nhất giúp tôi vững vàng vượt qua mọi khó khăn.”-Trung tướng Châu Văn Mẫn (Châu Văn Đẹp), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân chia sẻ.
Thời gian đã nhuộm màu trên những lá thư tay nhưng ý chí cách mạng vẫn cháy mãi trong trái tim người cựu tù chính trị năm xưa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Châu Văn Mẫn. Khi phải đối diện với mọi hình thức tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần tại Nhà tù Côn Đảo, những lá thư là nguồn động viên giúp đồng chí vững vàng chiến đấu, thể hiện niềm tin thắng lợi vào cách mạng, là lời nhắn nhủ đồng đội và là tình cảm gửi về gia đình.
Đồng chí Châu Văn Mẫn cùng mẹ tại phòng giam số 33 Chuồng Cọp Côn Đảo, nơi đồng chí đã từng bị giam giữ, năm 1983
Trong hoàn cảnh bí mật, sau những dòng chữ là nhiều ẩn ý sâu xa như: hỏi thăm cha mẹ là hỏi thăm tổ chức cách mạng, hỏi thăm nhắc nhở các em cũng là hỏi thăm đồng đội. Mỗi lá thư chứa đựng bao ân tình, bao gửi gắm tha thiết một tình yêu quê hương, gia đình, yêu cách mạng và một lòng son sắt với Đảng.
Thư, đồng chí Châu Văn Mẫn gửi về gia đình, ngày 20/1/1972
Mặc dù bị tra tấn với nhiều hình thức, trái tim người chiến sĩ ấy vẫn hướng về gia đình, với nỗi lo cho sức khỏe của cha mẹ. “Còn cha mẹ, chắc phải già đi nhiều vì nỗi lo cho chúng con, một phần vì gia đình kham khổ. Vậy con mong cha mẹ chớ buồn phiền mà hao mòn sức khỏe”. (Trích thư ngày 20/1/1972)
Người con hiếu thảo và người anh mẫu mực khi viết về nhà luôn hỏi thăm các em, động viên cha mẹ yên tâm. “… Xin ba mẹ cứ an tâm đừng lo nghĩ đến con mà hao mòn sức khỏe, ở đây con luôn cầu mong cha mẹ và các em luôn khỏe mạnh, con mong cha cố gắng cho Quang, Rạng tiếp tục học đến ngày con về”. (Trích thư ngày 01/6/1970)
Thư, đồng chí Châu Văn Mẫn gửi về gia đình, ngày 24/2/1972
Những lá thư đồng chí gửi về gia đình còn chứa đựng ý chí cách mạng và khát vọng phấn đấu. Trong lá thư ngày 24/2/1972 đồng chí nhắc đến bà nội và anh trai gợi lại cho gia đình và các em lòng căm thù giặc “Con vẫn luôn nhớ về nội và anh hai”. Bà nội đồng chí bị Mỹ ném bom không còn xác, bà là Mẹ Việt Nam anh hùng, có ba con là liệt sĩ. Anh hai tham gia cách mạng đã hy sinh năm 1966.
Thể hiện sự lạc quan, bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng, trong lá thư gửi về cho cha mẹ ngày 29/8/1973, có đoạn viết: “Phần con lúc nào sức khỏe cũng tốt, tin cho ba mẹ rõ. Con được như vậy cũng là nhờ sự giúp đỡ của anh em bạn tù… Nhận được thư này ba mẹ nhớ biên thư cho con biết việc gia đình, đừng quá ngóng trông chờ con mà lại không gửi thư cho con. Dù thế nào con vẫn là con mến yêu của cha mẹ”.
Thư, đồng chí Châu Văn Mẫn gửi về gia đình, ngày 04/4/1972
Những bức thư gửi về dù ngắn gọn, dung dị nhưng bao giờ cũng nhắc đến bà con “hàng xóm” có nghĩa là tổ chức và đồng đội của đồng chí. Trong trái tim đồng chí chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ về họ. Trong lá thư viết ngày 04/4/1972, có đoạn: “Thư ở nơi đây có hạn, không thể biên riêng. Con gửi vào đây lời thăm hỏi sức khỏe tất cả bà con xóm giềng. Mong mọi người đều khỏe, mùa màng thu hoạch tốt …”. Câu “mùa màng thu hoạch tốt” là lời chúc đồng đội mình có những trận thắng lớn.
Những đau đớn về thể xác khi bị giam giữ trong Nhà tù Côn Đảo đã được chữa lành một cách diệu kỳ qua những lá thư. Những lời hỏi thăm, nhắn nhủ là mạch nguồn sống giúp đồng chí vượt qua những khốc liệt của chiến tranh để trở về, thể hiện ý chí sắt đá của chiến sỹ cách mạng. Những ngày tháng đó đã tôi luyện ý chí thép giúp đồng chí luôn phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Ngày hôm nay, khi đã nghỉ hưu đồng chí vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Tấm gương sáng của đồng chí là bài học quý cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm